19 năm mang trong người khiếm khuyết, bệnh tật là ngần ấy năm Nguyễn Văn Tâm (học lớp 12A5 Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phải sống trong cảnh côi cút, không người thân thích. Ước mơ lớn nhất trong cuộc đời em đó là mong được gặp lại cha mẹ, dù chỉ một lần.
Em Nguyễn Văn Tâm được bạn đưa vào lớp học
Khi nhắc đến chữ “Tâm” là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm con người, luôn hành động đúng đạo lý, lẽ phải. Tâm ở đây cũng thế, nhưng cuộc đời em lại vô cùng bất hạnh, nghiệt ngã. Từ lúc lọt lòng mẹ, Tâm đã bị bỏ rơi trước cửa Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM). Không gối, không chăn, thứ duy nhất mà em có được đó là chiếc khăn mỏng quấn khắp cơ thể. Biết đây là đứa trẻ bị bỏ rơi, các cô bảo mẫu ở trung tâm đã bế em vào tắm rửa, nuôi dưỡng, đặt tên là Tâm với mong muốn sau này đứa trẻ ấy sẽ sống trọn với cái tên của mình.
Vốn là nơi bảo trợ trẻ em nên Tâm được chăm sóc rất chu đáo, chẳng mấy chốc em trở thành một đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu. Nhưng dường như định mệnh bắt em phải bất hạnh. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, Tâm bỗng dưng đổ bệnh. Từ đó, em trở thành một đứa trẻ tàn phế với đôi chân yếu ớt, đi lại khó khăn, dần dần mất cảm giác. Ở cái tuổi lẽ ra được vui đùa cùng bạn bè, Tâm chỉ biết đi lại bằng chiếc xe lăn, có cố gắng cỡ nào chân em cũng không đi được, mặc dù các cô bảo mẫu hết lòng chăm sóc. Càng lớn, Tâm càng nhận ra khiếm khuyết của bản thân. Thấy bạn bè, người thì có đủ mọi thứ nhưng không biết trân trọng, thậm chí còn hủy hoại bản thân vì muốn thể hiện với bạn bè; người khổ hơn thì ít ra “mất cái này nhưng được cái khác”… Nghĩ lại mình như “con chim lạc bầy”, như “bèo dạt mây trôi”, sống bơ vơ không cha mẹ, không người thân thích, Tâm khao khát có được sự quan tâm, chăm sóc của người thân. “Những buổi chiều, ngó ra đường thấy bạn bè cùng trang lứa được người thân đưa đón đến trường, em bắt đầu biết buồn, rồi em ước ao mình cũng như những đứa trẻ ấy. Ở trung tâm cũng được dạy học nhưng em muốn được đến trường như các bạn, tuy nhiên em không dám nói vì sợ các mẹ vất vả”, Tâm chia sẻ.
Hè về, mùa tựu trường đến, tiếng trống trường bắt đầu đánh những nhịp đầu tiên báo hiệu một năm học mới, Tâm càng nao lòng bởi khiếm khuyết cơ thể khiến em không thể tự đến lớp được. Nhưng ở đời, khi cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác mở ra, mang niềm vui và sự hy vọng đến cho những người bất hạnh. Một hôm, có một người đàn ông tốt bụng (Tâm không muốn nêu tên – PV) làm bảo vệ gần đó thấy Tâm ngoan ngoãn, lễ phép và ham học nên bảo: “Con muốn đến trường không, chú giúp!”. Thế là cơ hội đến trường của Tâm bắt đầu từ đó. Hằng ngày, người đàn ông này lái xe máy chở Tâm đến trường, tan học ông lại chở em về trung tâm. Do nửa thân dưới bị liệt nên Tâm không nhúc nhích được. Ngồi hết ngày này qua tháng nọ trên chiếc xe lăn khiến cái mông của em lở loét, mưng mủ. Quá đau đớn, Tâm đành nghỉ học nguyên năm lớp 7. Quyết không bỏ học giữa chừng, sau khi bệnh tình thuyên giảm em lại nhờ người đàn ông không ruột rà đưa đón đi học tiếp. Tuy nhiên, lên lớp 9, mông em lại tiếp tục sưng phù, nổi đầy mẩn đỏ. Vậy là năm học lớp 9 của em đành phải gác lại. Điều đó khiến em luôn là học sinh… già nhất lớp. Căn bệnh làm Tâm càng lớn càng “phát tướng”. Gương mặt méo xệch, tay chân phù nề. Nếu không hỏi tuổi thì không ai biết em mới 19 tuổi. Dưới mái Trường THPT Phan Đăng Lưu, được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô đã tạo động lực cho Tâm ngày ngày bồi đắp tri thức. “Em thích nhất là môn ngữ văn. Vì khi đặt bút viết em có thể trình bày quan điểm của bản thân về một vấn đề nào đó. Mặt khác, văn chương đôi lúc còn giúp em xoa dịu nỗi đau, tâm hồn trở nên nhẹ nhõm hơn”, Tâm chia sẻ. Ngoài yêu thích văn chương, Tâm còn dành thời gian nghe nhạc. Em bảo mình là “fan cứng” của ca sĩ Đông Nhi. Những lúc cô đơn hay gặp phải chuyện gì đó không vui em đều nghe nhạc, nó như là cách để em “quẳng gánh lo âu”.
Nói về sự nghiệp trong tương lai, Tâm hé lộ mình sẽ theo đuổi ngành thiết kế đồ họa. “Công việc này chủ yếu làm việc qua máy tính. Với những người đi lại không được như em thì rất thích hợp chứ những công việc khác em đâu kham nổi. Chỉ cần có công việc ổn định, tự tạo ra được nguồn thu nhập là có thể sống khỏe, thậm chí còn có thể trả ơn cho những ân nhân”, Tâm vui vẻ nói.
Dù không biết mặt cha mẹ, không quan tâm họ chối bỏ mình vì lý do gì, nhưng Tâm luôn khát khao, hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại song thân, dù chỉ một lần. “Có thể vì lý do nào đó họ mới bỏ em. Nếu có ngày gặp lại, em không những không trách mà còn cảm ơn cha mẹ vì đã sinh con ra giữa cuộc đời này, cho con gánh chịu nhiều thử thách để con biết được thế nào là cuộc sống, là cuộc đời, thế nào là nghị lực”, Tâm bộc bạch.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)