Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cuộc đời mãi mãi là mùa xuân

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa gặp NSƯT Ái Xuân ra cổng đón khách với nụ cười trên môi, tôi nói vui: “Mùa xuân năm nay chị Xuân ăn Tết lớn rồi”. Chị lại nở thêm một nụ cười nữa. Chả là trong mấy tháng cuối năm gia đình chị đang lo sửa sang lại căn nhà trong con hẻm 105 Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM cho rộng rãi và khang trang hơn để kịp đón Tết Canh Dần.
PV: Là con nhà nòi, ngay từ nhỏ chị đã đi biểu diễn nhiều nơi trong nước dù lúc đó đất nước vẫn còn chiến tranh. Cảm xúc của chị như thế nào khi hát ngoài trận địa, trên công sự hay giữa chiến hào?
NSƯT Ái Xuân: Mới 10 tuổi, tôi đã vào đoàn văn công theo mẹ là NSND Ái Liên đi hát. Do chiến tranh nên Đoàn cải lương Nam bộ phải đi sơ tán và biểu diễn nhiều nơi. Đó cũng là năm tôi trở thành cộng tác viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thường được thu các bài vọng cổ… Thời kỳ này các tỉnh miền Trung đang bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, thế nhưng có rất nhiều đoàn văn công thay nhau vào vùng “chảo lửa” để phục vụ văn nghệ. Tôi nhớ nhất là lần đi cùng nhạc sĩ Xuân Hồng vào Thanh Hóa biểu diễn ngay sau khi cầu Hàm Rồng vừa bị địch phá hư mấy nhịp. Biết là nguy hiểm nhưng ai cũng thấy đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ. Nhiều khi đang hát lại có máy bay đến bắn phá nhưng chính trong hoàn cảnh đó những lời ca điệu múa lại có sức cổ vũ, động viên rất lớn. Là mũi nhọn xung kích trên mặt trận văn hóa và tư tưởng, người nghệ sĩ lúc nào cũng lăn xả vào những nơi khó khăn và nguy hiểm nhất.
Chị đã mấy lần được vinh dự vào gặp Bác Hồ và nhớ những lời Bác dặn đối với các cháu thiếu nhi?
Tôi được gặp Bác 7 lần. Hiếm ai có được niềm tự hào đó và lần nào cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Bác dặn các bạn thiếu nhi nhiều lắm nhưng tôi nhớ nhất là lần gặp Bác vào tháng 7-1969. Xuân được ngồi gần Bác để cùng xem một bộ phim tài liệu nói về chiến công của đơn vị Phòng không không quân bắn máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Đang xem bỗng nhiên thấy Bác lấy chiếc khăn trong túi ra lau nước mắt, tôi hỏi: “Sao Bác khóc à?”. Lúc này Bác Hồ mới chớp nhẹ đôi mắt và ghé xuống nói với tôi: “Bác thương các chú phi công quá!”. Từ trước tôi biết tình cảm sâu đậm của nhân dân đối với Bác Hồ, đến bây giờ tôi hiểu thêm tình cảm của Lãnh tụ đối với đồng bào chiến sĩ. Tôi lại càng thương Bác hơn vì 2 tháng sau Bác đã ra đi mãi mãi, không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp Người.
Thời đi học chị có những kỷ niệm gì đáng nhớ?
Thời đi học tôi luôn được bạn bè quý mến vì ai cũng thích nghe giọng ca Ái Xuân. Trước khi vào học phổ thông Trường Hà Nội A, tôi đã sinh hoạt trong Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội. Hay hát hò nên tôi chỉ thích học môn văn còn mấy môn tự nhiên như toán, lý, hóa thì tôi… ngán lắm vì khó học, khó nhớ.
Các bạn trẻ hiện nay đa số không thích nghe hát dân ca. Chị thấy thế nào?
Không phải ai cũng không thích nghe và hát dân ca. Có nhiều bạn trẻ rất mê nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện để thưởng thức. Thỉnh thoảng có rất nhiều thư khán giả gửi về đài yêu cầu được nghe hát dân ca qua các giọng ca của các nghệ sĩ lớp trước. Lâu lâu không thấy mình xuất hiện là khán giả gửi thư về đài hỏi thường xuyên.
Theo chị, nhà trường cần phải làm gì để góp phần bảo tồn dân ca và xây dựng nền giáo dục hiện đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc?
Nhà trường cần thường xuyên giáo dục các em học sinh yêu thích vốn văn hóa quý báu của dân tộc và coi đó như một tài sản vô giá mà ông cha ta đã để lại. Khi đã có ý thức bảo tồn thì sẽ có người nối tiếp, nếu không sẽ bị mai một theo thời gian. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ làm được điều đó.
Chị có suy nghĩ và ấn tượng như thế nào về những bài dân ca miền Trung và nhất là dân ca Nghệ Tĩnh quê tôi mà chị đã từng thể hiện thành công?
Dân ca miền Trung nói chung và dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng rất sâu lắng và đượm tình nặng nghĩa. Nét riêng của những làn điệu ví dặm, lý ở vùng đất này không lẫn vào đâu được dù vẫn chảy theo dòng chảy chung của dân ca Việt Nam. Tuy nhiên còn phải tùy thuộc vào người hát. Thành công hơn cả trước hết phải nhắc đến NSND Thu Hiền. Nam ca sĩ thì có Quang Lê. Năm 16 tuổi tôi đã được sang Pháp biểu diễn theo chương trình của Bộ Văn hóa Thông tin. Rõ ràng dân ca Việt Nam cũng cần phải giới thiệu cho bạn bè trên thế giới biết.
Hồi nhỏ khi xem phim Tiền tuyến gọi tôi phát hiện Ái Xuân có một vai nhỏ trên màn bạc?
Đúng, lần đó tôi được đóng phim cùng NSND Thế Anh. Còn tôi là cô bé ở đất lửa Quảng Bình có đứa em bị thương phải nhờ bác sĩ Huy (NSND Thế Anh đóng) cứu chữa. Tôi còn có một vai nhỏ trong bộ phim Chị Nhung. Đó là lần duy nhất 2 chị em (NS Ái Vân – PV) cùng tham gia một bộ phim truyện nhựa.
Và chị còn là một cô giáo?
Là giảng viên dạy bộ môn Dân ca của Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh, tôi đang đào tạo các em sinh viên biết hát và thưởng thức dân ca dù có hay không đi theo con đường ca sĩ. Có thể nói hát dân ca không dễ vì trước hết phải có năng khiếu, tố chất bẩm sinh. Ngoài những yếu tố khác nếu không có chất giọng tốt thì khó thành tài.
Năm cũ qua, năm mới sắp về. Tôi hỏi thêm chị câu này: “Tên chị có nghĩa là yêu mùa xuân và mùa xuân thật đáng yêu”. Chị thích chọn theo nghĩa nào?
Mùa xuân ai cũng mong nhớ và đợi chờ. Khi đặt tên cho con, chắc bố mẹ muốn cuộc đời mãi mãi là mùa xuân. Có năm Tết vui nhưng có năm Tết lại buồn. Năm 2006 là cái Tết buồn nhất của gia đình vì bố tôi (NS Hà Quang Định – PV) đau nặng và mất sau Tết mấy ngày. Nhưng dù vui hay buồn Ái Xuân vẫn nghĩ: hãy gạt bỏ những nỗi buồn năm cũ để giang tay chào đón một mùa xuân mới tràn đầy sức sống và nhiều hạnh phúc hơn.
Cảm ơn chị.
Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)