Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cuộc đua “bom tấn” của phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng có nhiều phim Việt được sản xuất với chi phí rất lớn. Không hẳn thời giá tăng khiến chi phí đội lên, mà nhà đầu tư muốn chơi lớn để đem đến cho khán giả những trải nghiệm đáng tiền.

Xưa rồi phim “triệu đô”

Tuần qua, V Pictures – công ty đầu tư, sản xuất phim Việt và phát hành phim nước ngoài – đã ra mắt và giới thiệu đến công chúng hàng loạt dự án phim hấp dẫn sắp tới như 9 giờ bão lửa, Chị chị em em 2, Ký ức ở lại, Tết ở làng Địa Ngục, Lật mặt 6, Sếp siêu nhóc. Đáng chú ý, các dự án này đều có quy mô đầu tư tiền “tấn”, vì độ khó về thể loại, nội dung.

Chẳng hạn 9 giờ bão lửa tiên phong khai thác đề tài thảm họa, Chị chị em em 2 tái hiện cuộc sống mỹ nữ Sài thành thập niên 1920-1930, Sếp siêu nhóc mở đầu chuỗi phim các siêu anh hùng nhí đầu tiên của Đông Nam Á. Khán giả sẽ sớm được diện kiến “bom tấn” đầu tiên là Chị chị em em 2 ra mắt vào dịp tết 2023 tới.

Dù không ít phim “bom tấn” năm nay ngã ngựa ở phòng vé nhưng việc đầu tư lớn cho phim vẫn là xu thế (ảnh trên: phim Maika: cô bé đến từ hành tinh khác, ảnh dưới: phim 578: Phát đạn của kẻ điên)

Dù không ít phim “bom tấn” năm nay ngã ngựa ở phòng vé nhưng việc đầu tư lớn cho phim vẫn là xu thế. Ảnh trên: phim Maika: cô bé đến từ hành tinh khác; ảnh dưới: phim 578: Phát đạn của kẻ điên

Vài năm gần đây, dòng phim kinh phí cao đã trở nên phổ biến với người xem. Nếu như 15 năm trước, Dòng máu anh hùng mở đường khái niệm phim “triệu đô”, thì giờ đây mốc “triệu đô” không còn là hiếm nữa. Từ năm 2017 trở đi, điện ảnh Việt đã xuất hiện phim 30 tỷ đồng – mức kinh phí gây giật mình. Nhưng hiện nay, con số này không có gì đáng ngạc nhiên. Vật giá tăng theo thời gian cũng là lý do, nhưng các đơn vị làm phim cũng muốn nâng chuẩn mọi khâu để hướng tới một tiêu chuẩn chuyên nghiệp mới. Đây là tín hiệu đáng mừng.  

Phim truyền hình cũng có “bom tấn”

Ngày 4/7 tới, tám tập phim bộ Trại hoa đỏ của đạo diễn Victor Vũ sẽ lên sóng truyền hình K+. Tác phẩm này không chỉ đánh dấu sự chuyển hướng của đạo diễn Victor Vũ từ phim rạp sang phim truyền hình, mà còn mở đầu cho xu hướng làm phim bộ với chất lượng điện ảnh – điều các đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến theo đuổi. Trại hoa đỏ được đầu tư kinh phí gấp bốn lần phim truyền hình thông thường. Bối cảnh thiết kế hoành tráng, trải dài tới 20 địa điểm trên khắp địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

Từ năm ngoái đến nay, màn ảnh Việt đã xuất xưởng hàng loạt phim tiền “tấn” như Kiều, Trạng Tí, Lật mặt 5: 48h, Gái già lắm chiêu V, Sám hối, Kẻ thứ ba, 578: Phát đạn của kẻ điên, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác, Em và Trịnh. Trong đó, phim thấp nhất cũng ngốn hết 30 tỷ đồng, cao nhất lên đến 60 tỷ đồng. Sắp tới sẽ còn nhiều phim “bom tấn” khác ra mắt người xem chẳng hạn như Thanh Sói, hoặc những dự án mà chỉ nghe tên đã thấy chi phí sản xuất sẽ rất đắt đỏ như Đất rừng phương Nam, Điệp viên Phạm Xuân Ẩn. 

Liều ăn nhiều?

Chia sẻ về lý do theo đuổi xu hướng làm phim đắt đỏ, ông Nguyễn Hoàng Hải (CEO của V Pictures) cho biết: “Chi phí sản xuất phim hiện nay tăng cao do tiền nhân công, thiết bị, khâu làm hậu kỳ tăng. Nhiều tiền không hẳn phim hay, nhưng để phim có chất lượng chắc chắn phải đầu tư nhiều tiền. Một phim thương mại bình thường giá chót cũng tròm trèm một triệu đô, tuy vậy cũng còn tùy vào mục đích và ngân sách nhà sản xuất.

Kẻ thứ ba, đầu tư lớn nhưng chết yêu ở phòng vé

Kẻ thứ ba, đầu tư lớn nhưng "chết yểu" ở phòng vé

V Pictures đã có kinh nghiệm làm phim nhiều năm nên tự tin khi quyết định đầu tư tốn kém. Tất nhiên, cũng có những phim chúng tôi làm với kinh phí không cao. Hiện nay, nếu một phim được đầu tư 50 tỷ đồng thì phải cần thu khoảng 120 tỷ đồng mới huề vốn. Theo tôi nhận thấy, một phim Việt ra rạp kiếm 100 tỷ dễ hơn phim nước ngoài, vì phim Việt vẫn được khán giả ủng hộ, nhất là khi chiếu ở các tỉnh. Có điều, nếu trước đây phim Việt đến cuối tuần chiếu thứ hai có thể đạt trăm tỷ, thì giờ đây thời gian lâu hơn”. 

Có thể thấy xu hướng làm phim đắt tiền cũng xuất phát từ khán giả. Đại dịch COVID-19 đã hình thành thói quen ở nhà xem phim, nên giờ đây muốn kéo người xem ra rạp, các nhà làm phim phải đầu tư nhiều hơn. Việc khám phá những đề tài, thể loại mới tất yếu đòi hỏi nhiều tốn kém, nhưng nếu không tìm kiếm những cái mới rất khó thu hút khán giả. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo là với phim Việt, không phải “bom tấn” nào cũng ăn khách, mà phim ăn khách phần nhiều không phải là “bom tấn”.

Trong danh sách 14 phim Việt thu hơn trăm tỷ đồng, 2/3 phim không phải thuộc hàng phim “nhà giàu”. Từ đầu năm đến nay, các phim “bom tấn” như Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác, 578: Phát đạn của kẻ điên, Kẻ thứ ba đều đồng loạt chết yểu ở phòng vé, trong khi phim có kinh phí khiêm tốn như Đêm tối rực rỡ lại thắng lớn. Điều đó cho thấy tiền nhiều không có nghĩa phim hay, dễ hốt bạc mà yếu tố chủ yếu vẫn là nội dung phải hay. Về phần này thì các “bom tấn” Việt chưa làm được, khi chỉ lo đầu tư vào khâu bối cảnh, thành phần đoàn phim. 

Dù vậy, cuộc đua làm phim “bom tấn” cũng là xu thế đáng khích lệ, vì thể hiện sự tôn trọng của người làm phim với khán giả. Ở nước ngoài, “bom tấn” thành “bom xịt” cũng không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên nhờ lượng phim của một hãng phát hành nhiều, quy mô phát hành toàn cầu nên phim có lãi có thể bù phim bị lỗ. Thị trường phim Việt chưa đủ lớn để có sự bù lỗ đó, nhưng khi ngày càng có nhiều phim tốt, thì doanh thu sẽ nâng lên. Khi đó cả nhà đầu tư lẫn khán giả đều hưởng lợi. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)