Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Cuộc đua giảm giá cước viễn thông lại nóng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Viettel Telecom châm ngòi cho cuộc “chiến” giảm giá cước viễn thông với tuyên bố về gói giảm giá toàn diện lớn nhất từ trước tới nay. Những “đại gia” khai thác mạng còn lại đương nhiên không thể khoanh tay đứng ngoài cuộc.

Viettel thông báo từ 1/6, đồng loạt giảm giá cả 10 gói cước dịch vụ điện thoại di động (7 gói trả trước, 3 gói trả sau). Mức giảm thấp nhất gần 10% và cao nhất đến 30%.

Cụ thể, với nhóm thuê bao trả trước sẽ giảm từ 100 – 300 đồng/phút đối với cả cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng. Ở nhóm thuê bao trả sau, mức giảm có thấp hơn, xê dịch từ khoảng 10 – 15% nhưng đổi lại giá thuê bao tháng chỉ còn 50 nghìn đồng/tháng.

Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel cho biết, thực chất các mạng đã giảm cước thông qua các đợt khuyến mãi. Tuy nhiên, các chương trình khuyến mãi chỉ đến được với 30% khách hàng. Việc giảm cước đồng loạt lần này, 100% khách hàng của Viettel sẽ được hưởng lợi.

Đơn vị khai thác mạng này dự đoán, sau khi triển khai gói giảm giá lớn này, lợi nhuận trong tháng sẽ giảm 3%-5%. Tuy nhiên, số lượng thuê bao sẽ gia tăng đáng kể, đồng thời lượng và mức sử dụng viễn thông/thuê bao cũng tăng lên. Viettel cũng không giấu giếm tham vọng mở rộng thị phần ở thị trường tiềm năng vẫn chưa được khai thác, đó là 30 triệu khách hàng chưa đăng ký thuê bao trên toàn quốc.

Ngay sau động thái của Viettel, hai “đại gia” khai thác mạng lớn Mobifone và VinaPhone lập tức khẳng định sẽ tham gia cuộc đua giảm cước. Chắc chắn trong thời gian ngắn tới đây, hàng loạt chiến dịch giảm giá nhằm cạnh tranh sẽ được tung ra.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, cuộc đua khai thác khách hàng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ diễn ra nóng bỏng trước khi công nghệ 3G được đưa vào sử dụng.

Dĩ nhiên trong cuộc “chiến” này, khách hàng là đối tượng được trực tiếp hưởng lợi.

Cửa vào chật hẹp cho nhà khai thác mới

Ước tính, hiện ba nhà khai thác mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đang nắm giữ trên 80% thị phần thuê bao điện thoại di động. Số thị phần còn lại chia đều cho các nhà khai thác mới như: Sfone, EVN, Vietnam Mobile…

Cửa duy nhất để những nhà cung cấp dịch vụ mới thu hút khách hàng là các chiến dịch giảm giá. Vì vậy, họ không thể đưa ra mức cước cao hơn so với những đối thủ lớn trên cuộc đua. Tuy nhiên, với lượng thuê bao khoảng 1 triệu thì các nhà cung cấp viễn thông nhỏ đang phải bù lỗ. Miếng bánh thị phần của những nhà khai thác nhỏ càng trở nên nhỏ bé.

Trong khi đó, cả Viettel, MobiFone và VinaPhone đều khẳng định, dù có tiếp tục tham gia những cuộc đua giảm giá thì doanh thu và lợi nhuận cũng không ảnh hưởng nhiều.

Hiện, giá cước viễn thông tại Việt Nam vẫn có mặt bằng cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia…

Tăng thuê bao lại nghẽn mạng?

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 29/5 do Viettel tổ chức nhằm công bố gói cước giảm giá lớn nhất sẽ bắt đầu từ 1/6. Trước câu hỏi của báo giới: Khi nhắm tới mục tiêu gia tăng thị phần, đơn vị này có tính đến sự cố nghẽn mạng đã từng xảy ra, khi lượng thuê bao tăng vọt. Ông Hoàng Sơn khẳng định, khó có thể xảy ra, bởi đơn vị này đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng để triển khai công nghệ 3G. Khoảng 17.000 mạng thu phát đã được chuẩn bị.

Dù vậy, quãng thời gian để Viettel đưa 3G vào hoạt động vẫn còn ở phía trước. Những trục trặc trong quá trình phát triển dịch vụ, thu hút khách hàng vẫn có thể xảy ra.

Thanh Trầm (Theo Dantri)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)