Hội nhậpThế giới 24h

Cuộc đua tàu ngầm ở Đông Nam Á

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân và liên tục gây hấn trên biển Đông đã buộc các quốc gia Đông Nam Á phải lao vào cuộc chạy đua mua sắm tàu ngầm chiến đấu.

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, trong quá khứ các nước Đông Nam Á không hề e ngại sức mạnh hải quân Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng tàu chiến của Trung Quốc khá mỏng, hải quân không được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua Bắc Kinh đã đổ hàng chục tỉ USD vào xây dựng hạm đội tàu chiến.

Tàu ngầm lớp Scorpene của hải quân Malaysia được mua từ Pháp – Ảnh: Defenseindustrydaily

Tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực nay đã thay đổi. Hải quân Trung Quốc hiện có hơn 60 tàu chiến, từ tàu khu trục lớn đến tàu tấn công tốc độ cao, hoạt động trên biển Đông. Trong khi đó Malaysia chỉ có tám tàu khu trục nhỏ, Indonesia 11, Singapore 6, Thái Lan 10 và Philippines 1. Quả là hải quân các nước Đông Nam Á không đủ khả năng thách thức hải quân Trung Quốc ngay về mặt số lượng tàu chiến.

Do vậy, các quốc gia khu vực đang hi vọng có thể bảo vệ lợi ích quốc gia và ngăn chặn xung đột vào “con chủ bài” mà hải quân Trung Quốc sẽ rất khó đối phó: tàu ngầm.

Cuộc đua dưới đáy biển

Theo trang Global Security, Thái Lan đang có kế hoạch chi 257 triệu USD để mua sáu tàu ngầm Type-206 đã qua sử dụng, do Đức sản xuất. Dù bị dư luận phản đối, song hải quân Thái Lan vẫn khẳng định cần phải có tàu ngầm để tuần tra trên biển Andaman, vịnh Thái Lan và theo kịp những nỗ lực hiện đại hóa quân sự của hải quân các nước láng giềng.

Từ năm 2011, Philippines đã tuyên bố sẽ mua ít nhất một tàu ngầm để “chuẩn bị đối phó với các xung đột tương lai” bởi tàu ngầm “là phương tiện đánh chặn rất hiệu quả”. Báo Daily Inquirer dẫn lời một số quan chức hải quân Philippines khẳng định tàu ngầm sẽ giúp Philippines bảo vệ lãnh hải quốc gia một cách hiệu quả.

Indonesia đã sở hữu hai tàu ngầm Type-109 do Đức sản xuất từ 30 năm qua. Tháng 12-2011, như báo Jakarta Post cho biết, Indonesia đã ký hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD để mua ba tàu ngầm chạy động cơ dầu diesel – điện do Hàn Quốc sản xuất. Những tàu này sẽ được giao vào năm 2015 và 2016. Trang Defense Industry Daily cho biết Indonesia đang xem xét mua thêm 3-6 tàu ngầm động cơ diesel – điện từ năm nước khác nhau. Bởi theo kế hoạch chiến lược quốc phòng của nước này, đến năm 2024 Indonesia sẽ có được một hạm đội với 10 tàu ngầm chiến đấu.

Từ năm 1995-1997, Singapore đã mua bốn tàu ngầm lớp Challenger của Thụy Điển. Năm 2005 Singapore mua thêm hai tàu ngầm lớp Archer của Na Uy. Tháng 11-2008, Singapore lại đưa vào sử dụng thêm một tàu ngầm tìm kiếm và hỗ trợ. Theo tạp chí The Diplomat, Singapore đang xem xét mua thêm bốn tàu ngầm nữa để thay thế các tàu Thụy Điển đã cũ.

Còn Malaysia, năm 2002 nước này đã mua hai tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp với giá 1,5 tỉ USD. Chiếc đầu tiên đã được giao vào năm 2009.

Tháng 12-2009, VN cũng đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Phía Nga sẽ giao số tàu này cho VN từ năm 2014.

Như vậy, ở Đông Nam Á sẽ có ít nhất sáu quốc gia sở hữu tàu ngầm chiến đấu.

Lợi thế của tàu ngầm

Trang Defense Industry Daily dẫn lời các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá tàu ngầm nhỏ chạy động cơ diesel – điện có khả năng hoạt động lặng lẽ dưới lòng biển Đông mà không sợ bị phát hiện. Vụ tàu chiến Hàn Quốc Cheonan bị phá hủy trên biển Hoàng Hải năm 2011 đã cho thấy tàu ngầm là mối đe dọa đáng sợ đối với tàu chiến, đặc biệt trên những vùng biển có số lượng tàu lớn tập trung như biển Đông.

Theo chuyên gia quân sự Mỹ David Axe, mặc dù có lực lượng mạnh song hải quân Trung Quốc vẫn thiếu kỹ năng và kiến thức so với các đối thủ hùng mạnh như Mỹ, Nhật. Đặc biệt hải quân Trung Quốc hiện rất yếu trong khả năng tác chiến chống tàu ngầm. Một số nguồn tin quân sự tiết lộ tàu ngầm chiến đấu Mỹ vẫn thỉnh thoảng hoạt động chỉ cách bờ biển Trung Quốc vài kilômet, song vẫn không hề bị lực lượng tàu chiến Trung Quốc phát hiện.

Báo Jakarta Post dẫn lời một số chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu hợp tác Đông Á (CEACoS) cho biết với thủy lôi và tên lửa chống tàu, tàu ngầm động cơ diesel – điện từ đáy biển có thể dễ dàng tiêu diệt tàu chiến trên mặt biển. Hơn nữa, khả năng “tàng hình” của tàu ngầm hiện đại được cải thiện đáng kể nhờ hệ thống đẩy không phụ thuộc vào không khí (AIP). Tàu ngầm không có AIP chỉ có thể lặn tối đa 5-7 ngày, nhưng tàu ngầm được trang bị AIP lại có thể hoạt động dưới nước dài ngày hơn nhiều. Tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia và Archer của Singapore đều có hệ thống AIP.

Hơn nữa, chi phí mua tàu ngầm thường rẻ hơn so với tàu chiến trên mặt nước. Tàu ngầm lại có khả năng hạn chế một cách hiệu quả hoạt động và sự linh hoạt của tàu chiến trên mặt nước. Do đó, giới chuyên gia nhận định tàu ngầm là vũ khí hiệu quả để giúp một quốc gia chống lại lực lượng hải quân hùng mạnh hơn với chi phí không quá đắt đỏ.

SƠN HÀ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)