Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cuộc đuổi bắt của quá trình đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc đuổi bắt của quá trình đào tạo Kết luận về quá trình đào tạo nhân lực cho sự phát triển xã hội Việt Nam đã thật rõ. Các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương và trung ương, các nhà doanh nghiệp sử dụng nhân lực, các phụ huynh học sinh… đều nhất trí cho rằng nền giáo dục của chúng ta chưa tạo được nhân lực đủ sức đảm đương công việc theo nhu cầu xã hội. Nhân lực mà chúng ta cung cấp cho xã hội vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Hầu hết các nhà doanh nghiệp đều cho rằng chất lượng các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường đều thấp, muốn sử dụng phải đào tạo lại.
Dễ thấy rằng mục tiêu đào tạo của giáo dục đang thay đổi một cách khó nhọc, Bộ GD-ĐT đã giao cho các trường đại học thiết kế cho đơn vị mình “cái chuẩn đầu ra” sau khi đã nhắc đi nhắc lại là phải đào tạo theo yêu cầu của xã hội. Sinh viên thì nói rõ là mình mong muốn được học ở nhà trường đại học nào đảm bảo được rằng hễ tốt nghiệp ra thì có ngay công việc làm ổn định và phù hợp với nguyện vọng cá nhân.
Tuy nhiên có thể nhìn lại và thấy rằng đã có từ rất lâu, trong lịch sử phát triển của giáo dục, cái vấn đề: dư luận xã hội luôn đòi hỏi nền giáo dục thỏa mãn những nhu cầu của xã hội và với tất cả sự nỗ lực của mình, giáo dục vẫn không thể nào chủ động đào tạo được những con người ngay từ ban đầu đã làm vừa lòng xã hội. Bởi lẽ đào tạo là một quá trình, đòi hỏi thời gian, mà nhu cầu của cuộc sống lại cứ băng băng lên phía trước mà không dừng lại. Cuộc đuổi bắt này từ lâu đã làm hình thành một câu hỏi: Sao ta không đi trước đón đầu, đưa giáo dục lên trước cuộc sống?
Lịch sử của xã hội loài người đã phải bằng lòng với câu trả lời: Mãi vẫn là sự đuổi bắt mà không bao giờ đuổi kịp. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và kỹ thuật đã và đang làm cho xã hội biến động, thay đổi thật nhanh chóng. Sự thay đổi ấy kéo theo hàng loạt nhu cầu, ngày càng mới, ngày càng phức tạp. Điều ấy là nguyên nhân của hiện tượng mất việc, thất nghiệp mà con người đang phải đối phó bằng nhiều cách, đang phải tự đổi mới để thích nghi với cuộc sống, để không bị lạc hậu và bị đào thải. Các xã hội phát triển của thế giới đều đang phải cố sức giải quyết cái căn bệnh mãn tính này.
Nhiều người trong chúng ta đã lớn tiếng chê trách: chúng ta toàn dạy cho học sinh những kiến thức hàn lâm mà không dạy kiến thức thực tế, không trang bị kỹ năng sống cho các thế hệ trẻ. Nghĩ lại thì thấy rằng chính những kiến thức hàn lâm ấy mới giúp được chúng ta, bằng sự nỗ lực cá nhân, chủ động vượt qua khó khăn để đáp ứng những đòi hỏi luôn thay đổi của cuộc sống, và thấy rằng ta không thể đuổi theo cái gọi là kỹ năng sống để trang bị cho các thế hệ trẻ, bởi lẽ không bao giờ thấy đầy đủ cả.
Thực tế cuộc sống đã cho con người “ngộ” ra một điều lý thú: chính cái khó khăn đòi hỏi con người vươn lên đáp ứng các nhu cầu ngày càng rộng lớn, càng phức tạp ấy lại là động lực của sự phát triển cuộc sống của mỗi con người cũng như của toàn xã hội.
Xin được minh họa ý tưởng của bài viết qua một câu chuyện riêng tư. Vợ chồng con trai lớn của tôi đang sống ở New York (Mỹ). Chồng là kỹ sư máy tính, tiến sĩ tin học, đang làm việc ở một công ty máy tính, vừa được công nhận là lập trình viên cao cấp uy tín. Vợ là tiến sĩ vật lý, giáo sư một trường đại học. Chúng ta đều biết là nền kinh tế Mỹ đang suy thoái. Số người mất việc, thất nghiệp ngày càng nhiều. Thú thật là bản thân tôi khi nghĩ về con và dâu thì vẫn tự an ủi, bởi cứ nghĩ rằng chúng nó chẳng còn phải lo chuyện mất việc đâu mà ngại. Tết vừa rồi tôi nhận được thư con trai. Thư viết: “Con và vợ con đều có những điều cần phải lo, cả hai đang cố gắng làm việc thật tốt để có thể tồn tại được. Còn phải đọc thêm, học thêm nhiều thứ để có thể xin việc mới được nhanh chóng, khi tình huống xấu xảy đến. Công ty của con vừa trải qua một đợt cải tổ mạnh, thay đổi hầu hết các chiến lược phát triển và nhân sự, chưa biết tương lai lâu dài sẽ ra sao…”.
Thế đấy, sự đào tạo nhân lực mà chúng ta thấy là rất bài bản của giáo dục Mỹ vẫn phải chao đảo trước những biến động xã hội khi đối mặt với những đòi hỏi mới của sự phát triển xã hội.
NGUYỄN TRỌNG DI

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)