Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cuộc hội ngộ của hai tài năng âm nhạc

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc hội ngộ của GS. Trần Văn Khê và Bùi Ngọc Thịnh

Kỷ lục gia âm nhạc châu Á 12 tuổi Bùi Ngọc Thịnh không còn xa lạ gì với làng nhạc trong và ngoài nước. Lần này, Thịnh từ Ninh Hòa vào TP.HCM không phải để biểu diễn, cũng chẳng phải để nhận giải thưởng mà là để được gặp gỡ với thần tượng – GS. Trần Văn Khê.
Một tâm hồn, hai thế hệ
GS. Trần Văn Khê cho biết: “Tôi nghe Thịnh đàn trên truyền hình vài lần với nhiều loại nhạc cụ. Tôi không tin đó là tiếng đàn của một cậu bé 12 tuổi. Tôi muốn gặp và trực tiếp xem Thịnh biểu diễn”. Và Thịnh cũng thế, rất thần tượng GS. Trần Văn Khê. Để thỏa lòng mong ước, Hội quán Các bà mẹ đã làm chiếc cầu nối cho hai thế hệ âm nhạc được gặp nhau. Cách đây chưa tròn tháng, Thịnh cùng mẹ đón xe vào TP.HCM để nhận Kỷ lục gia châu Á, cậu bé mù nhỏ tuổi nhất chơi được nhiều nhạc cụ nhất. Năm 2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho Bùi Ngọc Thịnh.
Gặp GS. Trần Văn Khê, Thịnh nắm tay xoa xoa, bóp bóp, thật thà: “Con hạnh phúc khi được gặp thầy. Lâu nay con hỏi thăm, người ta nói thầy ở xa lắm. Con cứ tưởng thầy sống ở Hà Nội”. Tuy GS. Trần Văn Khê và Bùi Ngọc Thịnh thuộc hai thế hệ âm nhạc khác nhau nhưng có điểm chung là bắt đầu học đàn từ năm 6 tuổi, mê âm nhạc dân tộc… Như “ông cụ non”, Thịnh khoe với GS. Trần Văn Khê: “Con đàn được gần 200 bài vọng cổ. Bài nào khán giả yêu cầu đàn mà con chưa học hoặc học rồi nhưng chơi chưa hay là con thức trắng đêm tập, hôm sau con chơi lại bài đó liền”. Khi xem Thịnh biểu diễn các loại nhạc cụ, GS. Trần Văn Khê nhắm nghiền mắt gật gù theo tiếng đàn réo rắt và tiếng gõ nhịp song lan rồi khen: “Ngón đàn của con sáng lắm, ông rất tự hào vì một người khiếm thị như con đã làm được những gì mà người bình thường không phải ai cũng làm được”. Nhận xét về Thịnh, GS. Trần Văn Khê khẳng định: “Cháu Thịnh là một tài năng thật sự. Đàn tranh là một cây đàn khá “nữ tính”, lại có đến 17 dây mà Thịnh chơi “ngọt” đến thế, tôi rất ngưỡng mộ”.
Thịnh tâm sự với GS. Trần Văn Khê: “Hồi đó, chẳng ai chịu chơi với con. Các bạn cứ xầm xì bàn tán: “Thằng đó bị mù, đừng chơi với nó”. Những lúc ấy con không buồn các bạn mà xem đó là động lực để học thêm nhiều nhạc cụ. Mỗi loại nhạc cụ là một người bạn thân của con. Con học trống năm 6 tuổi, học guitar cổ vào năm 7 tuổi, đến 9 tuổi con làm quen với đàn organ. Năm 11 tuổi con học đến 4 loại nhạc cụ và biểu diễn thành thạo đàn sến, đàn nhị, đàn tranh, đàn kìm. Hiện con đang tập tành chơi đàn piano và tìm thầy để chinh phục đàn violon”.
Khổ luyện
Thịnh chia sẻ với GS. Trần Văn Khê về những ngày đầu tiếp cận các loại nhạc cụ: “Lần đầu học đàn tranh, các ngón tay của con trầy xước, ứa máu không thể cầm nắm bất cứ vật gì nhưng càng đau con càng cố gắng. Thầy dạy đàn tranh còn không tin con chơi được loại nhạc cụ này. Với đàn guitar cổ, lúc đàn con phải cắn chặt răng chịu đựng những cơn đau buốt nhói tim. Thấy tay con túa máu, ba mẹ không cho đi học đàn nữa. Con buồn, khóc đòi lên nhà thầy ở luôn nên mẹ mới đồng ý cho con đi học lại”. Thịnh nhe hàm răng chẳng được trật tự cho lắm, nói như mách: “Hồi nhỏ đâu có sức để lên dây đàn, cứ dùng răng cắn riết mà giờ răng con mới thế này nè”. 
Mẹ Thịnh, chị Thủy kể: “Hội Người mù Ninh Hòa có một dàn trống cũ. Khi trống “rảnh”, Thịnh xin các cô, các chú trong hội cho đánh thử. Càng chơi cháu càng thích, đòi mẹ cho đi học. Chuyện Thịnh được học trống cũng trần ai. Người sáng mắt học trống đã khó, với người mù bẩm sinh như Thịnh, hơn nữa còn quá nhỏ tuổi thì chẳng dễ chút nào nên thầy không nhận, dù biết Thịnh có năng khiếu về bộ môn này. Thịnh khóc ngày khóc đêm để được thầy cho học. Chẳng lâu sau, Thịnh trở thành một tay trống rất cừ và đi đến đâu thầy cũng luôn miệng khen: “Học trò cưng của tôi đấy”…”.
Khi được hỏi: “Vào TP.HCM con thích được đi đâu, làm gì?”, Thịnh trả lời: “Con chỉ thích đi xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc và đến nơi nào có đàn ca tài tử để con xin người ta biểu diễn”. “Sao con không đăng ký thi Tài năng Việt Nam – Got Talent?”. Thịnh nói trong sự tiếc nuối: “Khi con biết cuộc thi thì đã trễ, hơn nữa cũng không biết cách đăng ký tham gia. Không biết cuộc thi đó chừng nào mới có nữa? Mà người mù như con có được dự thi không?”. Ngoài thời gian học văn hóa, luyện tập các loại nhạc cụ, Thịnh còn tham gia biểu diễn ở các chương trình gây quỹ từ thiện, chơi trong các ban nhạc tài tử tự phát khi được mời.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
“Con có nhiều ước mơ. Con tham lam lắm. Ước thành kỷ lục gia thế giới, ước được có môi trường vừa học văn hóa vừa học đàn, có được nhiều đàn và trở thành thầy dạy nhạc cho các bạn khiếm thị như mình. Lúc trước con cũng từng ước đôi mắt mình sáng nhưng giờ con hiểu ra rằng, điều đó không thể thực hiện được” – Bùi Ngọc Thịnh.
 

Bình luận (0)