Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cuộc “lột xác” ngoạn mục của phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Phim nội bỏ xa phim ngoại về doanh thu. Thể loại kinh dị vốn bị chê nhiều nhất lâu nay cũng đã có phim thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Phim nhà nước đặt hàng giờ đây cũng “sốt vé”… Đó là những điều lần đầu điện ảnh Việt đạt được.

Giành lại thị phần trên sân nhà

Tờ Deadline của Mỹ ngày 23/2 vừa có bài viết của chuyên gia Liz Shackleton ca ngợi sự tăng trưởng của thị trường điện ảnh Việt Nam. Trong đó có nhắc đến việc năm 2023, trong top 10 phim ăn khách, chỉ có 4 phim ngoại và đều xếp sau 6 phim Việt. Đây là điều chưa từng có ở Việt Nam. Doanh thu phim Việt lần đầu tiên chiếm 41% thị trường dù chỉ có 25 phim ra rạp (so với năm 2019 có 54 phim ra rạp). Thành tích này đang được nối dài đến hiện nay khi phim Mai và Gặp lại chị bầu chiếu tết đã thu hơn 550 tỉ đồng, trong khi 4 phim ngoại chiếu cùng thời điểm có doanh thu cộng lại chỉ bằng 1/10 con số trên. 

Thể loại kinh dị vốn hay bị chê cũng đã có phim Quỷ cẩu (trên) và Kẻ ăn hồn (dưới) thu được vài chục tỉ đến hơn trăm tỉ đồng

Thể loại kinh dị vốn hay bị chê cũng đã có phim Quỷ cẩu (trên) và Kẻ ăn hồn (dưới) thu được vài chục tỉ đến hơn trăm tỉ đồng

Thời của phim Việt còn được thấy qua việc liên tiếp nhiều kỷ lục về tốc độ bán vé bị xô đổ. Tết năm 2019, thời điểm ngành phim ảnh chưa chịu ảnh hưởng của đại dịch, phim Trạng Quỳnh mất 17 ngày mới chạm mốc 100 tỉ đồng. Nhưng năm 2023, Nhà bà Nữ mất 3,5 ngày và năm nay, phim Mai chỉ mất 3 ngày. Nhà bà nữ cần 17 ngày mới thu được 400 tỉ đồng, Mai chỉ cần 11 ngày.

Trước đây, sự ăn khách không phản ánh chất lượng, nhưng giờ đây doanh thu phần nào nói lên chất lượng. Đơn cử ở dòng phim kinh dị, Chuyện ma gần nhà (năm 2022) thu gần 60 tỉ đồng nhưng bị chê thậm tệ. Đến 2 phim kinh dị ăn khách gần đây là Kẻ ăn hồn (thu gần 70 tỉ đồng) và Quỷ cẩu (hơn 108 tỉ đồng), lời khen nhiều hơn tiếng chê. Hay phim Nhà bà Nữ dù thắng 475 tỉ đồng vẫn gặp nhiều chỉ trích, nhưng phim Mai nhận được sự đồng cảm nhiều hơn ở người xem. 

Sự ăn khách của phim Việt còn lan tỏa đến dòng phim nhà nước như “hiện tượng” Đào, phở và piano. 1 năm gần đây, những “cú nổ” doanh thu phòng vé từ phim Việt đang đá bay những định kiến kiểu phim Việt “mặc nhiên dở”. Nói về sức hút của phim Việt thời gian qua, chị Tường Vi – nhà sản xuất phim cấp cao Công ty CJ HK Entertainment – nhận định: “Thành công của mỗi bộ phim là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Vài năm gần đây, những bom tấn nước ngoài mất vị thế ở thị trường Việt Nam, một phần vì chất lượng của các phim đó không tốt, một phần vì khán giả cũng hơi “ngán” những món ăn quá quen thuộc. Do vậy, những câu chuyện gần gũi, dễ liên hệ, nhiều cảm xúc, cùng ngôn ngữ tiếng Việt sẽ được họ ưu tiên chọn hơn”. 

Cơ hội và khó khăn

Sự đột phá của phim Việt trong thời gian qua là kết quả của sự đầu tư nghiêm túc, công phu từ ê kíp làm phim. Không chỉ chăm chút tác phẩm trong quá trình sản xuất mà cả đến khi phim ra rạp. Hiệu quả nhất là những chuyến cinetour rầm rộ khắp các tỉnh, thành để tăng tính tương tác với người xem – điều mà những phim ngoại không làm được – góp công lớn lôi kéo người xem đến rạp. Sự tiến bộ tự thân của phim Việt đã cộng hưởng với tâm lý người Việt thích xem phim nói tiếng nước mình đang giúp cho điện ảnh nội bước vào giai đoạn thăng hoa.

Nhận định về cơ hội và thách thức cho phim Việt hiện nay, chị Tường Vi nói: “Hàn Quốc với mức dân số chỉ tầm 50 triệu người mà có phim The Admiral: Roaring Currents năm 2014 đạt đến 17,6 triệu vé. Với dân số hơn 100 triệu mà chỉ mới có hơn 5 triệu vé thì dư địa tăng trưởng của điện ảnh Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, điện ảnh Việt còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ngành điện ảnh chưa được nhìn nhận như là một nền kinh tế đầy tiềm năng, từ đó dẫn đến việc nguồn vốn đầu tư vào điện ảnh vẫn còn rất ít, nhân lực mảng sáng tạo chưa được đào tạo đúng với nhu cầu thực tế. Đó là chưa kể đến khả năng nắm bắt thị trường của mỗi hãng phim và nhà làm phim để mỗi khi có cơ hội được sản xuất một bộ phim, họ có thể “chạm” đến phần nào trong đại đa số khán giả”. 

Bôj phim

Bộ phim Quỷ cẩu thu về hơn 108 tỉ đồng

Đạo diễn, nhà sản xuất Nhất Trung chia sẻ: “Năm nay sẽ là năm khó khăn vì suy thoái kinh tế. Năm ngoái, GDP tăng nhưng chỉ số ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ giảm trên 20%, phim ảnh là ngành nhỏ trong lĩnh vực tiêu dùng. Khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ càng dè chừng hơn trong chi tiêu”. Đạo diễn, nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa bày tỏ: “Điểm yếu lớn của phim Việt là tình trạng thắt cổ chai ở những vị trí quan trọng, như đạo diễn, biên kịch, diễn viên. Nhất là diễn viên, 10 năm trở lại đây có được mấy người bước chân vào hàng ngũ những người được khán giả đón nhận”. 

Sự ăn khách của phim Việt nói riêng và tăng trưởng của thị trường điện ảnh Việt nói chung là tiền đề tốt cho sự vươn lên của phim Việt trong năm nay. Có điều, “cờ” đã đến tay, nhưng để “phất”, hiện chỉ mới có vài tên tuổi làm được như đạo diễn Trấn Thành, Lý Hải, Võ Thanh Hòa. Vài ba đạo diễn, nhà sản xuất phim mát tay không thể tạo nên sức bật lâu dài cho điện ảnh Việt. Phim Việt cũng cần sự tham gia của nhiều nhà làm phim hơn nữa để tăng năng suất, sản lượng, nhằm sàng lọc ra tác phẩm ăn khách. Càng có nhiều phim đạt doanh thu “bom tấn”, ta càng tiến gần tới giấc mơ xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Nhà nước đề ra. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Bình luận (0)