Ukraine hôm 30-8 cho biết việc tái chiếm làng Robotyne trong tuần này là một chiến thắng chiến lược, mở đường tiến sâu hơn vào các vị trí của Nga ở phía Nam và hướng tới Crimea.
Kiev đã phát động một cuộc phản công vào tháng 6 sau khi nhận được vũ khí do phương Tây cung cấp và thành lập các tiểu đoàn phản công.
Cuộc phản công tốn kém và không ổn định nhưng lực lượng Ukraine tuyên bố đã vượt qua các tuyến phòng thủ then chốt của Nga bằng việc chiếm được làng Robotyne ở vùng Zaporizhzhia trong tuần này.
Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành vào mục tiêu của Nga ở khu vực Donetsk – miền Đông Ukraine. Ảnh: Nytimes
Bình luận của Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba được đưa ra khi Ukraine hứng cuộc không kích "mạnh nhất" vào thủ đô trong nhiều tuần qua. Ngược lại, Nga cũng ghi nhận một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào máy bay quân sự ở phía Tây Bắc nước này.
Trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 250 triệu USD, nhằm đáp ứng các nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng của nước này trên chiến trường.
Điểm nổi bật trong đợt viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ là tên lửa AIM-9M, loại tên lửa vô cùng quan trọng đối với hệ thống phòng không của lãnh thổ Ukraine.
Theo kênh RRT News, gói vũ khí và thiết bị này cũng bao gồm đạn dược cho Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155mm và 105mm, thiết bị rà phá bom mìn, hệ thống vũ khí chống tăng Javelin, các hệ thống, tên lửa chống thiết giáp khác, hơn 3 triệu viên đạn cho vũ khí nhỏ, xe cứu thương, đạn phá hủy để dọn sạch chướng ngại vật, cũng như phụ tùng thay thế, dịch vụ, đào tạo và vận chuyển.
Đây là gói viện trợ thứ 45 của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho Ukraine từ kho thiết bị của Bộ Quốc phòng kể từ tháng 8-2022.
Trong khi đó, theo đài RT, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm 30-8 Đức có kế hoạch tập trung cung cấp cho lực lượng Ukraine các loại pháo, đạn dược và hệ thống phòng không.
Ông Scholz nói rằng Berlin muốn vũ khí mà họ gửi đến Kiev "có hiệu quả ngay lập tức", đồng thời cho biết thêm rằng hầu hết người Đức được cho là ủng hộ chính sách "cân nhắc thận trọng" của chính phủ đối với Ukraine. Theo ông Scholz, Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ.
Ông Scholz cũng đề cập các loại vũ khí mà Berlin đã cung cấp cho Kiev, bao gồm xe tăng, hệ thống phòng không như IRIS-T và Patriot do Mỹ sản xuất, đồng thời nói thêm rằng nước này luôn tìm cách gửi những loại vũ khí có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)