Y tế - Văn hóaThư giãn

Cuộc sống 60 năm không giấy tờ tùy thân của nghệ sĩ Hồng Sáp

Tạp Chí Giáo Dục

Sống cuộc đời truân chuyên của một đào hát, nữ nghệ sĩ chỉ ao ước có hộ khẩu và được nhìn thấy giấy tờ tùy thân của con trai trước khi nhắm mắt.
Người dân sinh sống quanh đình Nhơn Hòa, chợ Cầu Muối, TP HCM nhiều năm nay quen với hình ảnh một bà già nhỏ bé hàng ngày phụ trách thay nước cho hai thùng trà đá miễn phí trước cửa đình. Bà chính là nghệ sĩ Hồng Sáp, chuyên đóng các vai bà già có số phận bất hạnh trong nhiều phim truyền hình như Dốc tình, Xóm bắt cào cào, Khóc thầm, Tình cha con
Nghệ sĩ Hồng Sáp tên thật là Bùi Hồng Sáp, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Năm 1940, bà cùng cha mẹ theo đoàn hát Kim Chung vào Sài Gòn. Tuổi thơ của nghệ sĩ là những tháng ngày lang bạt nay đây mai đó cùng cha mẹ trong các đoàn Kim Chung, Nam Hồng, Đức Quy. Hồng Sáp bước lên sân khấu cải lương năm 14 tuổi, bắt đầu từ những vai nhỏ.
Bước chân vào đoàn Huỳnh Long năm 28 tuổi, cùng thời với các nghệ sĩ Thiên Kim, Lệ Thẩm, Hùng Minh, Hữu Phước… Hồng Sáp được khán giả nhớ đến qua các vai đào lẳng, đào độc trong một số tuồng cải lương Hồ Quảng như: Tấm Cám, Lá chắn biên thùy, Tình sử A Nàng, Sấm dậy hận lòng thơ, Hai dòng sữa mẹ… Nghệ sĩ hồi nhớ: “Tôi diễn nhiều vai ác, vai nào cũng bị khán giả ghét hoặc rủa thầm sau lưng. Riêng với vai mụ dì ghẻ trong vở tuồng Tấm Cám, tôi bị khán giả chỉ trích thẳng vào mặt. Tối mình diễn trên sân khấu, sáng hôm sau đi chợ có người chỉ mặt nói: Bà dì ghẻ kìa ác như quỷ”.

Nghệ sĩ Hồng Sáp (phải) vào vai mụ dì ghẻ độc ác trong vở cải lương Tấm Cám.
Hơn 60 năm theo các đoàn hát nay đây mai đó, Hồng Sáp không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh tư cách công dân. Ngoại trừ cháu nội được khai sinh trong hộ khẩu nhà ngoại, mẹ con Hồng Sáp mấy chục năm nay gặp nhiều khó khăn bởi không có hộ khẩu. Trước đây, hộ khẩu cả gia đình được khai báo chung với thành viên đoàn Huỳnh Long. Khi đoàn hát lưu lạc và tan rã vào những năm 1990, toàn bộ giấy tờ của gia đình cũng bị thất lạc. Bao nhiêu năm ở trọ, nghệ sĩ Hồng Sáp chỉ có duy nhất tấm thẻ hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu TP HCM dùng để đăng ký tạm trú. "Đời nghệ sĩ lưu lạc nay đây mai đó, tôi đâu nghĩ đến chuyện giữ gìn giấy tờ tùy thân cẩn thận", nghệ sĩ cho hay.
Mấy chục năm nay, bà không có điều kiện liên lạc với họ hàng ngoài Hà Nội, cũng như gia đình nhà chồng tại Bến Tre để xin nhập hộ khẩu. Chốn thân thích duy nhất với nghệ sĩ là ngôi đình Nhơn Hòa mà bà gắn bó từ năm 20 tuổi. Bà từng lên quận xin nhập hộ khẩu vào đình nhiều năm trước, nhưng bị từ chối với lý do, đình Nhơn Hòa là sở hữu tập thể, không thể cho cá nhân đăng ký. Vị cán bộ phụ trách hộ tịch hộ khẩu tại địa phương khi đó (hiện đã nghỉ hưu) cho biết, chính quyền sẽ tạo điều kiện xác nhận hộ khẩu khi có gia đình nào đó trên địa bàn đồng ý cho mẹ con nghệ sĩ nhập chung về nhà mình. Tuy nhiên, chưa có hộ dân nào xác nhận sẽ giúp mẹ con Hồng Sáp.
"Tôi già rồi, sống sao cũng được nhưng thằng con trai, muốn xin đi làm công nhân hay những công việc khác nhiều tiền hơn mà không xin nổi, do không có hộ khẩu và giấy tờ tùy thân", nghệ sĩ ngậm ngùi nói về ước nguyện cuối đời.
Bà có tất cả 7 người con, 5 người mất ở tuổi còn trẻ. Chồng bà, một nhạc công đàn kìm của đoàn Huỳnh Long cũng qua đời vì bệnh tật. Trong số hai người con còn lại, có cậu con trai thứ đã lấy vợ sinh con. Nhưng hai vợ chồng đều vắn số, để lại cho bà một đứa cháu nội. Cậu con trai duy nhất còn lại đã ngoài 50 tuổi nhưng chưa một lần nhìn thấy tờ giấy khai sinh. Bà chỉ nhớ tên anh là Dĩ An do được sinh tại Dĩ An, Bình Dương vào thời gian đoàn lưu lại biểu diễn. Đến nay, anh vẫn không dám lập gia đình với lý do “mẹ tôi, tôi còn không nuôi nổi còn nuôi thêm được ai”. Anh là nhạc công nghiệp dư, chơi trống tại các quán bar, nhà hàng hay các đám cưới, tiệc sinh nhật. Với thù lao kiếm được, anh chỉ phụ giúp mẹ chút ít tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, nuôi cháu. Do không có giấy tờ tùy thân, nên anh cũng khó có điều kiện tìm kiếm những công việc khác nhiều tiền hơn.
Hiện Hồng Sáp sống cùng con trai cả và cháu nội trong một phòng trọ chật hẹp dưới chân cầu Kênh Tẻ, quận 7 TP HCM. Bà gần như phải cáng đáng hết cuộc sống của cả nhà.
DSC04651-JPG-9648-1415255239.jpg
Nghệ sĩ Hồng Sáp cùng cháu trai trong căn phòng trọ tồi tàn. Bà hồi tưởng lại những vai diễn qua các tấm ảnh đã ố mờ vì thời gian. Ảnh: Thanh Viên.
Nhiều năm nay, bệnh thấp khớp khiến bà phải ngừng công việc buôn bán do đi lại khó khăn. Thu nhập của nghệ sĩ, ngoài khoản trợ cấp ổn định 1,5 triệu đồng từ Thành ủy TP HCM, các nguồn thu khác khá bấp bênh. Sân khấu không phải lúc nào cũng sáng đèn, còn phim truyền hình phải đợi có vai phù hợp.
“Có phim, cát-xê của tôi được 3,5 triệu đồng, trừ tiền xe ôm đi lại cũng chẳng dư bao nhiêu. Tiền phụ giúp phục trang diễn viên chỉ có được trong các dịp hát lễ đình, cúng miếu chứ không thường xuyên”, nghệ sĩ cho biết.
Vì khó khăn, cháu bà thường xuyên gián đoạn việc học, 17 tuổi nhưng cậu bé mới học đến lớp 6 tại một trường THCS. Học phí cũng như tiền sách vở do một cá nhân hảo tâm giúp đỡ nhiều năm nay. Tuy nhiên, sự giúp đỡ này không kéo dài. Nghệ sĩ dự định năm tới sẽ cho cháu trai nghỉ học để kiếm việc làm.
IMG-3611-JPG-3668-1415255239.jpg
Dăm bữa nửa tháng mới có người thuê nghệ sĩ chuẩn bị phục trang. Tuy vậy, ngày nào Hồng Sáp cũng lên đình Nhơn Hòa thắp hương bàn thờ Tổ và sửa sang khăn áo để thỏa nỗi nhớ nghề. Ảnh: Thanh Viên.
"Cô là nghệ sĩ mà sống cực khổ quá. Mỗi tháng cô chạy khắp nơi vay tiền chỗ này để gá chỗ kia, chừng nào đi đóng phim hay đi làm phục trang mới có tiền trả cho người ta", chị Thảo, hàng xóm lâu năm trong khu trọ của nghệ sĩ cho hay.
Mỗi khi điện thoại đổ chuông, Hồng Sáp mừng rỡ bắt máy với hy vọng đầu dây bên kia có người gọi đi làm. "Ai kêu tôi đi đóng phim hay đi lo phục trang là tôi mừng lắm. Có việc là có tiền, dù nhiều hay ít, dù người ta trả trước hay trả sau thì vẫn có một khoản lo mua đồ ăn, trả tiền nhà, tiền điện nước", nghệ sĩ tâm sự.
Theo Châu Mỹ (VNExpress)


 

Bình luận (0)