Y tế - Văn hóaThư giãn

Cuộc sống của lính rađa trên đỉnh Mai Sơn khắc nghiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Thuộc sư đoàn phòng không Hà Nội nhưng trạm rađa 37 lại đóng quân ở tận tỉnh Sơn La. Đây là một trong những trạm rađa đóng quân ở nơi xa nhất và khó khăn nhất của sư đoàn này.

Cuộc sống của lính rađa trên đỉnh Mai Sơn khắc nghiệt
Thuộc sư đoàn phòng không Hà Nội nhưng trạm rađa 37 lại đóng quân ở tận tỉnh Sơn La. Khẩu hiệu “Xa, nhanh, đúng, đủ, chính xác, kịp thời” hiện diện khắp mọi nơi trong khuôn viên của trạm – Ảnh: MY LĂNG

Không gian ngưng đọng

Trạm rađa 37 là một trong những trạm rađa anh hùng thời chiến tranh chống Mỹ. Thành lập tháng 12-1964, chín năm sau (năm 1973) trạm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Đóng quân ở huyện Mai Sơn, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), trạm rađa 37 nằm trên đỉnh núi cao 830m so với mực nước biển. Nhìn ra thấy núi trùng trùng điệp điệp, nhìn lên thấy trời bao la mênh mông, nhìn xuống thấy lởm chởm đất đá cằn cỗi. 

Không tiếng nhạc, không âm thanh chợ búa, hàng quán, xe cộ… không gian ở đây tĩnh lặng như ngưng đọng.

Trạm trưởng, đại úy Lê Văn Huấn miêu tả: Ở đây mùa hè thì gió Lào, gió Tây Bắc nên rất khô. Nắng nóng và khô đến nỗi hầu hết anh em mới đến trạm chưa quen đều bị chảy máu cam! Trưa nắng nóng không tài nào ngủ được. Gió thổi mạnh ít nhất cấp 7, phải đóng hết cửa nhưng gió không có hơi nước nên rất nóng.

Đại úy Huấn cho biết thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức bền của khí tài. Mùa gió Lào có những ngày nhiệt độ lên đến 40-45 độ C. Khí tài mới, hiện đại nhưng rất nhạy cảm, có thời gian hỏng hóc liên tục. 

Nhờ ý tưởng một nhân viên kỹ thuật, đơn vị làm thêm mái che, lấy ruột chăn bông đắp lên khí tài để giảm nhiệt độ thì tình trạng hỏng hóc mới giảm và sau đó gần như không hỏng nữa.

“Trạm ở rất xa trung đoàn, nếu không tự khắc phục khí tài sẽ mất sức chiến đấu. Ở gần trung đoàn thì còn có người xuống hỗ trợ về kỹ thuật. Mình ở xa quá, phải tự lo” – đại úy Lê Văn Huấn chia sẻ.

Cuộc sống của lính rađa trên đỉnh Mai Sơn khắc nghiệt
Một chiến sĩ rađa đang đứng trên vọng gác quan sát từ đỉnh cao nhất của trạm – Ảnh: MY LĂNG

Vất vả nhất là các chiến sĩ trực ở vọng quan sát mắt trên đồi cao. Đồi trọc, không có cây nên mùa hè vọng gác như cái lò nóng hầm hập. Bộ đội bị cảm nắng, say nắng, say nóng. Mùa đông thì được cấp găng tay, vớ, thuốc chống rét… nhưng chỉ ngăn được phần nào cái lạnh thấu vào cơ thể. 

“Để có được sự nghiêm túc khi canh trực lúc thời tiết khắc nghiệt như vậy, chúng tôi phải chú ý ý thức, trách nhiệm của bộ đội. Nếu không giáo dục tốt, không duy trì tốt nề nếp sẽ ảnh hưởng đến cả kíp trực ban chiến đấu” – trung tá Tạ Năng Khương, chính trị viên của trạm, cho biết.

Anh em một nhà

Trạm đóng quân gần người đồng bào dân tộc thiểu số, xa trung tâm thành phố Sơn La, bộ đội phải tự đảm bảo đời sống hằng ngày. Đơn vị đào ao nuôi cá, nuôi dê, bò, gà, lợn…

Ngay cả chuyện tăng gia sản xuất ở trạm cũng không hề đơn giản như tại các nơi khác do đất bị hoang hóa nhiều, bộ đội phải trồng lấn dần để cây quen đất và tìm hiểu xem loại cây, rau nào sống được trên nền đất đá cằn cỗi này. Khi có khách tới, anh em hậu cần phải đi hàng chục cây số mới đến chợ.

Đường xuống thành phố xa xôi, phương tiện xe cộ không có, vậy mà anh em chiến sĩ thích được đi chợ lắm. Ở đây buồn quá, lâu lâu được đi chợ còn thấy người lạ, thấy xe chạy, thấy phố xá.

Khi anh em chiến sĩ ra quân, trạm mới tổ chức cho anh em xuống thị tứ Nà Sản chơi, thăm nhà tù Sơn La, khu suối nước nóng. Chỉ đơn giản vậy thôi mà anh em vui cả ngày.

Đại úy Lê Văn Huấn

100% cán bộ, chiến sĩ của trạm rađa 37 đều ở xa. Người xa nhất quê ở Hà Tĩnh. Trung đoàn và sư đoàn tạo điều kiện cho cán bộ cứ ba tháng được về nhà một lần, mỗi lần 3-5 ngày. Còn với chiến sĩ thì phải qua một năm công tác mới được về phép 10 ngày cả đi lẫn về.

Ở đây đơn vị ít người nên coi nhau như anh em trong nhà. Đại úy Huấn cho biết có lần một chiến sĩ trong đơn vị báo tin mẹ mất, trạm cử 2 cán bộ đi cùng về thăm hỏi, chia sẻ chuyện buồn với gia đình, hỗ trợ việc tang ma cho đến khi xong mới về trạm.

"Khi buồn khi vui, anh em chỉ cần chia sẻ với nhau những việc như vậy mới ở với nhau lâu dài và hoàn thành tốt nhiệm vụ được", đại úy Huấn nói.

Số lượng người ít, công việc nhiều, anh em hỗ trợ, đỡ đần nhau mọi thứ, thân thiết như ruột thịt. Trạm trưởng, chính trị viên cũng cầm cuốc rẫy cỏ, tăng gia sản xuất, thái thịt, nhặt rau như chiến sĩ. Thế nên không chỉ trong công tác huấn luyện hay chiến đấu, đến bữa ăn cũng đậm không khí tình thân gia đình.

“Đơn vị đóng quân độc lập, xa dân, phải tự đảm bảo cuộc sống và duy trì kỷ luật nề nếp nhưng anh em lạc quan, yêu đời lắm. Tối thứ tư, thứ bảy, chủ nhật đơn vị thường tổ chức phong trào văn hóa văn nghệ hát hò", trung tá Tạ Năng Khương chia sẻ.

Cuộc sống của lính rađa trên đỉnh Mai Sơn khắc nghiệt
Lính rađa trạm 37 trong một phiên trực – Ảnh: MY LĂNG
Cuộc sống của lính rađa trên đỉnh Mai Sơn khắc nghiệt
Thể thao cuối ngày là hoạt động mang lại niềm vui nhỏ nhoi cho người lính nơi đây – Ảnh: MY LĂNG
Cuộc sống của lính rađa trên đỉnh Mai Sơn khắc nghiệt
Mảnh vườn tăng gia của cả đơn vị – thành quả "lớn" của những người lính trên mảnh đất khắc nghiệt này – Ảnh: MY LĂNG
MY LĂNG/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)