Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cước taxi cao ngất ngưởng

Tạp Chí Giáo Dục

So với các nước cùng khu vực, cước taxi ở Hà Nội đang cao hơn 26,4% – 60% và TP HCM cao hơn tới 66,7% – 78,2%

Chiều 9-9, Tập đoàn Mai Linh chính thức thông báo giảm cước taxi tại thị trường TP HCM, với mức giảm 300 – 500 đồng/km cho từng loại xe. Thời điểm áp dụng giá cước mới dự kiến từ ngày 11-9. Trước đó, 2 hãng taxi  Vinasun và Saigon Airport cũng thông báo giảm cước 500 đồng/km sau khi giá xăng giảm lần thứ 5 trong vòng 2 tháng qua.

Cước cao vì… chạy rông nhiều

Dù các hãng taxi đang rục rịch giảm cước nhưng theo một thống kê mới đây được ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, công bố thì cước taxi ở Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, cước taxi trung bình ở Bangkok – Thái Lan tương đương 3.800 đồng/km, Manila – Philippines 5.700 đồng/km, Jakarta – Indonesia 6.300 đồng/km. Ngay cả Singapore, quốc gia nổi tiếng có chi phí đắt đỏ, cước taxi cũng chỉ 8.700 đồng/km. Như vậy, mức cước taxi trung bình ở Hà Nội đang cao hơn các thành phố khác trong khu vực 26,4% – 60% và TP HCM cao hơn tới 66,7% – 78,2%.

Vì sao lại có sự chênh lệch này? Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, việc so sánh cước taxi giữa các thành phố trong khu vực là khập khiễng vì nó phụ thuộc nhiều yếu tố. Dù vậy, cước taxi của Hà Nội và TP HCM cao hơn cả Singapore là điều không bình thường.

Việc chạy rông nhiều, ế khách là một trong những lý do khiến chi phí quản lý vận tải taxi tăng, dẫn đến giá cước tăng theo Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Việc chạy rông nhiều, ế khách là một trong những lý do khiến chi phí quản lý vận tải taxi tăng, dẫn đến giá cước tăng theo Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

“Môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực taxi ở Việt Nam chưa hoàn hảo. Các yếu tố từ chi phí phân phối, chi phí tiếp cận khách hàng, chi phí không chính thức… ở các nước đều rất thấp trong khi ở Việt Nam, các chi phí này không phải là nhỏ. Các doanh nghiệp ở nước ngoài thường ứng dụng quản lý, khai thác khách hàng bằng công nghệ, phần mềm hiện đại nên tiết giảm khoản chi phí đáng kể” – ông Thỏa phân tích.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kể lại chuyện một khách hàng gọi xe, ngay lập tức 10 taxi đua nhau chạy tới. Kết cục chỉ 1 xe đón khách còn 9 xe chạy rỗng. “Tỉ lệ taxi chạy rông ngoài đường để tìm khách khá cao, một phần do công nghệ quản lý chưa cao” – ông Hùng đánh giá.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một hãng taxi có thị phần lớn tại TP HCM cho rằng so sánh cước taxi của Việt Nam với các nước là rất khó bởi phải tính đến các yếu tố thuế, phí, chi phí đầu tư xe… Giá ô tô của Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Theo vị lãnh đạo hãng taxi này, phải xem giá xăng dầu của Việt Nam ở đâu trong bản đồ giá xăng của khu vực bởi chi phí xăng dầu chiếm 25%-35% giá thành cước taxi.

“Muốn biết cước taxi trong nước cao hay thấp, chỉ cần nhìn vào việc kinh doanh taxi có phải một ngành lợi nhuận cao, hấp dẫn hay không. Trên thực tế, để gia nhập thị trường taxi và cạnh tranh được không phải chuyện đơn giản. Một số hãng taxi nhỏ đang hoạt động theo kiểu doanh thu hằng ngày chỉ vừa đủ trang trải chi phí, còn sau vài năm huề vốn, tài sản còn lại cũng chỉ  là…xác xe! Cạnh tranh rất gay gắt và hoạt động taxi không hề dễ dàng. Một điều ai cũng biết là chi phí không chính thức trong hoạt động của doanh nghiệp không nhỏ” – vị này phân trần.

Tròng gánh nặng cho tài xế

Có một thực tế là với nhiều lý do được đưa ra, dù xăng tăng hay giảm, các hãng taxi vẫn khá “dè xẻn” trong việc giảm cước, thay vào đó là luôn giữ cố định tỉ lệ khoán doanh thu cùng với nhiều loại phí đổ hết lên đầu tài xế.

Là tài xế của hãng taxi Vạn Xuân (Hà Nội), thu nhập của anh T. chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. T. cho biết anh lái xe cho hãng Vạn Xuân theo hình thức ăn chia. Chẳng hạn, nếu chạy được 1 triệu đồng/ngày, tài xế sẽ được hưởng 50% và phải chịu tiền xăng, còn hãng hưởng trọn 50%. Trong khi đó, lúc mới bắt đầu vào làm việc, tài xế phải đóng tiền đặt cọc 6 triệu đồng. Mỗi ngày, tài xế nhận lệnh và nhận xe phải chạy đạt ít nhất 400.000 đồng, nếu không đạt sẽ bị phạt. “Một xe 2 tài xế chạy, cứ cách một ngày thì đổi tài 1 lần. Cuộc sống tài xế rất khó khăn vì mọi chi phí, rủi ro phải gánh hết ” – anh T. nói.

Cũng là tài xế lái taxi cho hãng Vạn Xuân, anh N. (quê ở Nam Định) than thở: “Cả ngày hôm nay (9-9), tôi mới chạy được hơn 300.000 đồng, chưa đạt được định mức của công ty giao”. N. cho biết tổng thu nhập chạy xe của anh khoảng 15-17 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ tiền ăn chia và các chi phí, xăng, cuối cùng anh chỉ còn 2,5 – 3 triệu/tháng. “Chỉ đủ tiền ăn với tiền nhà, tháng nào đen đủi va quệ̣t xe hoặc bị công an xử phạt vi phạm giao thông thì coi như âm vốn” – anh N. bày tỏ.

Còn theo một tài xế taxi tên H., lái xe cho hãng Sao Mai (Hà Nội), anh  chạy theo hình thức cổ phần. Anh H. mua lại xe Hyundai Grand i10 của hãng với giá 450 triệu đồng, trả góp 48 tháng, lãi suất 1,1%/tháng. “Một tháng, tổng thu nhập tối đa của tôi khoảng 23-25 triệu đồng. Sau khi trả phí đăng ký bộ đàm cho hãng 2,1 triệu đồng/tháng, tiền xăng 8-9 triệu đồng, tiền đóng BHXH, BHYT khoảng 1,1 triệu đồng/tháng, tiền trả góp và lãi suất 6,2 triệu đồng và vài chi phí khác, thu nhập còn lại của tôi khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Nếu trừ tiếp  tiền thuê nhà, tiền ăn uống, xem như chẳng còn gì” – anh H. rầu rĩ.

Vắt kiệt sức cho hãng xe

Nhiều tài xế taxi ở Hà Nội, TP HCM thừa nhận do có quá nhiều hãng xe nên việc kiếm khách rất khó khăn. Việc đến rước khách nhưng bị taxi của hãng khác đến “giật mối” là chuyện thường, vừa mất thời gian vừa tốn xăng. Anh Nguyễn Trọng Tiệp, tài xế một hãng  taxi tại TP HCM, bộc bạch. “Nhiều hôm chạy đến 16-18 giờ nhưng thu nhập cao nhất cũng chỉ được khoảng 1,2 triệu đồng/ngày, trừ tiền ăn chia, tiền xăng, chi phí cầu phà, trạm thu phí thì về phần mình cũng chỉ 100.000-300.000 đồng/ngày. Sau 4 năm mua lại xe của hãng, tiền vốn tôi chưa lấy lại được nhưng chỉ còn lại cái xác xe”.

 
Theo NLĐ

 

Bình luận (0)