Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cuộc thi “Đi xe đạp – vì môi trường văn hóa giao thông” 2013: Nhiều “dấu cộng” thú vị

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS Trường THPT Võ Trường Toản tham gia cuộc thi “Đi xe đạp – vì môi trường văn hóa giao thông” 2012. Ảnh: N.Anh

Một hoạt động truyền thống diễn ra vào đúng Tháng An toàn giao thông (ATGT) đang được hàng ngàn học sinh (HS) thuộc các trường THPT, TT GDTX trên địa bàn TP.HCM háo hức đón đợi: Cuộc thi “Đi xe đạp – vì môi trường văn hóa giao thông” năm 2013 do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Báo Giáo Dục TP.HCM với sự đồng hành của Công ty cổ phần Cao su miền Nam (Casumina) tổ chức.
Xung quanh cuộc thi này, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD-ĐT, Trưởng ban tổ chức cuộc thi về những điểm mới hứa hẹn sẽ mang đến cho các em HS trong ngày này…
PV: Đây là năm thứ 3 cuộc thi “Đi xe đạp – vì môi trường văn hóa giao thông” được tổ chức cho HS các trường THPT, TT GDTX tại TP.HCM. Theo ông, ý nghĩa và hiệu quả thiết thực hoạt động này đạt được ra sao?
Ông Trần Khắc Huy: Theo tôi, cuộc thi này mang ý nghĩa và hiệu quả rất lớn trong việc giáo dục các em HS ý thức chấp hành Luật Giao thông. Nó còn góp phần khuyến khích các em đi xe đạp đến trường, một hình ảnh gắn liền với HS đang dần bị mất đi trong đời sống hiện đại. Ngoài ra, hành động của các em cũng góp phần tuyên truyền ý thức chấp hành, văn hóa khi tham gia giao thông của người dân TP.HCM. Từ những câu khẩu hiệu như “Thà chậm một giây hơn gây tai nạn”, “Tốc độ càng nhanh, bệnh viện càng gần”, hay những hình ảnh trang trí trên chiếc mũ bảo hiểm sẽ khiến người dân nhìn nhận lại hành động, việc làm của mình để từ đó nâng cao ý thức chấp hành mỗi khi di chuyển trên đường.
Là một hoạt động mang tính truyền thống, cuộc thi “Đi xe đạp – vì môi trường văn hóa giao thông” năm 2013 có gì khác so với những năm trước đây, thưa ông?
– Về cơ bản, hình thức tổ chức cuộc thi năm nay không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, Ban tổ chức xác định đây là một hoạt động mang tính tuyên truyền hiệu quả, rộng rãi nên đã đưa ra một vài điểm thay đổi có lợi cho các em HS khi tham gia. Về quy mô tổ chức, cuộc thi năm nay sẽ thu hút 120 trường THPT, TT GDTX với hơn 4.000 HS, giáo viên tham gia. Cơ cấu giải thưởng được mở rộng thêm nhiều giải phụ nhằm khuyến khích, động viên tinh thần tham gia của các đội chơi. Cung đường diễu hành cũng được mở rộng với tổng chiều dài gần 10km nhằm đảm bảo các nhóm di chuyển không bị dồn ứ. Địa điểm cuộc thi được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen, đảm bảo sức chứa, sinh hoạt và vui chơi cho hàng ngàn HS.
Số lượng HS tham gia đông, cung đường diễu hành cũng dài hơn so với những lần tổ chức trước đây. Vậy, sự an toàn của HS được đảm bảo thế nào, thưa ông?
– Ngay từ năm đầu tổ chức cuộc thi, Sở GD-ĐT và các đơn vị tổ chức đã xác định: Tính an toàn cho HS phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, sở đã có văn bản gửi Công an TP đề nghị sự phối hợp, hỗ trợ của công an các quận huyện, phòng ban phân công nhiệm vụ phù hợp. Sở cũng đề nghị Phòng Cảnh sát đường bộ đường sắt bố trí lực lượng đứng chốt chặn ở những khu vực trọng điểm để phân luồng, hướng dẫn các em HS tham gia thi diễu hành. Đội mô tô dẫn đường được bố trí theo dõi sát sao từng tốp để đảm bảo tính an toàn cho từng tốp HS di chuyển. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng bố trí một xe cứu thương để kịp thời hỗ trợ khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Chính sự chuẩn bị chu đáo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban nên từ khi tổ chức đến nay chưa có một sự cố nào xảy ra.
Ông có thể nói rõ thêm về tiêu chí chấm giải?
 – Hình thức cuộc thi vẫn bao gồm 2 nội dung: Thi lý thuyết tìm hiểu về Luật ATGT và diễu hành bằng xe đạp. Phần thi lý thuyết gồm những câu hỏi trắc nghiệm về Luật Giao thông, văn hóa ứng xử, môi trường giao thông và 1 câu hỏi tự luận ngắn.
Các đội thi diễu hành sẽ di chuyển theo tốp (5 đơn vị/ tốp), mỗi tốp cách nhau 2 phút theo hướng dẫn của đội mô tô dẫn đường. Ở phần thi này, Ban tổ chức sẽ không xét tốc độ nhanh nhất mà chấm theo ý thức chấp hành Luật Giao thông trên đường như: Đi bình thường theo đội thành 1 hàng, không đi hàng đôi, hàng 3, gặp đèn đỏ dừng lại, vi phạm Luật Giao thông vẫn bị thổi phạt. Đội nào có HS vi phạm xem như bị loại. Ngoài ra, phần thi này sẽ chấm điểm theo phong cách gồm trang trí xe đạp (cờ, phướn, khẩu hiệu), trang trí mũ bảo hiểm, trang phục… do các đơn vị tự trang bị.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn chấm điểm cho các đội cổ động viên về số lượng, trang phục, khẩu hiệu, băng rôn, slogan cổ động thể hiện được bản sắc của đơn vị và tinh thần văn hóa giao thông. Mỗi đội cổ động có thể mang theo trống, kèn… để làm cho cuộc thi thêm phần sôi động.
Xin cảm ơn ông!
Linh Vy (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)