Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cuộc thi hay kinh doanh?

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT cho biết cuộc thi “Khám phá khoa học cùng Skycare” danh nghĩa là tự nguyện, không đặt chỉ tiêu nhưng Bộ GD-ĐT phát động mà không tham gia thì “khó ăn khó nói quá” 

 

Vào đầu tháng 10-2011, Bộ GD-ĐT phát động cuộc thi “Khám phá khoa học cùng Skycare” cho học sinh tiểu học. Theo thể lệ, học sinh phải mua bộ 3 đĩa hình mang tên “Skycare – Khoa học sống động trong mắt em” do Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục UNET (viết tắt Tập đoàn UNET) thực hiện. Hiện đã có khoảng 19 tỉnh, TP nhận DVD cho học sinh tham dự.
 
Có “lại quả”
Để tham dự, học sinh lớp 1-3 sẽ vẽ hoặc xé dán một bức tranh thể hiện nội dung bài học mà bản thân thích nhất trong bộ đĩa Skycare. Riêng học sinh lớp 2-5 có thể chọn thêm hình thức viết cảm nghĩ về một nội dung bài học hoặc nhân vật mà bản thân thích nhất trong bộ đĩa Skycare dành cho học sinh lớp 2, 3. Trên mỗi bài thi, học sinh phải dán logo có trong bộ đĩa (bộ đĩa cho lớp 1 và lớp 2 giá 105.000 đồng với 3 logo; lớp 3-5 giá 165.000 đồng với 5 logo) thì mới hợp lệ.
 
Một bức tranh của học sinh tham gia cuộc thi “Khám phá khoa học cùng Skycare”
 
Theo công văn do Tập đoàn Unet gửi các sở GD-ĐT, đơn vị đăng ký trên 1.000 đĩa sẽ được “lại quả” dưới hình thức “chi phí quản lý và hỗ trợ các sở GD-ĐT tham gia chương trình” theo mức 20 triệu đồng và 10% tổng giá trị đơn hàng; đăng ký dưới 1.000 đĩa sẽ được hỗ trợ 20% tổng giá trị đơn đặt hàng.
 
Sau khi chương trình được tung ra, nhiều cơ quan truyền thông đại chúng đã đặt nghi vấn đây là cuộc thi thực sự hay là trò kinh doanh núp bóng? Ngày 15-11, Bộ GD-ĐT thông báo dừng cuộc thi mà không nêu lý do. Thế nhưng gần đây, Bộ GD-ĐT lại có văn bản cho biết Vụ Giáo dục tiểu học nhất trí với đề nghị của Tập đoàn UNET chủ động tiếp tục tổ chức cuộc thi tới các trường tiểu học.
 
Phụ huynh phản ứng
Trong khi các sở nhận được sự “hỗ trợ lớn” như vậy thì các trường tiểu học lại phải tự bỏ tiền mua đĩa. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Tân Phú – TPHCM cho biết trường phải mua 5 DVD cho mỗi khối để vừa giảng dạy vừa giúp học sinh tham dự cuộc thi.
 
“Đợt đầu tiên khi phát động cuộc thi, nhiều phụ huynh phản ứng dữ dội vì DVD quá đắt. Sau khi bộ dừng cuộc thi, nhà trường đã trả lại tiền cho phụ huynh. Bây giờ, cuộc thi phát động trở lại nên chúng tôi đành dùng tiền xây dựng cơ sở vật chất mua DVD để phụ huynh khỏi thắc mắc”- vị hiệu trưởng này nói. Ông còn cho rằng mình rất bất ngờ khi biết bài thi muốn hợp lệ thì phải dán logo của cuộc thi, mỗi bộ đĩa lại chỉ có 3-5 logo, đồng nghĩa với việc mỗi khối, nhà trường chỉ hỗ trợ 15-25 em tham dự.
 
Theo lãnh đạo không ít sở GD-ĐT, cuộc thi này danh nghĩa là tự nguyện, không đặt ra chỉ tiêu cho các sở nhưng Bộ GD-ĐT đã phát động, các sở không tham gia thì “khó ăn khó nói quá”. Với áp lực vô hình đó, các phòng GD-ĐT, các trường tiểu học liệu có thể từ chối, không tham gia cuộc thi khi sở GD-ĐT đã phát động?
 
Tài trợ lớn, không tính lãi
Ngày 15-12, Tập đoàn UNET gửi văn bản tới các sở GD-ĐT nêu rõ việc đăng ký mua DVD và các thủ tục thanh toán sẽ tiến hành trực tiếp với công ty này; nội dung, hình thức và thể lệ cuộc thi vẫn không thay đổi. Một lãnh đạo của Tập đoàn UNET cho biết do là năm đầu tổ chức nên thời gian, thể lệ cuộc thi phải điều chỉnh nhiều lần theo yêu cầu từ các sở GD-ĐT, cũng như phải thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm cho các năm sau. Cũng theo vị lãnh đạo này, đây là năm đầu tổ chức nên công ty phải bỏ số tiền tài trợ rất lớn mà không tính lãi hay lỗ, bao gồm mức hỗ trợ cho các sở GD-ĐT nhằm tổ chức, quản lý cuộc thi theo chiết khấu phần trăm tùy vào số đĩa đăng ký.
Bộ chỉ hỗ trợ kỹ thuật
Ngày 29-12, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, cho biết quan điểm của Bộ GD-ĐT là luôn ủng hộ các sân chơi để học sinh khám phá, học hỏi. Tuy nhiên, thời gian này, bộ cần tập trung cho công việc chính của mình là quản lý nhà nước, dành việc tổ chức các sân chơi cho các đơn vị tư nhân. Về cuộc thi “Khám phá khoa học cùng Skycare”, bộ đã quyết định để Tập đoàn UNET tổ chức, phía bộ chỉ tham gia hỗ trợ về mặt kỹ thuật để bảo đảm đúng chuyên môn sư phạm. Nếu bộ đứng ra tổ chức, dư luận sẽ nghĩ đây là phong trào của bộ nên các địa phương bắt buộc phải tham gia. Việc bộ không tổ chức cuộc thi này nhằm bảo đảm tính khách quan cũng như sự tự nguyện của các địa phương khi tham gia cuộc chơi.
Y.Anh
Theo MINH QUYÊN

(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)