Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cuộc thi viết bài luận toàn cầu của ĐH Harvard: Nữ sinh lớp 9 Việt Nam đạt giải nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Vào một ngày giữa tháng 3-2023, khi nhận được thông tin mình đạt giải nhất cuộc thi viết bài luận quy mô toàn cầu của ĐH Harvard, Nguyễn Mỹ Hải Ngọc (HS lớp 9 Trường Quốc tế Úc, TP.HCM) vỡ òa trong hạnh phúc. Ngọc chia sẻ: “Em chưa từng nghĩ mình sẽ đạt giải cao như vậy”...


Học sinh Nguyễn Mỹ Hải Ngọc

Từ khi vào lớp 9, Ngọc đã đặt mục tiêu rõ ràng là mình muốn đi học ở các trường ĐH top đầu tại Mỹ, đơn cử là khối Ivy League. Rồi một ngày trong lúc đang tìm hiểu các trang web cung cấp thông tin về những trường ĐH hàng đầu của Mỹ, Ngọc đã biết được thông tin về cuộc thi Harvard Crimson Global Essay Competition – cuộc thi viết luận do tờ báo của ĐH Harvard tổ chức. Đây là cuộc thi thường niên, được ĐH Harvard tổ chức nhằm tạo sân chơi cho những học sinh đam mê viết lách và muốn có không gian để luyện tập trước khi viết bài luận ứng tuyển ĐH.

Năm nay, cuộc thi có 3 hướng đề thi là Creative (viết sáng tạo), Argumentative (viết tranh biện) và Journalism (viết báo chí) cho học sinh tự do lựa chọn. Theo đó, Ngọc đã chọn hướng Argumentative – viết tranh luận, một ngách khá cạnh tranh do rất nhiều học sinh trên thế giới cũng chọn ngách này.

Đề bài mà Ngọc chọn là “Vào năm 2050, một nửa số trẻ em ra đời ở các nước phát triển là thông qua hình thức mang thai hộ. Đây là một điều nên được khuyến khích. Bạn đồng ý hay không đồng ý?”. Đây là một đề bài khá xa vời với một nữ sinh 15 tuổi nhưng Ngọc đã dùng chính ví dụ từ gia đình mình viết nên một bài luận vô cùng thuyết phục.

Cụ thể, Ngọc đi sâu vào khía cạnh công nghiệp của việc mang thai hộ nếu như đến một nửa số trẻ em sinh ra là thông qua hình thức này. Ngọc dùng từ “the market of maternal love” – thị trường tình mẫu tử. Câu hỏi mà Ngọc đặt ra là liệu tình mẫu tử có còn tồn tại trong một thế giới như vậy nữa không, hay tình cảm thiêng liêng này sẽ trở thành một vật phẩm để mua bán trên thị trường.

Ngọc chia sẻ: Dù đây là bài luận dạng tranh biện nhưng em không đi sâu vào phân tích mặt lợi, mặt hại của việc mang thai hộ mà tập trung phân tích ảnh hưởng của nó tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ”. Đó cũng chính là điểm khiến bài luận của Ngọc trở nên đặc biệt và nổi bật so với những bài luận đi theo khuôn mẫu chung.

Ngọc cũng viện dẫn tới rất nhiều bài báo và các bài nghiên cứu khoa học để tăng sức thuyết phục cho bài luận. Theo Ngọc, bài học lớn nhất của em qua cuộc thi là khi viết luận và sử dụng dẫn chứng, hãy viết phần reference (tham khảo) theo chuẩn APA vì đó là yếu tố vô cùng quan trọng trong viết luận học thuật. Đồng thời, Ngọc cũng nhắn nhủ là khi tham gia cuộc thi thì hãy cố gắng hết sức mình để đạt được kết quả mong muốn.

Để chuẩn bị cho cuộc thi, Ngọc đã làm việc với cố vấn học thuật tại Crimson Education để nâng cao kỹ năng viết học thuật. Theo Ngọc, điều khiến em cảm thấy khó khăn khi tham gia cuộc thi là em chỉ có trong tay những ngữ pháp và từ vựng thông dụng, trong khi các bài đạt giải năm trước thì được viết theo những cấu trúc câu phức tạp và mang nặng tính học thuật hơn. Vậy là chỉ trong thời gian 2 tuần ngắn ngủi tham gia cuộc thi, em phải nhanh chóng học để nâng cấp cách viết của mình với văn phong mượt mà hơn, bài viết có tính thuyết phục hơn.

Ngọc kể lại: “Có những ngày em phải đặt lịch làm việc với thầy cố vấn vào 5 giờ sáng do lệch múi giờ. Trước đó em phải dành ra hai ngày liên tục nhằm hoàn thành bài luận để được thầy nhận xét và đưa ra gợi ý giúp bài luận tốt hơn.”

Ở cùng hạng mục Viết tranh luận với Ngọc, giải nhì thuộc về học sinh Emil Shadid (Costa Rica) và giải ba thuộc về học sinh Arvind Salem (Mỹ).

Khi được hỏi về dự định sau khi thắng giải, Ngọc cho biết em sẽ tham gia thực tập tại Harvard Crimson (tờ báo của ĐH Harvard) – đây cũng chính là một trong những phần thưởng của cuộc thi. Trong năm nay, Ngọc cũng đặt mục tiêu tham gia John Locke Competition – cuộc thi viết luận do Oxford và Princeton tổ chức; tham gia Wharton Investment Competition – cuộc thi về đầu tư do Wharton (thuộc ĐH UPenn) tổ chức. Bên cạnh đó, Ngọc tiếp tục tham gia các dự án ngoại khóa cá nhân của mình, có thể kể đến công việc cộng tác viết bài cho tờ báo quốc tế về đầu tư, chạy dự án triển lãm thông tin cá nhân của mình với nhiều bạn học sinh khác; tham gia tổ chức hoạt động quyên góp gây quỹ hỗ trợ trẻ em miền Tây khó khăn.

Khi được hỏi tại sao lại tham gia nhiều hoạt động như vậy và làm cách nào để quản lý thời gian, Ngọc chia sẻ: “Các hoạt động này không chỉ nhằm mục đích tìm hiểu, phát triển bản thân trong lĩnh vực mà em yêu thích (kinh tế) mà còn từng bước để em hướng đến mục tiêu xây dựng một bộ hồ sơ ứng tuyển ĐH thực sự cạnh tranh khi so với học sinh trên toàn thế giới. Em còn nhiều thời gian trước khi ứng tuyển và em muốn tận dụng tối ưu thời gian này để làm cho bộ hồ sơ của mình có nhiều hoạt động thú vị, chất lượng để thể hiện rõ con người và niềm đam mê của em”…

Thùy Linh

Bình luận (0)