Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cước tin nhắn cao gấp 3 lần, ngân hàng muốn nhà mạng giảm ít nhất 50%

Tạp Chí Giáo Dục

Cước tin nhắn cao gấp 3 lần khách hàng thông thường, trong khi phải giảm phí chuyển tiền do dịch Covid-19 là lý do các ngân hàng muốn nhà mạng giảm ít nhất 50% để chia sẻ.

Ngân hàng đang phải bù lỗ vì phí tin nhắn quá cao. Ảnh Ngọc Thắng

Tại công văn vừa gửi Bộ Thông tin – Truyền thông sáng nay, 10.4, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp cụ thể hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có các chương trình miễn, giảm phí giao dịch thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng.
Đến nay đã có 44/45 ngân hàng thực hiện miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng, nhiều loại phí đã được giảm từ 75 – 100% mức phí cũ.
Tuy nhiên, việc giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt gặp phải trở ngại do chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông đối với giao dịch của các ngân hàng còn quá cao. Hiện nay, hầu hết các giao dịch ngân hàng đều sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn như xác thực khách hàng (OTP), thông báo biến động số dư tài khoản khách hàng, cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận, thay đổi dịch vụ, thông tin tài khoản, tin nhắn quảng cáo, chăm sóc khách hàng… và phải trả mức giá cước dịch vụ tin nhắn của các doanh nghiệp viễn thông.
Cụ thể, MobiFone và VinaPhone áp 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Viettel áp 500 đồng/1 tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn). Từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Vietnammobile, Beeline áp dụng 280 – 400 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng.

Cước tin nhắn đối với ngân hàng cao gấp 3 lần mức thông thường. Ảnh Ngọc Thắng

Trường hợp sử dụng đầu số thuê bao cung cấp dịch vụ tin nhắn (SMS-Brandname) của đơn vị trung gian, các ngân hàng cũng phải trả mức giá cước là 800 đồng/1 tin nhắn và tùy theo từng phân khúc. Khối lượng tin nhắn phát sinh mà các ngân hàng sẽ được hưởng mức chiết khấu khác nhau (nhưng sau khi trừ chiết khấu, mức giá cước trung bình vẫn là khoảng 720 đồng/1 tin nhắn).

Đề nghị giảm ít nhất 50%

“Có thể thấy rằng, hiện nay mức giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với các ngân hàng cao gấp gần 3 lần so với tin nhắn thông thường (tin nhắn giữa các cá nhân đơn lẻ ở mức 250 – 300 đồng/1 tin nhắn). Bên cạnh đó, các tin nhắn khách hàng chủ động gửi tới các đầu số cung cấp dịch vụ của các ngân hàng cũng đang phải chịu mức giá cước quá cao, đầu số 8149 là 1.500 đồng/1 tin nhắn, đầu số 8049 là 1.000 đồng/1 tin nhắn”, Hiệp hội Ngân hàng dẫn chứng.
Mặc dù hiện nay có một số kênh khác để ngân hàng tương tác, thông tin tới khách hàng với chi phí thấp như tin nhắn thông báo trên ứng dụng, tạo ứng dụng tự sinh OTP… song theo Hiệp hội Ngân hàng, tin nhắn SMS vẫn là phương thức thông báo an toàn, đa dạng tiện ích cho khách hàng khi giao dịch với ngân hàng, đặc biệt là tin nhắn SMS-Brandname với nhận diện riêng của ngân hàng, để tránh kẻ gian giả mạo, lừa đảo khách hàng.
Việc các ngân hàng duy trì, sử dụng tin nhắn SMS là một nhu cầu thiết yếu để đảm bảo an toàn cho khách hàng và bản thân ngân hàng chứ không nhằm mục đích kinh doanh, do vậy việc các công ty viễn thông thu mức phí cao gấp nhiều lần so với mức thông dụng là không hợp lý.
Để đồng hành, chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân hàng khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho nền kinh tế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét giảm mức giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức giá cước tin nhắn thông thường (áp dụng cho dịch vụ nhắn tin giữa các cá nhân đơn lẻ) hoặc giảm ít nhất 50% mức giá cước tin nhắn đang áp dụng với các ngân hàng.

Theo Anh Vũ/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)