Hội nhậpThế giới 24h

Cuộc tranh luận tổng thống khác thường

Tạp Chí Giáo Dục

Điều đọng lại sau 90 phút tranh luận là cả hai ứng viên Joe Biden và Donald Trump đều có vấn đề của riêng mình

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump hôm 27-6 (giờ địa phương) đã đối đầu trong cuộc tranh luận đầu tiên với hy vọng có thể vượt lên của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. 

Màn tái đấu lần này đóng vai trò quan trọng với cả hai ứng viên khi họ nỗ lực thúc đẩy những tầm nhìn khác nhau về nước Mỹ. Ông Trump ngụ ý đất nước đã đi xuống dưới sự lãnh đạo của ông Biden. Ngược lại, ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm lên tiếng bảo vệ vị thế của Mỹ trên thế giới.

Dù vậy, nội dung "đấu khẩu" lại không cung cấp nhiều thông tin mới về các mục tiêu chính sách của cả hai ứng viên, cũng như những quan điểm về các vấn đề lớn, như kinh tế, nhập cư, đường lối đối ngoại, quyền sinh sản… 

Thay vào đó, mỗi ứng viên chỉ nhắc lại các lập trường đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, tập trung chỉ trích chuyện quá khứ và cá nhân của đối phương. Có nhiều thời điểm ông Trump tìm cách chuyển hướng cuộc tranh luận vào những vấn đề bị xem là điểm yếu của đối thủ, như nhập cư và kinh tế.

Cuộc tranh luận tổng thống khác thường- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và ông Donald Trump tại cuộc tranh luận hôm 27-6. Ảnh: Reuters

Vì thế, điều đọng lại sau 90 phút tranh luận là ứng viên nào cũng có vấn đề của riêng mình. Trước thềm cuộc tranh luận, nhiều người Mỹ tỏ ra lo ngại về tuổi tác của ông Biden, người sẽ bước vào tuổi 82 vào tháng 11 tới. 

Đáng tiếc, theo một số chuyên gia, màn thể hiện vừa rồi không chứng minh được ông có năng lượng và sức bền để giảm bớt nỗi lo này. Trong nửa đầu cuộc tranh luận, ông Biden gặp khó khăn trong diễn đạt quan điểm tại một số thời điểm.

Dù vậy, nhiều thành viên Đảng Dân chủ tiếp tục lên tiếng ủng hộ ông Biden sau cuộc tranh luận, đồng thời cáo buộc ông Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ. Phó Tổng thống Kamala Harris nhận định ông Biden "khởi đầu chậm chạp" nhưng "kết thúc mạnh mẽ". 

Theo bà Harris, ông Biden thể hiện sự tương phản rất rõ ràng với ông Trump về mọi vấn đề mà người dân cho là quan trọng.

Trong khi đó, theo đài ABC News, các phát ngôn cường điệu, công kích và một loạt vấn đề pháp lý vẫn là điểm yếu của ông Trump. Tại cuộc tranh luận, cựu tổng thống đưa ra nhiều phát biểu bị giới truyền thông xem là sai sự thật.

Đáng chú ý, ông Trump tìm cách né tránh câu hỏi về việc có tôn trọng kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-11 tới hay không khi khẳng định chỉ làm thế nếu tiến trình bỏ phiếu diễn ra "công bằng" và "tự do".

Cuộc tranh luận nói trên diễn ra tại TP Atlanta, bang Georgia và đây là lần đầu tiên hai ông Biden và Trump đối đầu trong một sự kiện như thế kể từ tháng 10-2020. 

Thời điểm diễn ra cuộc tranh luận cũng sớm khác thường – ngay cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng chưa tiến hành đại hội để chính thức đề cử ứng viên tổng thống. 

Lý do cả hai ông Biden và Trump muốn nó diễn ra trong tháng 6 là để tránh trùng với thời điểm bỏ phiếu sớm khi một số bang dự kiến bắt đầu bỏ phiếu vào tháng 9. 

Một thay đổi khác so với truyền thống là hai ứng viên này trực tiếp đàm phán với đài CNN để tổ chức tranh luận, thay vì thông qua Ủy ban Tranh luận tổng thống lưỡng đảng.

Từ giờ đến cuộc bầu cử, chỉ còn một cuộc tranh luận nữa được lên lịch vào ngày 10-9. Theo giới quan sát chính trị, lợi thế lúc này của ông Biden là còn nhiều thời gian để khắc phục các điểm yếu và có lần trở lại ấn tượng hơn. 

Tuy nhiên, đài Al Jazeera cũng lưu ý rằng đã xuất hiện ý kiến về việc tìm kiếm ứng viên thay thế ông Biden. 

Ở chiều ngược lại, theo đài NPR, cuộc tranh luận nêu bật lý do nhiều người vẫn còn lo ngại về quan điểm của ông Trump đối với một loạt vấn đề, như chuyện phá thai và Mỹ đại diện ra sao trên trường quốc tế. Vì thế, dù ông Biden còn thiếu sót, hàng triệu người vẫn có khả năng bỏ phiếu cho ông thay vì ông Trump. 

Cách biệt tăng lên?

Trước màn "so găng", các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ giữa ông Donald Trump và Tổng thống Joe Biden khá sít sao. Một cuộc khảo sát của tờ The New York Times và Trường Siena College, được công bố trước cuộc tranh luận, cho thấy ông Trump nhận được gần 48% tỉ lệ ủng hộ trong khi ông Biden là 44%. Giới quan sát chính trị nhận định diễn biến cuộc tranh luận hôm 27-6 có thể làm tăng thêm sự chênh lệch.

Ngay sau cuộc tranh luận, theo khảo sát của đài CNN, khoảng 67% cử tri được hỏi cho rằng ông Trump thể hiện tốt hơn, so với 33% nghiêng về ông Biden. Trước cuộc tranh luận, tỉ lệ này dành cho ông Trump và ông Biden lần lượt là 55% và 45%. Điều này cho thấy sự thay đổi đáng kể so với năm 2020, thời điểm ông Biden được đánh giá là vượt trội hơn ông Trump trong cả 2 cuộc tranh luận.

Trong khi đó, một số cử tri còn do dự đã nêu ý kiến bất lợi cho ông Biden sau cuộc tranh tài vừa rồi. Trong số 13 người "chưa ra quyết định" được hãng tin Reuters khảo sát có đến 10 người mô tả màn tranh luận của vị tổng thống 81 tuổi là "yếu ớt, bối rối và khó mà xem được".

Bảy trong số 9 cử tri thất vọng trước màn thể hiện của ông Biden nói với Reuters rằng họ đang nghiêng về phía ông Trump vì họ không còn tin rằng ông Biden có thể thực hiện tốt cương vị tổng thống.

Bà Meredith Marshall, 51 tuổi, sống ở khu vực Los Angeles và làm nghề tự do, cho rằng cuộc tranh luận khiến bà bị sốc. Bà Marshall từng bỏ phiếu cho ông Biden vào năm 2020 nhưng hiện nghiêng về phía ông Trump, với lý do "tinh thần ông Biden thiếu nhạy bén".

Xuân Mai

Theo Hoàng Phương/NLĐO

 

 

Bình luận (0)