Tin học, internet… cần phải được giảng dạy, áp dụng trong tất cả các bộ môn, tất cả các giờ học, như một công cụ thường xuyên, chẳng khác nào sách giáo khoa, cái bảng… hay phải lập một môn học mới, có tên là “tin học”, ngang tầm như “toán học”, “sinh học”… Vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ trong cuộc tranh luận giữa các nhà giáo dục Pháp.
Năm 1992, Bộ Giáo dục Pháp quyết định đưa tin học vào nhà trường không phải với tư cách là một môn học riêng lẻ, mà là một công cụ “xuyên bộ môn” trong tất cả các giờ giảng dạy. 15 năm sau, vào tháng giêng năm 2008 nhà sư phạm Xavier Darcos khi thảo luận về “10 vấn đề cần thảo luận của ngành giáo dục” đã đề cập lại quyết định trên. Cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ và phản đối chủ trương lập môn tin học trong nhà trường lại tiếp tục sôi nổi; phía nào cũng có lý lẽ sắc bén.
Cả hai phía đều công nhận một thực trạng là việc đưa tin học vào nhà trường tỏ ra không có mấy tác dụng thiết thực. Theo nhà sư phạm Bruno Devauchelle, cách dạy tin học hiện nay theo kiểu “xuyên bộ môn” – mà ông cũng là người ủng hộ – làm cho việc đánh giá trình độ tin học của học sinh không chính xác, khó thực hiện. Lý do là giáo viên không được đào tạo cơ bản và liên tục, và việc thực hành tin học kiểu này mâu thuẫn với “văn hóa học đường truyền thống” của Pháp là không thích sự làm việc theo nhóm và sự tách bạch rõ ràng giữa các môn. Ông nói: “Nếu một kiến thức mà thuộc nhiều bộ môn, thì chẳng ai chú ý; còn nếu nó thuộc một bộ môn, thì những người thuộc bộ môn khác chẳng thèm nói đến”! Vậy phải làm sao?
Jean Pierre Archambault, giám đốc Hiệp hội Giảng dạy công cộng và tin học, thuộc Viện Hàn lâm Pháp, nói: Không thể trì hoãn lâu hơn nữa việc thành lập một bộ môn mới là tin học. Theo ông, phải xét lại vấn đề dạy tin học trong nhà trường lâu nay. Ông nói: Tin học là công cụ hay đối tượng? Nếu là công cụ, nó sẽ được dùng trong mọi bộ môn, như máy đánh chữ cho thư ký; tin học cần cho giảng dạy toán và vật lý. Như vậy nó không phải là một thành phần của kiến thức sư phạm (tức như một bộ môn độc lập – TG). Nó giúp các bộ môn phát triển. Còn nếu là đối tượng, thì bản thân nó là một bộ môn học để nghiên cứu. Cả hai cách tiếp cận đó bổ sung cho nhau.
Hiệp hội của ông đã vạch ra cả một sơ đồ giảng dạy môn tin học và kỹ thuật truyền thông. Ở tiểu học thì giáo viên chính của lớp cũng dạy được môn này. Ở THCS thì môn tin học do các giáo viên Kỹ thuật dạy. Chương trình bao gồm một số phần tin học và truyền thông. Ở THPT thì môn này phải do đội ngũ giáo viên tin học chuyên trách. Nhà sư phạm Bruno Devauchelle nói: Điều đó không có gì mới. Từ năm 1985 đến 1990, bậc tú tài kỹ thuật có một khoa tin học; ở trung học cũng có một ban tin học, đến năm 1998 thì bỏ. Thực ra chỉ có học sinh khá ở các lớp khoa học có lợi. Điều đó chỉ đào thêm hố sâu giữa chúng với học sinh khác. Tương tự như ở Thụy Sĩ và Liban hiện nay, tin học được học như một bộ môn, do đó các giáo viên khác chẳng quan tâm gì đến.
Bà Michelle Drechsler, thành viên của Hội Tin học và là thanh tra giáo dục lại tán thành việc xem tin học là một môn học thực sự, nhưng không nên hiểu một cách cứng nhắc… Bà nói: Lập một môn học mới không có gì đối lập với những gì đã thực hiện hiện nay. Phải có một “chỗ để tư duy trừu tượng, suy nghĩ, so với thực hành hàng ngày”. (Ý nói phải học lý luận, chứ không phải chỉ biết thao tác như cái máy – TG). Lý luận và thực hành bổ sung nhau. Bà nói tiếp: Thật là một điều kỳ dị nếu giáo viên dạy Pháp văn khi sử dụng vi tính trên lớp lại phải dạy các em sử dụng máy ra sao, dàn trang ra sao; học sinh phải biết cái đó ở giờ học tin học rồi.
37 năm thử nghiệm các phương án trong 57 trường trung học, ý kiến vẫn chưa ngã ngũ, nhưng “chuông hết giờ” sắp rung. Bộ Giáo dục yêu cầu các nhà sư phạm tâm huyết và tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục góp ý kiến, vì tháng 4-2008 Bộ sẽ ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Dù kết quả ra sao, có hai việc mà Bộ phải thực hiện ngay: trang bị thiết bị tin học cho các trường,và đào tạo một đội ngũ giáo viên tin học có trình độ. Ngoài việc đào tạo những chuyên viên tin học đủ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, còn phải phổ biến rộng rãi, có bề sâu tầm quan trọng của tin học trong xã hội tương lai, trong đó bộ não không còn là kho lưu trữ tin, vì chức năng đó đã được giao cho máy, mà là một trung tâm sáng tạo.
Phan Thanh Quang (Theo Thế Giới Giáo Dục
số 3/2008)
Bình luận (0)