Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cuộc vận động viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19: Như một hành động để cảm ơn

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 8-8, Ban Dân vận Thành ủy – Ban Tuyên giáo Thành ủy – Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Lễ tổng kết trao giải Cuộc vận động viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao giải nhất cho các cá nhân đoạt giải

Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết khi “cơn bão” đi qua, chúng ta đều cảm nhận được ý nghĩa, những điều viết về công tác phòng, chống dịch mang lại bao giá trị. Những bài viết không chỉ viết bằng câu chữ mà viết bằng con tim, không chỉ viết cho mình mà viết cho hiện tại.

“Đây không phải là cuộc thi như bao cuộc thi khác, cũng không phải là giải thưởng như bao giải thưởng khác mà như một hành động để cảm ơn của ban tổ chức. Và xa hơn như là một sự ghi nhận. Người nhận giải hôm nay cũng có cảm xúc không như những cảm xúc khác mà cao đẹp hơn, đó như là ký ức, là kỷ niệm”, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, đại dịch và vượt qua đại dịch còn rất nhiều điều để nói, do đó cần tiếp tục cuộc vận động này với trách nhiệm cao nhất. Ông định hướng tới đây, cần có những giải viết theo lời kể của người khác, không chỉ cấp TP mà từng ngành, lĩnh vực đều có thể làm riêng.

Trước đó, phát biểu tại buổi lễ, đại diện Ban giám khảo cuộc vận động viết về công tác phòng chống dịch Covid -19 trên địa bàn TP, nhà văn Bích Ngân cho biết cuộc vận động viết đã được nhân dân TP hưởng ứng tích cực và rộng khắp. Với đề tài “người thật việc thật”, tác giả các bài viết đều là người trực tiếp hay gián tiếp có mặt trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Và chưa có cuộc vận động viết nào mà người tham gia đa dạng, phong phú từ nhiều ngành nghề, nhiều tầng lớp nhân dân, từ thầy cô giáo, y bác sĩ, người tu hành đến đội ngũ cán bộ viên chức của hệ thống chính trị các cấp, từ xã, phường, quận, huyện đến TP.

Đã có trăm bài viết trong số hàng ngàn bài viết hưởng ứng cuộc vận động, tuy ngắn, gọn và mộc mạc; và đó là những ghi chép, hay đơn giản chỉ kể câu chuyện được – mất của mình, của người thân, của người quen biết, của những người tham gia công tác phòng chống Covid-19 ở địa phương mình sinh sống… nhưng chan chứa yêu thương, lay động lòng người bởi từng con chữ được viết bằng sự rung động của trái tim.

Đặc biệt, ở cuộc vận động viết này, là các tác phẩm đã làm bật lên ký ức đáng nhớ và phẩm hạnh cao quý của người dân Sài Gòn – TP.HCM. Ký ức và phẩm hạnh được hiện diện bằng nỗi niềm sâu lắng, bằng cảm xúc trí tuệ – biết nhớ và cũng biết quên, bằng nghĩa cử, bằng việc làm cứ ngỡ như quá đổi bình thường.

Hầu hết các bài viết của cuộc vận động này, phản ảnh rộng hơn, sâu hơn đi vào từng đơn vị cơ sở trường học, y tế, từng cơ quan, nhất là ở cấp phường xã, thậm chí từng ngõ ngách, từng khóm, từng ấp để thấy rõ hơn lòng tốt và vẻ đẹp tâm hồn của người dân Sài Gòn – TP.HCM.

Cô Nguyễn Thị Diệu dạy học ở quận 8, với bài viết đặt tên là “Ổng”. “Ổng” không tên tuổi, không có những hành động quả cảm phi thường nhưng vẫn đem cho người đọc sự cảm kích về một con người chân thành, lạc quan, tận tụy với cộng đồng nhất là trong những ngày khốn khó. Hình ảnh “Ổng” như trở thành một nhân vật tiêu biểu cho lòng tốt, cho sự lặng lẽ sống, lặng lẽ tận hiến trong thời khắc khốc liệt của đại dịch mà cả thành phố chúng ta chống chọi.

Cô Nguyễn Thị Hương, một cô giáo tại TP.Thủ Đức viết về một phụ huynh của Trường Tiểu học Tam Bình – anh Trần Tiến Nguyên, người đã dùng chiếc xe là phương tiện sinh sống trước dịch để vận chuyển sách giáo khoa và đem thực phẩm, cũng từ những đồng tiền chắt chịu của gia đình, để tiếp sức cho nhiều gia đình đang chống chọi dịch bệnh. Cô giáo Hương xúc động, viết: “Anh là con người bình thường mà sao quá đỗi phi thường. Anh đã tiếp thêm niềm tin, niềm lạc quan vào cuộc sống tươi đẹp cho bản thân tôi”.

Và, đó là những người làm công việc độc hại là xử lý triệt để chất thải có nguy cơ lây nhiễm ở công trường Đông Thanh với sức nóng hầm hập và mùi hóa chất đậm đặc mà họ phải làm việc liên tục nhiều giờ qua bài viết “Nơi cuối cùng xử lý mầm bệnh” của Cao Tuấn, làm việc ở Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Hay từ góc nhìn của Nguyệt Nga, một thỉnh sinh núi An Thiên Chúa giáo sau 2 tháng tham gia cùng đội ngũ chống dịch bệnh ở một bệnh viện dã chiến Thủ Đức, nhận ra mình thật nhỏ nhoi trước những lớn lao của những con người bình thường, tác giả viết: “Nhìn thấy bà lão cố gắng ăn hết hạt cơm cuối cùng để có sức khỏe về với con cháu, tự nhiên tôi muốn khóc, khóc vì mình được quá nhiều mà không biết, khóc vì tôi cảm nhận được trong cơ thể nhỏ bé của bà có một trái tim rộng lớn, khát khao…”.

Còn cảm nhận của PGS.TS Phạm Thị Dung, Trưởng đoàn công tác Trường Đại học Y dược Thái Bình, một đoàn công tác đặc biệt với 5 thầy cô và 245 sinh viên, đã tiếp sức cho TP.HCM suốt 2 tháng trong tâm dịch. Tác giả viết: “… Nhưng vượt lên tất cả, dấu ấn chúng tôi không thể nào quên. Đó là tính cách hào sảng, tấm chân tình của người Sài Gòn mà chúng tôi gặp mọi lúc, mọi nơi. Có ai đó từng nói “người Sài Gòn tánh kỳ” cứ thấy ai khó là giúp, dù mình chẳng dư giả gì nhiều. Không ồn ào, phô trương, những tấm lòng nhân ái cứa âm thầm lan tỏa, cùng vực nhau vượt qua đại dịch nhưng vẫn luôn rực rỡ ngọn lửa tình người, của trách nhiệm xã hội, của nghĩa đồng bào…” (bài Chuyến công tác đặc biệt trong đời).

Nhà văn Bích Ngân nhấn mạnh còn nhiều, rất nhiều những tấm gương thầm lặng mà kiên cường và tận tụy của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, lao công ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện dã chiến để giành lại sự sống cho bệnh nhân và cả những sinh linh còn trong bụng mẹ, cũng như những hoạt động bền bỉ 24/24 của cả một hệ thống chính trị từ xã phường, quận huyện đến cấp TP giúp cho người dân trong suốt thời gian chống chọi và vượt qua đại dịch. Giá trị mà các bài viết đem lại còn như là cách lưu giữ ký ức, những ký ức không thể lãng quên trong thử thách nghiệt ngã và còn là ký ức đáng nhớ của thành phố trong giai đoạn chống chọi và vượt qua đại dịch.

Dịp này, ban tổ chức trao giải cho 84 tập thể, cá nhân đoạt giải Cuộc vận động viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)