Hơn 1.700 quả trứng rùa được ấp nở ngay trên bãi cát biển Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) trong vòng 3 năm qua là câu chuyện dài về cuộc “vượt cạn” cam go của các chuyên gia về rùa biển và Ban quản lý Bảo tồn biển Cù lao Chàm với mong muốn bảo tồn loài rùa biển đang trong tình trạng nguy cấp đồng thời bảo vệ môi trường, hệ sinh thái Cù lao Chàm…
Anh Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm (trái) trong một chuyến vận chuyển trứng rùa biển từ Côn Đảo về Cù lao Chàm
Hành trình đưa rùa về Cù lao Chàm
“Việc đưa trứng rùa về ấp nở ở biển Cù lao Chàm là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng, nhất là khi đề tài được công bố, nhiều nhà khoa học trong ngành đều cho rằng phương án vận chuyển trứng rùa từ Côn Đảo về tận Cù lao Chàm cách xa cả ngàn cây số là không khả thi”, anh Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Ban quản lý Bảo tồn biển Cù lao Chàm – Chủ nhiệm đề tài “Phục hồi, bảo tồn rùa biển” trải lòng.
Cuối năm 2016, đề tài được phê duyệt, công cuộc đưa trứng rùa biển từ Côn Đảo về không khác nào một cuộc “vượt cạn” đầy cam go. Đây là cuộc bảo tồn chuyển vị rùa đầy khó khăn và chưa từng xảy ra trước đó. Là một người có nhiều năm trong công tác bảo tồn biển, trăn trở trước nguy cơ biến mất của loài rùa biển, nhiều ngày, anh Vũ cùng đồng nghiệp thực hiện những chuyến khảo sát để xác định môi trường biển, điều kiện tương thích của rùa biển ở vùng biển Cù lao Chàm. Ngoài ra anh còn tranh thủ tìm đến trò chuyện cùng ngư dân để gom nhặt câu chuyện về rùa nhằm có đánh giá chính xác nhất về khả năng và cơ hội của loài rùa biển sinh sống ở khu vực biển Cù lao Chàm. Sau những thông tin thu thập, phân tích và đánh giá một cách cẩn trọng, Ban chủ nhiệm đề tài bắt tay vào thực hiện. Anh Vũ kể, trứng rùa được chọn để ấp nở trên vùng biển Cù lao Chàm là trứng rùa biển ở Côn Đảo. Dưới sự hỗ trợ đắc lực của cố vấn Lê Xuân Ái – chuyên gia nghiên cứu về rùa biển, một cuộc chuyển vị rùa được thực hiện như một câu chuyện vô tiền khoáng hậu, ít ai nghĩ đến. Với chặng đường hơn 1.000km từ Côn Đảo về Cù lao Chàm có nhiều phương án đã được đưa ra. “Để đưa được trứng rùa về, anh em đã phải đến Côn Đảo chờ đợi cả tuần. Nhận được 500 quả trứng rùa xong, công cuộc vận chuyển lại là một câu chuyện dài. Sau khi qua chặng đường từ Côn Đảo về TP.HCM bằng máy bay thì số trứng rùa được chia đôi, một nửa vận chuyển bằng đường bộ, nửa còn lại tiếp tục lên máy bay để đưa về. Chưa hết, theo thủ tục trứng vận chuyển bằng đường hàng không phải soi chiếu nhưng nếu tuân thủ quy định này thì ảnh hưởng đến phôi trứng. Lúc ấy, đích thân ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành ủy Hội An đứng ra bảo lãnh để trứng rùa “vượt ải” máy soi chiếu, lên thẳng máy bay”, anh Vũ nhớ lại.
Những trứng rùa được ấp nở tại bãi Bấc (Cù lao Chàm)
Vượt qua nhiều “ải”, 500 quả trứng đầu tiên về đến Cù lao Chàm, nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. “Gần 20 ngày khoanh vùng, vùi trứng vào cát cũng là ngần ấy thời gian anh em phải túc trực canh giữ, theo dõi từng biến chuyển trong lòng cát bằng tín hiệu thu được thiết bị theo dõi nhiệt độ đã được vùi cùng với trứng rùa. Nhưng chúng tôi cũng chỉ kỳ vọng vài phần trăm trong số trứng ấy nở thành công. Quên ăn, mất ngủ và hồi hộp chờ đợi, niềm vui như vỡ òa khi có đến 90% trứng rùa nở và những chú rùa con bắt đầu hành trình đội cát hướng về biển cả. Đó là một ngày giữa tháng 9-2017”, nhắc lại lần đầu đó giọng anh Vũ vẫn còn xúc động. Sau lần “vượt cạn” đầu tiên thành công đó, trong gần 3 năm nay, đã có khoảng 1.700 con rùa biển được ấp nở tại bãi Bấc Cù lao Chàm và được thả về biển cả.
Bảo tồn rùa biển là bảo vệ môi trường
Trong hệ sinh thái biển, rùa biển là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái biển, được xem như là sinh vật chỉ thị môi trường biển. Ở đâu xuất hiện rùa biển thì ở đó môi trường trong lành. Tuy nhiên câu chuyện bảo tồn rùa biển không chỉ dừng lại ở đề án có thời hạn với mấy ngàn chú rùa con được ấp nở, thả về với biển cả. Theo quy luật, mỗi chú rùa con từ khi chui ra khỏi vỏ trứng để bơi ra biển thì phải mất một vòng đời tầm 20 đến 30 năm nó mới quay lại nơi sinh ra để tiếp tục nhiệm vụ đẻ trứng, bảo tồn giống nòi.
Thời gian gần đây, nhiều du khách lặn biển và như dân đi đánh bắt cá đã nhìn thấy những chú rùa biển lâu năm sống ở dưới đáy biển của hệ sinh thái Cù lao Chàm là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên rùa là loài sợ tiếng động lớn, sợ ánh sáng nên việc giữ lại một không gian bãi Bấc hoang sơ cho rùa biển làm nơi sinh sống và đẻ trứng thì cần sự chung tay của nhiều ban ngành, chính quyền và cả ý thức của người dân, khách du lịch… Anh Vũ cho biết: “Trong định hướng lâu dài của bảo tồn biển nói chung và loài rùa biển, anh Vũ cho biết, gần 15 năm qua, Ban quản lý Bảo tồn biển Cù lao Chàm đã tiến hành rất nhiều đợt tập huấn cho giáo viên về công tác bảo tồn. Năm 2018, việc tuyên truyền chính thức được mở rộng và đưa vào chương trình ngoại khóa trong trường học. Cùng với đó, Ban quản lý cũng đã tập huấn cho ngư dân 16 xã ven biển của tỉnh Quảng Nam”.
Những chú rùa biển đầu tiên nở ra từ trứng trên bãi Bấc bơi về biển cả
Không phải đến bây giờ, rùa biển mới được thử nghiệm ấp nở tại biển Cù lao Chàm. Hơn 20 năm trước, các bãi biển ở đây từng là nơi cư trú của loài rùa biển. Những cư dân mỗi sớm mai trở về sau chuyến biển ngắn thường mê mẩn trước hình ảnh dưới đụn cát dọc bãi biển, những chú rùa bung mình vỡ tổ, bò nhanh về phía sóng biển rồi sải cánh bơi xa. Qua thời gian, nhiều tác động xấu ảnh hưởng khiến loài rùa biển dần vắng bóng. Theo anh Vũ, Ban quản lý Bảo tồn biển Cù lao Chàm cũng đã hướng đến việc bảo tồn rùa biển nguyên vị. Tuy nhiên để làm được điều đó, ngoài các hoạt động tuyên truyền như trên cần phải bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, hạn chế hoạt động du lịch, khai thác hải sản tại vùng nước trước bãi cát thuộc bãi Bấc. “Nhiệm vụ của chúng tôi – những người làm công tác bảo tồn biển và có niềm đam mê với hệ sinh thái biển chưa dừng lại ở đây. Chừng nào những chú rùa hôm nay được ấp ở tại bãi Bấc quay trở về đây đẻ trứng trên cát, cho ra đời thế hệ rùa con thì mới có thể gọi là thành công. Nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng về ngày ấy”, anh Vũ nói.
Phan Hàn Giang
Bình luận (0)