Hội nhậpThế giới 24h

Cuộc “xâm lăng” của hàng Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng Trung Quốc được vận chuyển qua sông Ca Long vào Việt Nam

Có thể nói, khủng hoảng kinh tế toàn cầu với sự suy giảm sức mua của những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đã khiến cho tất cả các nước xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường này đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với Trung Quốc, ảnh hưởng xem ra còn lớn hơn nhiều bởi nơi đây được xem như “công xưởng của thế giới”.  
Cuộc đổ bộ mạnh mẽ vào “láng giềng gần”
Yu Yongding, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc cho hay, Trung Quốc phụ thuộc quá lớn vào thương mại thế giới. Nếu như ở Mỹ và Nhật, thương mại chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội, thì ở Trung Quốc tỷ lệ này là 75%. Chính bởi vậy nên khi kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, sức mua giảm sút thì các doanh nghiệp Trung Quốc đang cung cấp cho thị trường thế giới những sản phẩm giá rẻ như đồ chơi, đồ gia dụng, giày và quần áo cũng gặp khó khăn rất lớn. Tìm đường ra để giải quyết hàng tồn bằng bất cứ giá nào là chuyện sống còn đối với doanh nghiệp.
Cũng bởi thực tế này mà Việt Nam, với vị trí địa lý liền kề và dân số đông (tuy thu nhập chưa cao), là một điểm đến được Trung Quốc quan tâm đặc biệt. Đơn giản là các mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày từ đôi đũa, cái thìa, lọ đựng gia vị hay đồ gia dụng ở các chợ và siêu thị. Cao hơn là những nguyên liệu như phôi thép, phụ liệu ngành may, vải vóc, quần áo, linh phụ kiện ô tô. Cao hơn nữa là các máy móc thiết bị cho những ngành công nghiệp điện, cơ khí, xi măng… được sản xuất tại Trung Quốc dưới thương hiệu của các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc các thương hiệu nhượng quyền của các hãng nổi tiếng. Thậm chí, như TS Lê Đăng Doanh cảnh báo, đã manh nha có hiện tượng hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc được các công ty nhập khẩu liên kết với các đối tác thay đổi các chỉ dẫn xuất xứ, coi đó là hàng nhập từ các nước khác vào Việt Nam.
Hàng Trung Quốc đến với người tiêu dùng Việt Nam bằng muôn nẻo đường. Điều này đã khiến các doanh nghiệp Việt phải chấp nhận cuộc cạnh tranh không khoan nhượng. Ngành thép cũng là một ví dụ cụ thể. Cho tới nay, như ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép cho hay, thép Việt Nam có chất lượng cao nên vẫn được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng hơn thép Trung Quốc. (Chả thế mà có chuyện cách đây hai năm, thép mang thương hiệu VIS – Việt Ý của doanh nghiệp Việt Nam thực chất được sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc để giảm giá thành). Thế nhưng khi doanh nghiệp nội lơi lỏng thì hàng hóa Trung Quốc lập tức “chiếm lĩnh trận địa”. Khi các doanh nghiệp thép trong nước chú tâm sản xuất thép cây, lơ là thép cuộn thì tỷ trọng thép cuộn Trung Quốc trên thị trường đã tăng nhanh đáng kể. Theo số liệu của Bộ Công Thương, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Việt Nam từ 10,57 triệu đô-la Mỹ năm 1991 đã tăng lên tới 4,98 tỷ đô-la năm 2006, chiếm 50% tổng ngạch xuất khẩu của hai nước.
Còn giai đoạn 2001 – 2007, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc càng ngày càng lớn. TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ có một số ít và đơn điệu về chủng loại thì hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam lại rất đa dạng và phong phú cả về chủng loại lẫn chất lượng.
Trên thực tế, Việt Nam đang ở trong tiến trình công nghiệp hóa toàn diện, xây dựng cơ sở hạ tầng, cần một lượng lớn thiết bị sản xuất và vật tư. So với nhiều nước khác, nhiều sản phẩm Trung Quốc về chủng loại, giá cả và tính năng đều thích hợp với nhu cầu của thị trường Việt Nam. Theo thống kê của vụ châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), năm 2004, hàng hóa nhập từ Trung Quốc có kim ngạch tương đối lớn, gồm 32 loại trị giá 3,66 tỉ đô-la Mỹ. Trong đó dầu thành phẩm là 740 triệu đô-la, sắt thép 409 triệu đô-la, phân bón 392 triệu đô-la, nguyên vật liệu cho ngành may mặc 290 triệu đô-la, phụ tùng xe máy 92 triệu đô-la. Đó là những sản phẩm mà ngành sản xuất công, nông nghiệp Việt Nam cần.
Doanh nghiệp ta… yếu thế!
Trong khi đó, hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là sản phẩm sơ cấp, bao gồm sản phẩm khai khoáng như than, dầu mỏ, khoáng sản và hầu hết là chưa qua chế biến. Đối với nông sản phẩm thì cũng chủ yếu là các nông sản phẩm thô, chưa có thêm những công đoạn gia công để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị. Giá những sản phẩm thô này thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm đã qua chế biến. Đối với các sản phẩm công nghiệp như máy móc, thiết bị kỹ thuật thì Việt Nam lại không xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hoặc không cạnh tranh được với hàng sản xuất tại Trung Quốc. Chính bởi vậy nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc không lớn.
Chuyên gia kinh tế Trần Sỹ Chương cũng cho rằng, ở ngay bên cạnh một nước sản xuất được nhiều mặt hàng lớn với giá rẻ như Trung Quốc là “một áp lực” với các doanh nghiệp trong nước. Đó là chưa kể thực tế, cho tới giờ, với chiến lược gia công hàng xuất khẩu là chính thì các cơ quan chức năng về thương mại và thậm chí cả các doanh nghiệp cũng chưa có chiến lược rõ ràng để chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Cần nói thêm rằng, dù có muốn hạn chế sự đổ bộ của hàng hóa Trung Quốc vào thị trường nước ta bằng các hàng rào kỹ thuật hay kiện bán phá giá cũng không dễ dàng, bởi ngoài các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) thì chưa có các hàng rào kỹ thuật nào được ban hành. Còn khả năng kiện bán phá giá thì thu thập thông tin, bằng chứng làm căn cứ để xem xét cũng không dễ.
Một quan chức của Bộ Công Thương thừa nhận, thị trường nội địa ít được quan tâm trong thời gian dài nên chưa xác định được hệ thống, biện pháp kích cầu nội địa hữu hiệu. Để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng đã tính tới giải pháp hoặc là chuyển sang nhập khẩu từ một nước khác hoặc là mở rộng sản xuất trong nước và mở rộng xuất khẩu. Nhưng do sức cạnh tranh của sản phẩm Trung Quốc về các mặt – nhất là giá cả – tương đối mạnh nên việc thuyết phục các doanh nghiệp chấp nhận nhập khẩu từ thị trường khác sẽ vô cùng khó khăn.
Nhã Văn (dddn)
 

Bình luận (0)