Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Cưỡi “cào cào” xuyên thảo nguyên

Tạp Chí Giáo Dục

Mông Cổ không có những thắng cảnh sững người, không có những thành phố nên thơ, những di tích vượt thời gian, giá trị lớn nhất nằm ở chiều sâu của lịch sử và sự hoang dã của thiên nhiên…
Pành pành pành pành… mù mịt khói… rồi tịt ngúm. Planeta (xe Nga) kiểu như Minsk ở Việt Nam, là chiếc xe phổ biến nhất trên toàn cõi Mông Cổ. Tuy vậy, kiếm ra chúng trên đường phố cũng đỏ con mắt. Dân Mông Cổ giờ đây không còn chạy xe máy nhiều nữa. Nek, cậu bạn Mông Cổ là một "con ma xó", lôi chúng tôi lang thang khắp các chợ xe.  
Chạy đua với lạc đà
Gian nan thuê "cào cào"
"Thuê à? bọn tao chỉ bán chứ không cho thuê". "Bọn tao mua rồi 2 tuần nữa bán lại cho mày?". "Ờ thế thì được, vì bọn tao là cửa hàng bán xe chứ không phải cửa hàng cho thuê"… Không đủ 3 chiếc, thế là chúng tôi đi chỗ khác.
Điểm dừng chân tiếp theo là chợ trời xe máy, Planeta xưa chạy khắp nơi ở Mông Cổ, nay cũng khá khó kiếm. Chúng tôi lại theo cậu bạn Nek đến câu lạc bộ chơi xe phân khối lớn trong thành phố. Có một đống xe Cruise 400 và dăm chú xe cào cào các loại, đời từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng chúng tôi mừng húm. Trao đi đổi lại mãi, cuối cùng, các bạn Mông Cổ quyết định cho chúng tôi "mượn" xe với giá thật là mềm, chỉ đắt hơn xe Nga một chút, cái giá nằm mơ so với giá xe 120 USD đời 2008 mà nơi khác đưa ra. 
Lên đường
Lịch trình chuyến đi gồm các điểm đến, điểm nghỉ hay tổ chức hậu cần được thảo luận từ cả tháng trước khi đi. Mọi sự chuẩn bị đều tính đến tình huống đi dài ngày mà không gặp một người nào.

Dân Mông Cổ rất thích “cào cào”
Đầu tiên, chúng tôi tới thành phố Darkhan, cách Ulanbator hơn 200 km về phía bắc, là thành phố lớn thứ 2 của Mông Cổ. Chỉ ra khỏi thành phố chừng 20 km, đã là thảo nguyên mênh mông. Con đường thẳng tắp như sợi chỉ xuyên qua thảo nguyên ngút ngàn tầm mắt. Đây là con đường huyết mạch bắc – nam, nối với biên giới Nga nên khá tốt, nhựa phẳng lì. Ở Mông Cổ, ngoại trừ một vài con đường huyết mạch bắc – nam và đông – tây, nối vài thành phố lớn, còn lại hầu hết chỉ là những vệt bánh xe ô tô chạy trên trảng cỏ, ngoằn ngoèo đầy ngẫu hứng. Nhiều khi, chạy trên những con đường này, không chú ý kỹ, có thể dẫn bạn tới những hướng hoàn toàn khác mà khi phát hiện ra thì đã đi cách điểm rẽ tới cả chục cây số.
Mất tới 5 giờ để vượt qua chặng đường hơn 200 km, khi chúng tôi tới được Darkhan, đã tới hơn 10 giờ đêm. Thành phố im lặng, có cảm giác như không thấy được một bóng người. Dấu hiệu duy nhất khiến chúng tôi nghĩ là mình đã đến trung tâm Darkhan chỉ là mấy ngọn đèn đường vàng hiu hắt trong cơn mưa lất phất…  
Khám phá thảo nguyên
Hành trình của chúng tôi cỡ 3.000 km, vòng lên phía bắc, xuống phía nam rồi trở lại thủ đô, cắt ngang thảo nguyên theo những con đường tắt, nối những điểm đến nổi tiếng. Bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000 được dùng trong chuyến đi là bản đồ cũ nhưng thông tin khá chi tiết và đầy đủ. Bắt đầu từ Darkhan, chúng tôi rời bỏ đường lớn để theo đường tắt tới một địa danh nổi tiếng: Amabayasgalant Khiid.

Hành trang của chuyến đi xa
Cả bọn nhắm thẳng hướng tây lao tới. Cỏ ràn rạt dưới bánh xe và những cuộn đất đỏ ươm màu mỡ tóe sang hai bên theo vệt xe lăn. Thi thoảng một chú chuột đồng hoặc sóc thò đầu lên khỏi ổ tò mò tròn mắt nhìn, rồi lại hốt hoảng cuống quýt chạy khi xe lao tới gần. Trời cao xanh trong vắt không một gợn mây, phía dưới là những mảng xanh non mát mắt của đồng cỏ ngút tầm nhìn, không một bóng người…
Mông Cổ có diện tích gấp 5 lần Việt Nam (khoảng hơn 1,5 triệu km2) nhưng dân số chỉ 3 – 4 triệu người, trong đó tới 1/3 ở thủ đô, còn lại khoảng 1,5 – 2 triệu người sống rải rác khắp cả nước, bình quân 1 km2 chỉ có một người.

Vừa rời khỏi Darkhan, những trục trặc nho nhỏ về xe cộ đã kìm chân cả nhóm lại mất nửa ngày: Trong bộ chế hòa khí của một "chú", đặc kịt những bùn và đất; Một "chú" khác thì gãy cái giá chở hàng. Sự cố khiến chúng tôi có một bài thử nghiệm đầu tiên về việc cắm trại giữa cánh đồng. Nơi dựng trại gần một ger (lều Mông Cổ truyền thống), sát cạnh sông Orhon. Chúng tôi quây quần bên 3 cái lều được bao vòng quanh bởi 6 chiếc xe cào cào, cuộn chặt mình vào trong túi ngủ, trải mình qua một đêm thật yên bình trên thảo nguyên chỉ có đất và sao. Không có những tiếng côn trùng rúc rích, không tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy. Giấc ngủ êm đềm cứ từ từ tràn vào từng túp lều, rúc vào từng túi ngủ, để rồi lúc bừng dậy đã thấy những tia nắng ấm áp của một ngày mới, không gian mênh mang chợt hiện ra ngay trước cửa lều… 

Sông Orhon cách thành phố Darkhan chừng 20 km về hướng tây. Không có cây cầu nào khả dĩ để vượt sông mà GPS lại chỉ đường phải băng qua sông. Chúng tôi hỏi từ GURRR – nghĩa là cái cầu, nhưng không ai chịu hiểu. Cuối cùng, đành lấy giấy ra vẽ… Khi đến nơi, té ra nó không phải là cầu mà là… phà, thảo nào! Đây là một cái phà không cần động cơ, chỉ dùng hệ thống ròng rọc và sức chảy của dòng sông để đẩy.  
Hành trình du mục
Cơn mưa bất chợt ập đến trên cánh đồng… Chỉ một vài mảng mây xam xám lờn vờn trên không, xung quanh vẫn nắng chan hòa, rồi bỗng dưng mảng mây xám nhẹ ấy trùm lên ngay khoảnh thảo nguyên, rồi nước rắc xuống. Không có chỗ trú, chúng tôi cuống cuồng phóng xe, những giọt nước li ti phân phất đuổi theo… Và trên cái xanh ngắt mênh mông ấy, chúng tôi nhìn thấy một chấm trăng trắng!

Dựng lều giữa thảo nguyên
Chấm trắng ấy là một cái ger rất đặc trưng. Ngay ở những thành phố lớn, bạn vẫn có thể thấy những cái ger được dựng cạnh các tòa nhà 5 – 6 tầng. Còn ở miền quê thì ger chiếm tới phân nửa.
Người ta quây một khoảng đất bằng một cái khung tròn làm từ gỗ nhẹ, quấn xung quanh bằng nhiều lớp nỉ lông cừu, dựng một lò sưởi giữa lều có cái ống khói cao vút lên, ger hình tròn để chống chọi với những cơn gió mạnh từ phương bắc, hay với cái lạnh kinh người tới -40 độ C vào mùa đông. Mái của ger rất thấp, cửa ra vào rất bé, chỉ vừa một người lách qua, quay về hướng nam. Một cái ger diện tích chừng 15m2 dựng lên chỉ trong vòng một ngày.
Bước vào trong chiếc ger, chúng tôi được một gia đình nho nhỏ Mông Cổ tiếp đón. Chị vợ, đẹp và phúc hậu, nói được một chút tiếng Anh, trông giống người Nhật hay Hàn Quốc, đối lập với anh chồng thô ráp và hai đứa trẻ con tò mò nhìn người lạ. Cuộc sống trong nhà xem ra rất đơn giản. Chính giữa là một chiếc lò sưởi, xung quanh là những chiếc giường đơn kê vòng quanh vách lều, không có tủ bàn, khoảnh sàn bé teo giữa lò sưởi và giường là khu sinh hoạt chung của cả nhà. Trên vách, treo đầy những dây pho-mát sấy để dự trữ cho mùa đông. Gia chủ rót mời khách phương xa một cốc koumiss -sữa gia súc, có thể là sữa ngựa đã để hơi chua chua. Món đặc sản sữa chua này không dễ xơi, nhưng lại là tình cảm quý của người Mông Cổ dành cho chúng tôi… 
Thăm tu viện Amarbayasgalant Khiid
Amarbayasgalant Khiid xây dựng vào thế kỷ 18, trong thời kỳ nhà Mãn Châu, là một trong ba tu viện Phật giáo lớn nhất ở Mông Cổ, trông na ná những ngôi chùa mà chúng ta có thể nhìn thấy ở Trung Quốc. Dù vậy, nó cũng là một trong những công trình kiến trúc còn được giữ lại từ thời cổ của đất nước này. Đầu thế kỷ 20, tu viện đã là một thư viện, kho tàng sách vở, tư liệu, kinh kệ nhà Phật lớn hàng đầu ở Mông Cổ. Thế nhưng biến cố lịch sử trong những năm cuối thập niên 30 thế kỷ trước đã tàn phá hầu hết những gì nó đã tích trữ được…

Tu viện Amarbayasgalant Khiid
Chiều tà tà, những tia nắng cuối cùng nghiêng bóng trên những vách tường, ô cửa lặng lẽ của tu viện. Một nhà sư nép mình bước dưới bóng đổ xiên xẹo của những mái nhà cong vút, nơi đã từng có tới 2.000 nhà sư tu hành. Tu viện u tịch như một chốn không người. Vẻ quạnh hiu càng được đè nặng với bóng đêm rộng lớn đang lan dần từ khe núi phía đông bắc.
Đêm nay, chúng tôi không phải cắm trại ngoài cánh đồng mà được ở trong một khu lều Mông Cổ, nằm gần tu viện. Quanh tu viện có một vài khu nhà nghỉ, cũng giống như nhiều nơi khác, phần lớn là lều. Lều được dựng nguyên trạng như của người dân, chỉ khác là nó sạch sẽ hơn. Toilet, nước nóng… là một dãy phòng vệ sinh công cộng riêng ở ngoài.  Giá phòng ở đây cũng khác, bao gồm luôn các bữa ăn. Và như thế, phải trù tính xem mình ở lại mấy đêm, ăn mấy bữa thì người ta mới biết đường mà tính.
Nhiệt độ ngoài trời xuống tới suýt soát 0 độ, dù vẫn đang mùa hè. Bên trong lều, hơi lửa ấm rực lên, đêm dần trôi qua thật ấm áp….
Bài & ảnh: Vũ Tùng / TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)