Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cười để nhớ

Tạp Chí Giáo Dục

Phi Phụng và Hoài Linh trong một tiểu phẩm châm biếm chuyện xả rác – Ảnh: H.K

Sắp tới đây, bà con quần chúng tại các nhà ga, bến xe, trạm chờ xe buýt, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, nhà hát, khu phố… sẽ được cười hả hê với những danh hài trong các tiểu phẩm vui nhộn. Nhưng cười rồi suy gẫm và tránh né, nếu không muốn bị… phạt!

TP.HCM đang phát động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhiều hình thức tuyên truyền đã và đang được phổ biến. Sắp tới đây sẽ có một kiểu tuyên truyền rất bắt mắt, bảo đảm có hiệu quả cao. Đó là “bản quyền” của Phòng Văn hóa – Thông tin Q.1, vừa được UBND quận đồng ý cho thực hiện, chỉ chờ ngày phát hành. Một DVD gồm 7 tiểu phẩm hài do đạo diễn Phùng Nguyên viết và dựng với thành phần nghệ sĩ tham gia gồm Hoài Linh, Hoàng Sơn, Việt Anh, Minh Béo, Kiều Mai Lý, Mạc Can, Phi Phụng, Trung Dân… sắp ra mắt.

Nội dung tiểu phẩm phê phán chuyện xả rác nơi công cộng, tiểu bậy ra hè phố, chạy xe không đội mũ bảo hiểm, chạy xe ngược chiều, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, ăn nói thô tục, dữ dằn… Mỗi vấn đề đều kèm theo một biện pháp xử lý, mức phạt, khiến người xem phải “nhớ” mà thôi! Nhưng với tài nghệ của các danh hài, khán giả thấy sự “giáo dục” này rất dễ chịu, dễ tiếp thu. Thử tưởng tượng chương trình này nếu được phát thường xuyên tại các địa chỉ nói trên, sẽ có biết bao nhiêu người xem và chắc chắn sẽ “mưa dầm thấm lâu”.

Người nảy ra ý tưởng này là chị Hồ Thị Vinh, nguyên Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Q.1. Chị ấp ủ ý tưởng hơn một năm trời mới triển khai được, chạy xin kinh phí Nhà nước lẫn tài trợ của mạnh thường quân. Thậm chí khi tiền chưa kịp rót xuống, chị vận động anh em trong cơ quan và chồng con ở nhà cho mượn trước. Ai cũng vui vẻ hỗ trợ vì thấy tâm huyết của chị, thấy chủ trương đúng, thấy chất lượng nghệ thuật tốt. Chị còn mấy dự án nữa cũng muốn tuyên truyền theo kiểu này, nhưng lo lắng không biết làm sao có kinh phí. Như tuyên truyền về ứng xử văn hóa và trật tự vệ sinh an toàn đối với 5 đối tượng: cán bộ công chức, nhà trường, khu dân cư, xe ôm, hàng rong.

Thiết nghĩ, chúng ta có thể góp tay để có nguồn vốn mà “tái sản xuất” những chương trình sau, bằng cách mỗi đơn vị, mỗi khu phố, siêu thị, bến xe, chợ… mua giúp một DVD thì 1.000 đĩa sẽ thu về một khoản tiền không nhỏ. Với giá khoảng 50.000đ, không là gì so với “túi tiền” của mỗi đơn vị. Đó là cách chúng ta xã hội hóa sản phẩm, chứ không thụ động ngồi chờ kinh phí hoặc chờ tài trợ của doanh nghiệp. Các vấn đề tuyên truyền như trên đều có lợi cho tất cả chúng ta, thì ngại gì mà không góp sức?

Hoàng Kim (Theo TNO)

Bình luận (0)