Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cuối năm 2009: Cấm xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ I: Hiểm họa từ xe tự chế

Hiểm họa rập rình từ những chuyến xe tử thần như thế này!

“Sống sót” sau nhiều lần bị “tuyên án”, số phận của những chiếc xe ba bốn bánh tự chế vẫn chưa biết “chết” lúc nào. Và thông tin “cấm lưu thông” cứ lởn vởn trước mắt nên chủ các phương tiện này chạy bừa với tâm lý “chạy được ngày nào hay ngày đó”. Khắp thành phố, đội quân ba bốn bánh tự chế này chạy bạt mạng, chở hàng quá khổ, quá tải. Hiểm họa đang nấp sau những chuyến xe… như vậy!
Hung thần đường phố!
Việc cấm loại phương tiện này lưu thông chỉ là sớm hay muộn. Hiểu rõ điều này, các chủ phương tiện này không dại gì bỏ tiền bảo trì, sửa chữa chiếc “cần câu cơm” mà họ biết chắc chẳng còn “câu” được bao nhiêu ngày nữa. Điều đáng nói, vì tâm lý trước sau gì cũng bị “trảm” nên chủ xe này cứ chạy bạt mạng, chở hàng cồng kềnh, quá tải. Sáng 17-2-2009, hai xe ba gác máy chở tôn như hai tên lửa phóng từ hướng quốc lộ 13 băng qua cầu Bình Triệu, Bến xe Miền Đông, chạy dọc các đường Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm… Suốt đoạn đường dài, hai “tên lửa” này vừa gầm rú ầm ĩ vừa lấn tuyến, giành đường với các phương tiện khác khiến người đi đường một phen hú vía. Trưa ngày 10-2-2009, một xe ba gác máy cũ kỹ chất đầy tre trúc chạy hướng từ đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức băng qua cầu Bình Triệu về hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Xe chạy đến đâu, khói đen ùn ùn bay ra, tài xế chạy hết ga hết số, người thanh niên đứng trên thành xe la hét ỏm tỏi khiến người đi đường phải vội né xa chiếc xe này ra. Chiều ngày 20-2-2009, tại quốc lộ 13 phường Hiệp Bình Phước, một xe lam cũ nát ì ạch kéo “núi hàng” đồ sộ từ hướng cầu Bình Triệu về hướng cầu vượt Sóng Thần. Tuyến đường quốc lộ 13 luôn đông các loại phương tiện qua lại, nhiều xe có trọng tải lớn lưu thông. Đặc biệt, tuyến đường này luôn có nhiều công nhân đi lại. Không hiểu sao xe lam chở hàng cồng kềnh ấy vẫn cứ “hiên ngang” chạy trên quốc lộ 13 mà không thấy lực lượng CSGT ngăn chặn? Không chỉ quốc lộ hay các tuyến đường ngoại thành, đường Cách Mạng Tháng Tám chạy dọc các quận Tân Bình, quận 1, quận 3… là tuyến đường trọng điểm của thành phố, lúc nào xe cộ cũng đông đúc. Tuy vậy, tình trạng xe ba bốn bánh tự chế cũ mèm, chở hàng quá tải, quá khổ, chạy lạng lách là khá phổ biến. Chiều ngày 2-3-2009, trên đường này, bốn người đàn ông chất trên chiếc ba gác máy cũ nát vừa lạng lách, len lỏi trong dòng xe cộ đông đúc vừa nẹt bô ầm ầm, khói thải mù mịt. Cả bốn người trên xe trông rất hả hê khi chiếc xe “tử thần” của họ “đua” cùng các phương tiện khác. Đề cập đến loại phương tiện sắp “tuyệt chủng” này hẳn người dân thành phố ai cũng ám ảnh bởi đội xe thu gom rác. Các xe gom rác tập kết đầu đường Phổ Quang, Tân Bình cũng cũ nát và phóng bạt mạng chẳng kém các xe ba gác chở hàng thuê. Nhưng, khiếp nhất có lẽ là các xe ba bốn bánh tự chế lưu thông ở các quận Bình Tân, Tân Phú. Bởi tại các quận này rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, tái chế, gia công hàng hóa. Vì thế, xe ba gác máy, xe lam là phương tiện vận chuyển được sử dụng rất nhiều.
Sắp thành phế liệu nên không cần sửa chữa
Chiều 24-2-2009, một xe lam nát như tương chất đầy nhóc hàng phế liệu chạy… ngất ngưởng qua chợ Ông Quéo trên đường Ấp Chiến Lược rồi vòng vèo qua nhiều con đường đông đúc xe cộ thuộc phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân trước khi chạy về hướng kênh Nước Đen. Trên nóc xe hai người ngồi vắt vẻo như đang thách thức tử thần. Cũng khu vực này, chiều 10-3-2009, một xe lam chất hàng như đống núi, đến nỗi chỉ thấy hàng mà không thấy xe đâu hết. Đã vậy, hàng được cột sơ sài nên lệch hẳn một bên, xe chạy mà không biết sẽ lật lúc nào. Cứ thế, xe ì ạch chạy dọc đường Tân Kỳ Tân Quý, Ấp Chiến Lược rồi chạy dọc theo đường Gò Xoài, Bình Hưng Hòa A, Bình Tân. Xe chạy đến đâu khói đen mịt mù đến đó, tiếng động cơ rát tai, tiếng nẹt bô chát chúa. Rất nhiều phương tiện trên đường phải né xa, hoặc nép vào lề để xe này đi thật xa hoặc tăng tốc chạy thật nhanh để tránh tai họa bất ngờ từ chuyến xe tử thần này.
Đặc điểm chung của loại phương tiện này là cũ kỹ, hết hạn sử dụng, người lái hầu hết không có giấy phép lái xe. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường (khí thải, tiếng ồn…) mà nguy cơ gây ra tai nạn từ các phương tiện tự chế này là rất cao. Miễn xe còn chạy được thì cứ chạy chứ không ai bỏ tiền ra bảo trì, sửa chữa “cần câu cơm” mà mình không biết sẽ còn “câu” được bao lâu nữa. Cũng xuất phát từ tâm lý “trước sau gì cũng cấm, bán phế liệu được mấy đồng” nên dân chạy xe ba gác máy, xe lam cứ chạy bạt mạng, chạy cả vào đường cấm, đường một chiều và không ngán chở hàng quá tải, quá khổ để kiếm thêm tiền. Xui xẻo bị cảnh sát giao thông (CSGT) thổi lại, họ sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Không chỉ người chạy xe… tử thần này đối phó, ngay cả lực lượng CSGT dường như cũng ngán những phương tiện này. Bởi, khi bắt lại, chủ xe nhanh chân chuồn mất, lực lượng CSGT không biết làm gì với chiếc xe ba bánh mục nát, đem về cũng không biết để vào đâu. Vì thế, xe ba gác máy, xe lam là hung thần đường phố.
Công Việt

Bình luận (0)