Đến cuối năm 2025, TP.HCM sẽ hoàn tất bồi dưỡng năng lực số cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành (hơn 81.000 người).
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn triển khai tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành (tiểu học, THCS, THPT, đơn vị trực thuộc) phù hợp cho từng đối tượng.
Dự kiến, công tác bồi dưỡng sẽ được triển khai từ tháng 10-2024, hoàn thành vào tháng 12-2025.
Cạnh đó, 30% cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng chủ đề nâng cao.
Trong đó, cán bộ quản lý được bồi dưỡng kiến thức nâng cao về chuyển đổi số; chuyển đổi số trong quản lý giáo dục; xây dựng và quản lý các dự án chuyển đổi số; tư duy sáng tạo và đổi mới; nền tảng số trong trường học.
Giáo viên được bồi dưỡng kiến thức nâng cao về chuyển đổi số; chuyển đổi số trong quản lý giáo dục; hạ tầng công nghệ thông tin; tư duy sáng tạo và đổi mới.
Với nhân viên là kiến thức nâng cao về chuyển đổi số; hạ tầng công nghệ thông tin; tư duy sáng tạo và đổi mới.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, các lớp đào tạo, bồi dưỡng sẽ được triển khai theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Số lượng không quá 150 học viên/lớp, lớp chuyên đề nâng cao không quá 100 học viên/lớp. Thời lượng của mỗi chủ đề đào tạo không dưới 30 tiết/Modun (45 phút/tiết).
Riêng các chủ đề đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số, thời lượng trực tuyến có thể đạt 50% số tiết.
Chủ đề đào tạo kiến thức nâng cao, thời lượng đào tạo trực tuyến không quá 30% số tiết.
Khi kết thúc mỗi Modun, thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành của học viên. Trong đó 30% là điểm chuyên cần, thảo luận; 70% qua bài khảo sát, đánh giá mức độ cuối mỗi Modun. Học viên không đủ điều kiện đạt, sẽ thực hiện bồi dưỡng lại.
“Kết quả bồi dưỡng sẽ là tiêu chí xem xét, đánh giá theo Nghị quyết 08/2023 của HĐND TP về quy định chi thu nhập tăng thêm và cũng là tiêu chí để bình xét thi đua ngành giáo dục” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP thông tin thêm, kinh phí thực hiện đào tạo bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ sẽ được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.
Nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên thực hiện theo Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30-3-2018 và Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31-1-2023 của Bộ Tài chính để thực hiện việc thanh, quyết toán kinh phí các lớp bồi dưỡng theo đúng quy định đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác.
Nguồn kinh phí huy động từ nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn tài trợ hợp pháp khác. Nội dung và mức chi từ những nguồn kinh phí này được thực hiện theo các quy định hiện hành.
Được biết, việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng số cho giáo viên năm học 2024-2025 được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai nhằm thực hiện hiệu quả đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành giáo dục thành phố giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn TP.HCM”.
Yến Hoa
Bình luận (0)