Trong ảnh là hai nhân viên đang tiếp thị và bán sản phẩm (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T |
Dịp cuối năm, những kẻ lười lao động mượn “đạo”… kiếm tiền lại hoạt động rầm rộ dưới mác của những nhân viên của trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, các nhóm từ thiện đi bán hàng, quyên góp tiền làm từ thiện.
Nhân viên bán hàng từ thiện dỏm
Gần đây, một số trường học trên địa bàn TP.HCM xuất hiện người tự xưng là nhân viên của hội người mù, nhóm từ thiện… đến bán hàng gây quỹ từ thiện. Các mặt hàng dùng để bán làm từ thiện rất phong phú, từ bàn chải đánh răng, tăm xỉa răng, sổ tay, bút, tập, sách… Giá cả các mặt hàng này được bán với giá cao hơn so với giá thị trường gấp 3 đến 4 lần.
Thời gian qua, trước cổng một số trường CĐ-ĐH cũng xuất hiện không ít người đi thành từng nhóm (khoảng 3 đến 4 người) tự xưng là nhân viên của các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật trên địa bàn TP.HCM đi quyên góp tiền để làm từ thiện. Họ ăn mặc khá chỉn chu, đồng phục quần Tây, áo trắng, nam nữ đều có thắt caravát chẳng khác nào nhân viên công sở thứ thiệt. Anh Nguyễn Thành Hải, bảo vệ Công ty Du học Thăng Long (quận 1, TP.HCM) cho biết: “Khoảng một tháng trở lại đây, ngày nào cũng có một, hai nhóm bán hàng làm từ thiện đến chào hàng là quần áo, vải vóc, mỹ phẩm… Suốt cả buổi sáng họ năn nỉ tôi cho vào công ty để chào hàng, tôi nhất quyết không cho liền bị cả nhóm văng tục. Khi nghe tôi gọi điện báo công an địa phương thì bọn chúng bỏ đi như chạy”. Theo anh Hải, những người bán hàng đều có trang bị thẻ đeo (có ghi tên tuổi, dán ảnh và cơ sở từ thiện). Tuy nhiên, khi đề nghị cho xem một số giấy tờ cần thiết để chứng minh thì họ lại lảng tránh sang chuyện khác hoặc tìm cớ vọt lẹ.
Không chỉ bán hàng để làm từ thiện, hiện nay còn xuất hiện một vài nhóm giả danh người của hội này, nhóm từ thiện kia đến các chợ để “khóc” với tiểu thương. Chị Hạnh Dung (tiểu thương chợ An Đông, TP.HCM) kể: “Hầu như ngày nào cũng có người đến vận động quyên góp tiền, nói là để chăm lo tết cho người già neo đơn và trẻ em nghèo. Để việc mua may, bán đắt, cũng như nghĩ rằng thay vì phải đi chùa chiền thì cứ gửi 10-20 ngàn đồng. Không ít người đòi hỏi có biên nhận thì đều nhận chung câu trả lời như đã chuẩn bị từ trước: “Các dì, các cô quyên góp trên 100 ngàn mới có biên lai”. Điều đáng nói, khi bị từ chối mua hàng họ cứ ngồi thừ ra đó chẳng khác nào nằm vạ, thậm chí nài nỉ, van xin vì “cơm ăn, áo mặc cho những mảnh đời bất hạnh nên chúng em mới làm thế này”. Anh Nguyễn Chí Nguyện, tình nguyện viên của nhóm từ thiện “Vì cộng đồng” nói: “Những kẻ mượn “đạo”… kiếm tiền hoạt động rất tinh vi, họ theo dõi rất sát các chương trình hành động của các nhóm từ thiện. Từ đó họ lấy thông tin để đi quyên góp. Không ít mạnh thường quân phản ánh về trưởng nhóm mới tá hỏa vì có người giả danh đi quyên góp tiền bỏ túi”.
Cần cảnh giác
Theo phản ánh của nhóm sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, chúng tôi có mặt tại một quán nước gần trường lúc sinh viên vừa tan học chiều. Biết chúng tôi đang tác nghiệp, chị chủ quán nước nói: “Bọn này là bọn lừa đảo chứ chẳng phải nhân viên từ thiện chi hết. Chẳng qua bảo vệ ở các nhà ga, bến xe đuổi thì chúng đến các trường học bán hàng với giá cắt cổ, lừa sinh viên nhẹ dạ cả tin thôi”. Chị này tiếp: “Này nhé, cái đồng hồ Casio giá thị trường chỉ có từ 120 đến 150 ngàn đồng, ở đây tụi nó bán lên đến 250 ngàn, mà có khi đó là những chiếc đồng hồ đểu có giá từ 20 đến 25 ngàn đồng bán đầy rẫy ở khu Lăng Ông Bà Chiểu đấy”.
Thầy Thích Đại Thành, trụ trì chùa Phước Lợi (huyện Bình Chánh) cho biết: “Cuối năm, lợi dụng lòng tốt của nhiều người, có không ít kẻ lười biếng lao động lại mượn “đạo”… kiếm tiền gây mất uy tín của các tổ chức tôn giáo. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã lên tiếng phản ánh một nhóm người đội lốt thầy tu đi khất thực mưu sinh nhờ vào lòng tốt của người khác. Kể từ đó, những kẻ mượn đạo kiếm tiền chuyển sang lĩnh vực khác, hoạt động kín đáo hơn bằng cách giả danh nhân viên bán hàng làm từ thiện để hòng qua mắt cơ quan chức năng”.
Nguyễn Thanh
Bình luận (0)