Càng gần cuối năm, thị trường hàng hóa có mức luân chuyển tương đối lớn do nhu cầu của người dân càng tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng lậu, hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp. Theo đó, từ nay đến hết ngày 29-2-2024 là cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Đường do Thái Lan sản xuất nhập lậu vào Việt Nam bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị bắt giữ
Để thị trường hàng hóa trong đợt cuối năm, trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lành mạnh và an toàn, ngày 8-11, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ký ban hành Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngay sau đó, cục QLTT các tỉnh, thành trong cả nước cũng đã ban hành kế hoạch cao điểm chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Trong đó, lực lượng QLTT các địa phương đều tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Các nhóm hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm gồm: sữa chế biến, bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, đường, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại…
Chưa Tết, pháo lậu đã… “nổ”
Mới đây, ngày 24-11, tại địa bàn xóm 2, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Đội QLTT số 11 – Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm Hình sự – Ma túy – Môi trường, Công an huyện Yên Thành tổ chức khám tang vật là 5 thùng xốp của ông H.D.Th. Qua đó phát hiện trong 5 thùng xốp chứa 85 hộp pháo do nước ngoài sản xuất, bên ngoài có hình ảnh pháo hoa nổ với tổng trọng lượng 127,1kg.
Tại thời điểm khám, ông Th. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô pháo nêu trên. Theo đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ số pháo nói trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hàng điện tử, điện lạnh cũng là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong thời điểm cuối năm. Theo đó, nhiều đối tượng nhân dịp này đã tuồn hàng lậu vào Việt Nam để bán cho người tiêu dùng. Cụ thể, từ ngày 13 đến ngày 17-11, các đội QLTT số 2, 3, 4 và 5 – Cục QLTT tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (PC03) – Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra đột xuất chi nhánh Công ty cổ phần Kho vận và dịch vụ hậu cần BFY (số 1, đại lộ Độc Lập, KCN Sóng Thần, P.An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chi nhánh đang đóng hàng điện tử, điện máy vào 2 container loại 40 feel với tổng số 986 sản phẩm là hàng điện máy, điện tử (máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, máy lọc không khí, quạt điện…). Tại thời điểm kiểm tra, đại diện chi nhánh công ty chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Theo đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số lượng tang vật để tiếp tục xác minh làm rõ.
Biến xe khách thành xe tải để chở hàng lậu
Thay vì chở khách như thông thường, dịp cuối năm này chở hàng lậu nhiều tiền hơn nên ông Tr.Ph.B. (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã dùng xe khách để chở hàng hòng qua mặt lực lượng chức năng. Tuy nhiên, hành vi của ông đã bị lực lượng chức năng phát hiện…
Theo đó, tối 21-11, Đội QLTT số 7 – Cục QLTT tỉnh Quảng Bình phối hợp với Tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Quảng Bình khám xe ô tô khách mang biển kiểm soát 47B-020.XX do ông B. điều khiển. Qua khám phương tiện, nhận thấy xe khách không chở khách mà đã được hoán cải để chở hàng hóa. Cụ thể, để qua mặt lực lượng chức năng, các ô kính trên thân xe được dán decal tối màu, phần lớn số giường nằm trên xe được tháo bỏ và thay vào đó là những bao, thùng hàng…
Sau 2 ngày tiến hành kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện tổng cộng 6.270 đơn vị sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể: 261 đơn vị sản phẩm áo, quần các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Burberry, Chanel, Adidas, Nike, NY, Puma đang được bảo hộ tại Việt Nam; 1.390 đơn vị sản phẩm áo, quần, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô các loại sản xuất tại nước ngoài là hàng hóa nhập lậu; 4.619 đơn vị sản phẩm áo, quần, ốp điện thoại, thực phẩm, phụ tùng ô tô các loại là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đội QLTT số 7 đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để tiếp tục xử lý. Trị giá lô hàng ước tính hơn 400 triệu đồng.
“Chơi lớn”, ông Tr.V.Tr. (tỉnh Thanh Hóa) còn sử dụng cả xe đầu kéo rơ moóc để vận chuyển hàng lậu. Cụ thể, ngày 15-11, trên quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên, Đội QLTT số 1 – Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát số 36H-000.XX rơ moóc 36R-025.XX do ông Tr. điều khiển, ông Tr. cũng là người quản lý hàng hóa.
Qua kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 5 mục hàng gồm: 2.000kg bột uống tăng lực hiệu ExtraJoss, loại 4g, Product of Indonesia; 600 chai nước uống collagen loại 50ml, nhãn bằng tiếng nước ngoài; 180 gói nước uống tinh chất nhau thai heo hiệu Excelity, nhãn bằng tiếng nước ngoài; 200 cái công tắc điều khiển không dây made in China; 240 chai dầu lăn xoa bóp hiệu Hisamitsu, loại 85ml, nhãn bằng tiếng nước ngoài.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Tr. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo, nhãn hàng hóa không đúng theo quy định của pháp luật. Theo đó, Đội QLTT số 1 đã tạm giữ để điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
Tại Quảng Trị, lực lượng chức năng (Đội QLTT số 3 – Cục QLTT tỉnh Quảng Trị và Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 – Công an tỉnh Quảng Trị) cũng đã “tóm” được một xe đầu kéo sơ mi rơ moóc mang biển kiểm soát số 29C-5XXXX, 36R-0XXXX vận chuyển 5 tấn đường cát trắng do Thái Lan sản xuất nhập lậu, trị giá 80 triệu đồng.
TP.HCM phạt 77,5 triệu đồng do kinh doanh hàng lậu
Tại TP.HCM, ngày 14-11, Đội QLTT số 18 – Cục QLTT TP phối hợp với Công an xã Thới Tam Thôn, Công an huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại ấp Thới Tứ 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn do ông H.T.L. là chủ kinh doanh.
Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang chứa và kinh doanh 600 chai dầu gội kem bưởi, mỗi chai 650ml, không có nhãn hiệu; ngày sản xuất: 24-4-2023; hạn sử dụng: 24-4-2026 do Thái Lan sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không có thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm; không có số lô sản xuất; chưa qua sử dụng; không có hóa đơn, chứng từ và không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Trị giá hàng hóa vi phạm là 96 triệu đồng. Đội QLTT số 18 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Ngày 23-11, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.T.L. về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định với tổng số tiền phạt là 77,5 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Đức Việt
Bình luận (0)