Không biết công việc có suôn sẻ đến những ngày giáp Tết không? |
Bữa cơm trưa nhà anh Hùng không có thịt, cá như mọi hôm, chỉ có một đĩa rau muống, tô nước rau luộc làm canh và vài con khô sặc là thức ăn chính. Anh Hùng giải thích: “Còn hai công trình nữa tưởng là khởi công trong Tết, ai dè chủ thầu nghỉ ngang…”.
Bị nghỉ Tết sớm!
Vợ chồng anh Hùng từ Tiền Giang lên TP.HCM từ năm 2003. Anh Hùng làm thợ hồ ngày công đủ trang trải tiền thuê nhà, ăn uống và gửi về quê nuôi đứa con đang học tiểu học. Chị Bích vợ anh cứ đều đặn mỗi tuần đạp xe lên quận Bình Tân để nhận vải về may gia công, cuối tuần lại đạp xe đi giao. Anh lo tiền nhà, điện nước, tiền ăn học cho con còn chị lo tiền chợ búa. “Thế mà đã hơn nửa tháng nay tôi phải ăn bám của vợ, cũng may vợ tôi chi tiêu dè xẻn nên có dư, bây giờ có mà xài chứ không cũng đói trơ miệng”, anh Hùng nói.
Tôi tìm đến khu nhà trọ nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) nơi vợ chồng anh Hùng đang ở trọ. Vừa dừng xe trước cổng, một người phụ nữ to béo tay chống nạnh, mặt hầm hầm, quát lớn: “Tao cũng đói chứ có no đủ gì, thương tụi bay thì ai thương tao, nợ mấy tháng trời rồi chứ có ít đâu”. Thấy có người lạ đến, bà chủ nhà càng lên nước chửi cho đã miệng. Đón tôi vào nhà, anh Hùng bảo: “Gần đây mấy công ty làm ăn thất bát nên sa thải công nhân, tụi nó không có tiền trả tiền nhà. Ở đây có 10 phòng ọp ẹp, ẩm thấp trước cho thuê với giá 500.000 đồng/ phòng/ tháng nhưng dạo gần đây bà chủ đồng loạt tăng giá khiến người thuê nhà vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”. Chị Bích sốt sắng: “Sẵn bữa, anh ăn chén cơm với vợ chồng em cho vui. Chỉ có cá khô và rau muống luộc anh dùng đỡ, cứ tự nhiên đừng ngại”. Chị Bích vừa nhai vừa nói giọng đậm chất Nam bộ: “Hồi sáng có người vào đây bán dạo, thấy cá gô (cá rô) ngon ghê mà mắc quá, 30 ngàn đồng 1 kg”.
Bữa ăn của hai mẹ con chị Dung, hàng xóm của vợ chồng anh Hùng cũng chẳng khá hơn. Chị Dung trước làm lao công cho một công ty may trong Khu chế xuất Tân Thuận nhưng công ty đã cho nghỉ việc vì lý do: “lớn tuổi”. Chị Dung bức xúc: “Thà nó nói không có khả năng trả lương cho mình thì mình cũng vui, đằng này nói mình lớn tuổi không làm việc được hỏi có tức không? Nói thiệt, tui gần 50 tuổi rồi chứ đi phụ hồ thì thanh niên trai tráng muốn hơn tui cũng khó lắm”. Chồng chị Dung lái xe ủi đang theo công trình ở Bình Dương cứ cuối tuần về một lần. Mọi phí sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày của chị và hai đứa con đang đi học đều trông chờ vào đồng lương của anh. “Ổng giỏi lắm, tui thấy cực bảo tụi nhỏ nghỉ học nhưng ổng nhất quyết không chịu. Mà tụi nhỏ ham học lắm, cũng may là học ở quê chứ trên này chắc cũng không có tiền đóng”, chị Dung nói.
“Căn nhà trọ nằm đơn độc trong khu ao cá thuộc phường Tân Thuận Tây (quận 7) thời gian trước cứ vào mỗi cuối tuần là bạn bè kéo đến tiệc tùng rôm rả, bây giờ yên ắng lạ thường”. Bà Tuyết bán hàng nước ở đầu hẻm vừa nói thì một bác xe ôm đính chính ngay: “Có gì mà lạ, lúc trước tụi nó còn làm ra tiền, bây giờ đứa thất nghiệp, đứa bị đuổi việc… thì lấy đâu ra tiền mà ăn nhậu. Tiền nhà mỗi đứa không quá 250 ngàn đồng/ tháng còn không có mà trả nữa là…”.
Và chạy… trốn
Trước những khó khăn chồng chất, việc bám trụ hay “chạy” khỏi thành phố là đề tài “nóng” mà không ít công nhân đưa ra bàn tán. Hoàng Chuyền (thợ hồ, quận Tân Bình) nói: “Về quê qua Tết rồi tính chứ cứ nằm đây chờ việc thì càng thâm nợ. Mà khổ nỗi, có việc làm mà gặp mưa gió thế này, ngày làm ngày nghỉ thì càng chết”.
Dãy nhà trọ 12 phòng được xem là “hoành tráng” nhất của bà Tám Ù nằm trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) từ hai tháng trở lại đây bỗng nhiên trống huơ trống hoắc, chỉ còn có vài phòng có người ở. Bà Tám Ù buồn rầu nói: “Năm nay bị sao quả tạ chiếu hay sao ấy, tự nhiên mấy tháng cuối năm lại lần lượt dọn đi hết”. Còn ông Ba, hàng xóm của bà Tám Ù có 3 phòng trọ nhưng mới đây có 2 phòng rủ nhau “biến” giữa đêm khuya mà ông không hay biết. “Thấy tụi nó không có tiền ăn tui không đành đòi tiền nhà, 2 phòng với 8 đứa, mỗi đứa 250 ngàn đồng chứ có ít đâu, còn tiền điện nước nữa, giờ tui phải nai lưng ra trả tiền điện tiền nước”, ông Ba thở dài.
3 công nhân ở phòng trọ của chị Sương (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) cũng đã “chạy” khỏi nơi tạm trú nhưng lịch sự hơn, có chào hỏi đàng hoàng. Chị Sương kể: “Bữa đó tụi nó nói với tôi rằng tiền nhà tụi nó không có trả, bà chủ vui lòng nhận các món đồ tụi nó để lại như bếp gas, tivi, đầu máy, nệm, thậm chí là chiếc xe đạp… Nói chứ ai nỡ lòng nào lấy đồ đạc, đứa nào cũng xa quê, làm ăn lúc này lúc khác nên tôi xí xóa, mai mốt tụi nó giàu có không chừng lại đến tìm trả tiền cho mình”.
“Bài toán” đưa vợ con ra công trình ở được anh Nguyễn Thanh Hồng (thủ kho vật liệu xây dựng, quê Đồng Tháp) đã thực hiện ngay từ đầu mùa mưa năm nay. “Cực chẳng đã mới để vợ con ra đây ở, mưa gió khổ lắm nhưng nhờ vậy mà mỗi tháng tiết kiệm được 700 ngàn đồng”.
Còn anh Thường chủ nhà trọ ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh vẫn chưa hết giận, kể: “Thuê nguyên căn nhà của tôi có 4 đứa, cứ mỗi lần thấy khệ nệ khuân vác đồ đi thì tụi nó bảo thằng đó về quê. Rồi hôm sau thằng khác cũng vậy, trong nhà còn lại một đứa mình cũng yên tâm, ai dè, tối lại nó lẻn đi hồi nào không hay. Tiền thiếu mình không bao nhiêu nhưng thà nói một tiếng, đằng này… Không lẽ có mấy trăm ngàn mà mình đi báo công an thì phiền phức quá”.
Trần Tuy An
Anh Hoàng Chí Cường, Công an xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết, gần đây trên địa bàn xã xuất hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản ở các khu nhà trọ và tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Một số công nhân xây dựng thất nghiệp, không có tiền trang trải cuộc sống nên túng quẫn làm liều, hiện nay công nhân sống ở các công trình này đây mai đó, không khai báo tạm trú nên rất khó quản lý. |
Bình luận (0)