Một cửa hàng bán đồ giảm giá trên đường Lê Văn Việt (ảnh chụp tối 16-1) |
Hơn một tuần nay, nhiều cửa hàng kinh doanh tung ra các đợt bán hàng giảm giá đến bất ngờ để thu hút người tiêu dùng. Nhiều người đã mua được những bộ đồ ưng ý, giá rẻ nhưng cũng lắm người phải chịu không ít sự bực mình khi đến với những cửa hàng giảm giá cuối năm.
Giật mình giá rẻ
Tọa lạc ở những vị trí khá đẹp, trên đường Lên Văn Việt (Q.9), Võ Văn Ngân (Thủ Đức), Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng… các quầy hàng được tổ chức theo kiểu lộ thiên, nằm sát ra mặt đường để thu hút “thượng đế”. Quần áo được đổ đống trên sạp với đủ các chủng loại, từ quần áo thun, sơ mi đến các loại áo ấm. Điều hấp dẫn nhất đối với người tiêu dùng chính là giá cả. Chỉ với 35.000 đồng, khách hàng có thể sở hữu một chiếc áo thun, hay áo sơ mi với giá “siêu rẻ” lại nhiều mẫu mã để lựa chọn nên lúc nào những khu vực này cũng tấp nập người ghé mua. Dù đã hơn 8 giờ tối, nhưng cửa hàng giảm giá trên đường Lê Văn Việt (Q.9) vẫn nườm nượp khách. Cầm trên tay nào là áo sơmi, váy, áo thun, quần jean… Chị Trần Thị Mai – hớn hở khoe: toàn bộ số quần áo đó đều là hàng giá rẻ đến mức phải “choáng”! Áo thun nữ chỉ 29.000 đồng/chiếc, sơmi nữ mới tinh chỉ 49.000 đồng/chiếc. Sốc hơn nữa là hai áo thun dành cho bé gái khoảng 10 tuổi may bằng vải cotton có giá chỉ 19.000 đồng, hay hai áo thun nam giá 56.000 đồng… “Mấy món đồ này được giảm giá 80%. Mỗi chiếc mình tiết kiệm được cả trăm ngàn đồng”. Chị Mai nói tiếp: “Theo kinh nghiệm của mình, săn hàng giá rẻ không nên mua ở những điểm bày bán búa xua đủ hiệu mà chỉ nên mua của những doanh nghiệp sản xuất có tên tuổi một chút. Như thế sẽ an tâm về chất lượng và không lo bị lừa giảm giá ảo. Mấy món hàng này đều ở cửa hàng của doanh nghiệp VN”. Còn một “tín đồ” shopping khác là chị Thu Trang – nhân viên văn phòng cũng khoe mới tiết kiệm được khá nhiều vì mua được một bộ váy giá giảm hơn 50%. Thu Trang cho biết thêm, chỉ cần chịu khó đi lùng ở các phố thời trang như: Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Tri Phương, Cách Mạng Tháng Tám thế nào cũng tìm được những địa chỉ mua hàng giá rẻ mà vẫn đẹp đến hoa mắt. Vừa tấp vô một quầy giày dép đang “đại giảm giá” trên đường Lê Văn Sỹ, Bùi Thị Nhung – SV năm 3 khoa Ngữ văn Trường ĐH KHXH&NV – ngạc nhiên nói: “Thật khó tin là một đôi giày da mới tinh, da bóng mịn nhưng giá chỉ 120.000 đồng. Trước đây tôi cũng mua giày da ở cửa hàng này, giá một đôi tương tự là 320.000 đồng”. Các mẫu mới liên tục được cập nhật. Với mức giá khá mềm như trên, các cửa hàng đã thu hút được sự chú ý của những thượng đế thích hàng đẹp, thời trang và giá rẻ. Không chỉ săn hàng thời trang giá rẻ, nhiều chị em phụ nữ còn chịu khó chen lấn để mua được đồ dùng gia đình dịp Tết. Một số xe chở hàng gia dụng gồm: nồi, chảo nhôm, chậu, rổ rá bằng nhựa… được xổ ra bán ngay lề đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây chủ yếu là hàng “made in Thailand”, “made in China”. Giá rẻ hơn khoảng 20% nhưng so với hàng nội thì màu sắc không đẹp bằng.
Coi chừng giá rẻ
Thương hiệu “made in Viet Nam” gần đây đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người tiêu dùng trong nước. Mặc dù có xuất xứ là hàng bị lỗi, hàng xuất khẩu tồn kho nhưng hàng mang thương hiệu Việt lại có ưu điểm giá rẻ. So với hàng Trung Quốc hay hàng gia công, sản phẩm “made in Việt Nam” vẫn được đánh giá cao hơn về chất lượng, kiểu dáng vì được may theo đơn hàng và tiêu chuẩn của nước ngoài. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng trước khi bước vào gian hàng giảm giá của thương hiệu này. Song khi trực tiếp “nâng lên, đặt xuống”, lựa chọn từng sản phẩm nhiều người mới vỡ lẽ: Tiền nào của ấy! “Quần áo đổ đống trộn cả lên, tơi tả chẳng khác gì đồ đã qua sử dụng. Có cái chất lượng cũng còn khá tốt, nhưng có cái cũng đã ố vàng, tuột chỉ. Mãi mới tìm được kiểu dáng ưng ý thì lại không có cỡ vừa với mình, cái thì nhỏ quá, cái thì lại to quá” – chị Lan than thở sau một hồi hì hục chọn lựa. Điều khiến chị Lan và nhiều khách hàng khác phiền lòng hơn là sự mập mờ về nguồn gốc. Bên cạnh những sản phẩm ghi rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn có những sản phẩm không có nhãn mác trà trộn trong đống quần áo ngồn ngộn. Nếu không để ý, người tiêu dùng không những mua phải hàng nhái mà bị còn mua hớ. Để “hút” khách, các cửa hàng đã không ngần ngại tung ra đủ hình thức khuyến mãi với mức giá giảm, lên tới 80% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, nếu để ý người ta dễ nhận thấy “chiêu” đánh tráo đang được nhiều cửa hàng sử dụng. Ví dụ như trưng biển giảm giá hoành tráng nhưng khi khách hàng thanh toán mới cho biết mức giảm giá chỉ được áp dụng cho một số mặt hàng nhất định. Có cửa hàng gây sốc hơn khi trưng biển “thanh lý toàn bộ cửa hàng trong 5 ngày với giá bán duy nhất” nhưng thực tế, cả chục ngày sau cửa hàng vẫn còn tồn tại để bán hàng thanh lý?
Mất tiền, tốn thời gian lại chuốc thêm bực mình vào thân, nhưng đối với người tiêu dùng mua được hàng tốt mà giá rẻ luôn là mong ước. Vì vậy, hình thức khuyến mãi, giảm giá dù bộc lộ nhiều bất cập nhưng vẫn có “đất” để tồn tại. Để tránh phải nếm trái đắng, người tiêu dùng không còn cách nào khác là phải cẩn thận khi quyết định đến với hàng giảm giá.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bình luận (0)