Nhiều năm rồi, người phụ nữ này tha hương cùng gánh tàu hủ. Và tết là dịp họ mong đợi được trở sum họp cùng gia đình… Ảnh: Mê Tâm |
Những ngày giáp tết, đâu đó ở Sài Gòn, những người phụ nữ miền Trung xòe tay đếm từng ngày mong cho đến tết, cũng đồng thời đếm từng đồng bạc lẻ thấm đẫm mồ hôi.
Nhịp đời xuôi ngược…
Trên bất kỳ nẻo phố Sài Gòn, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ miền Trung trĩu gánh trên vai với tiếng rao đặc giọng Trung bộ: “Tàu hủ đây! Ai tàu hủ không?”. Tôi cũng bắt gặp những gánh tàu hủ ấy mỗi ngày đi ngang qua ngõ. Quen đến nỗi nhiều hôm tới giờ mà chưa nghe thấy tiếng rao là lòng lại ngóng chờ. Lần nào gánh tàu hủ đi qua, cô cũng dừng lại ngay trước ngõ. Hôm thì tôi được cô múc cho một chén thật đầy, khi lại được ăn tàu hủ miễn phí. Những khi ấy, cô cứ nhất định không lấy tiền: “Lâu lâu, để cô bao con…”. Trong tôi xúc động khó tả. Sau mỗi chén tàu hủ là không ít mồ hôi, công sức nhưng lại chẳng có bao nhiêu đồng lời. Gom góp cả ngày bán được trên dưới trăm ngàn. Hôm nào mưa gió, số tiền kiếm được cũng vơi đi. Chừng ấy, chi phí cho các khoản tiền điện, nước, thuê phòng… chẳng còn dư là bao nhưng so với công việc ở quê cũng khá hơn nhiều. Cô Trần Thị Kim Phượng (Tư Nghĩa – Quảng Ngãi) không sao quên được cảm giác xót xa đến quặn lòng vào ngày cô rời gia đình vào Sài Gòn khi đứa con trai chỉ vừa dứt sữa mẹ. Những ngày đầu, đêm nào nước mắt cũng theo niềm mong nhớ kéo về. Có đêm, người mẹ tội nghiệp ấy không thể nào chợp mắt được. Nghĩ đến sự vụng về của người chồng khi phải “làm mẹ” chăm sóc con, những công việc mà từ lâu đã quen thuộc về bàn tay của người phụ nữ; nhớ đến tiếng khóc của đứa con thơ vào những đêm quấy không chịu ngủ…, nhớ đến bữa cơm chiều êm ấm bên gia đình…, dòng ký ức khiến cô chỉ muốn rời bỏ Sài Gòn. Cô tâm sự: “Chẳng ai lại nỡ xa chồng con nhưng hoàn cảnh nên phải chấp nhận kiếm tiền gửi về nuôi con. Ở quê quanh năm làm gạch ngói, công việc nặng nhọc mà thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình”. Nghĩ vậy, cô gạt nước mắt, gói ghém nhớ thương tiếp tục rong ruổi gánh hàng đi bán. Ước nguyện được đoàn tụ với gia đình cô đành dặn lòng “gác” lại, đợi khi tết đến…
Sum họp gia đình
Cô Trần Thị Sương cũng ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi vào Sài Gòn ngót 5 năm nay. 5 năm, cuộc sống gia đình đúng nghĩa với cô chỉ được tính vẻn vẹn trong những cái tết. Mỗi tết, cô sum họp với gia đình được một tháng. Với những người cùng buôn gánh bán bưng như cô, khoảng thời gian đó đã là niềm mơ ước. Nhưng, để có một tháng tròn trịa này, suốt những tháng còn lại cô đã phải nỗ lực làm việc. Nhất là thời điểm sắp tết, đôi chân cô lại rong ruổi thêm nhiều góc phố, con hẻm để bán được nhiều hơn. Hai con gái cô lần lượt vào Sài Gòn học đại học. Với cô, đó là một nguồn an ủi, động viên lớn.
Có lần cô đi, đứa con út chạy ra sau vườn, lén khóc. Khi ấy, trái tim người mẹ cũng mềm. Cô hình dung đến cái ngày không xa, cô trở về bên gia đình mãi mãi, không còn thêm dòng nước mắt…
Cô Phượng bảo: Năm nay tranh thủ về sớm để được ở với gia đình lâu hơn. Ráng ở lại bán lỡ không mua được vé xe thì buồn lắm. Vì vậy mà những ngày này phải thức dậy sớm hơn, gánh tàu hủ nặng hơn, nẻo đường rong ruổi xa hơn và về muộn hơn.
Trưa Sài Gòn hắt xuống cái nắng đến rát da để rồi trong ánh nắng rực vàng ấy, bóng người phụ nữ cùng gánh tàu hủ nặng trĩu trên vai như đổ nhoài trên mặt đường. Dù nắng hay mưa… Họ vẫn bước đi. Có lẽ, người phụ nữ ấy đã thấy điều gì đó đang đợi phía trước. Như là hạnh phúc buổi sum vầy, như là nhịp bước mùa xuân…
Mê Tâm
Bình luận (0)