Hàng Tết dễ cháy trưng bày tràn ra mặt đường, dưới dây điện câu móc tạm bợ, người dân thiếu ý thức về công tác PCCC… được xác định là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ.
Hàng dễ cháy bày bán tràn ra đường |
Mất ngủ vì sợ… cháy
Theo Ban quản lý các chợ, đến thời điểm này lượng hàng về chợ dự trữ bán Tết tăng gấp 4-5 lần ngày thường, nguy cơ cháy nổ trong dịp này rất có thể xảy ra. Đại diện Ban quản lý chợ Tân Mỹ cho biết, những ngày cao điểm bán hàng Tết, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương trưng bày hàng gọn gàng theo quy định, nâng cao ý thức an toàn PCCC.
Người dân thật sự mất ăn, mất ngủ vì lo lắng khi xuất hiện những kho hàng, cửa hàng chứa, trưng bày đồ trang trí được làm bằng mút, giấy và giấy bóng kiếng. Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân ngụ đường Vạn Kiếp (P.3, Q.Bình Thạnh) chỉ tay về phía cửa hàng bán đồ trang trí Tết tại ngã ba Vạn Kiếp – Phan Xích Long, lắc đầu nói: “Nó mà bén lửa thì không có đường cứu, chẳng biết phải chạy đâu”. Không riêng gì ông Hòa, những ngày qua, bà con ở đây đều tỏ ra ái ngại khi mỗi ngày ở đây chưng ra câu đối, đèn lồng, đèn nháy, chữ trang trí… “Nguy hiểm nhất là đèn nháy, nó dễ chập điện gây cháy nổ”, ông Hòa tiếp. Kho hàng dự trữ trong khu dân cư cũng là nỗi ám ảnh của người dân khi biện pháp an toàn PCCC chỉ là hình thức, đối phó.
Cũng với mặt hàng này, các cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Triệu Quang Phục (Q.5) ngày cũng như đêm sáng rực bởi ánh đèn nháy gây sự chú ý của khách hàng trở thành nỗi lo cháy của người dân trên khu vực. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay bảng điều khiển điện, đường dây điện ở một số chợ có dấu hiệu hư hỏng, ngoài ra hiện tượng câu móc điện cẩu thả vẫn còn tái diễn, nguy cơ xảy ra sự cố là rất cao. Tình trạng này tồn tại nhiều năm ở các chợ nhiều năm tuổi như Bình Tây, Kim Biên, Hòa Hưng, Tân Định… Một số nơi đã có gia cố, thay mới tuy nhiên chưa thật sự đồng bộ.
Lo là vậy nhưng không phải cửa hàng nào cũng trang bị bình chữa cháy, hay các phương tiện, thiết bị PCCC theo quy định của hộ kinh doanh. Tâm lý của tiểu thương là cứ phải trưng bày hàng hóa càng nhiều càng tốt nên choán hết không gian, thậm chí treo, móc hàng ngay dưới đường dây điện rất nguy hiểm, hàng này sát, chất chồng lên hàng kia.
Cảnh giác mọi lúc, mọi nơi
Không chỉ ở các ki-ốt trong chợ mà các hộ kinh doanh vàng mã, nhang đèn, bao bì bên ngoài… thời gian qua lượng hàng dự trữ rất lớn, hàng chất ngay cả lối đi. Nguy cơ cháy nổ còn xuất phát từ thói quen cúng, đốt vàng mã của người dân, đặc biệt là tiểu thương. Thiếu tá Nguyễn Hải Hoàng, Phòng Cảnh sát PCCC Q.6 cho biết: “Công tác quản lý của chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì phong tục cúng, đốt vàng mã từ xa xưa không dễ bỏ, chỉ có thể tuyên truyền người dân cần thận trọng và chuẩn bị các phương án PCCC cần thiết”.
Ông Hải thông tin thêm, giám sát công tác PCCC là công tác được thành phố chỉ đạo, phối hợp với Ban quản lý chợ, địa phương thực hiện tốt, tuy nhiên, do đặc thù của từng chợ với các loại mặt hàng dễ cháy, hoặc quy hoạch, thiết kế chợ cũ chưa an toàn cũng gặp không ít khó khăn.
Ngoài việc tuân thủ các quy định về PCCC, Ban quản lý chợ cần tích cực vận động tiểu thương bán các mặt hàng dễ cháy như quần áo, vải vóc, giày dép, hàng trang trí, nệm mút… trang bị phương án PCCC, bắt buộc theo quy định. Bên cạnh đó có quy định cụ thể về kiểm tra 24/24 đối với các ki-ốt không có người ở lại, cũng như việc dự trữ hàng…
Bài, ảnh: Trần Anh
Không để chợ tạm, chợ tự phát hoạt động Những ngày này, Công ty Điện lực TP.HCM cũng đã khuyến cáo người dân cần đề phòng các sự cố liên quan đến điện. Mỗi cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp và trường học cần bố trí người trực 24/24 và tuân thủ theo các quy định dưới đây. 1. Mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định. 2. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ. 3. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. 4. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ. 5. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomat) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh. 6. Sắp xếp hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, chấn lưu đèn nê-ông, bảng điện tối thiểu 0,5m. Không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi; không dùng bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm. 7. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng. 8. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy. 9. Thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này. 10. Trang bị phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy. 11. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số máy 114. 12. Chính quyền địa phương cần có giải pháp, định hướng quy hoạch chợ, tuyệt đối không để các chợ tạm, chợ tự phát hoạt động, nhằm đảm bảo trật tự và an toàn PCCC trên địa bàn. |
Bình luận (0)