Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm cuối năm, nhiều đối tượng lừa đảo đã giăng bẫy “việc nhẹ, lương cao” khiến người lao động… sập bẫy. Để không bị lừa đảo, “tiền mất tật mang”, người lao động cần sáng suốt, tìm hiểu rõ thông tin trước khi nộp hồ sơ xin việc.
Theo các chuyên gia, tốt nhất người lao động nên đến các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để xin phỏng vấn (ảnh minh họa)
Đến tận nơi xin việc làm
Bà Nguyễn Thị Linh Thảo (nhân viên nhân sự Công ty dệt may Thái Dương Việt Nam) cho biết, mới đây một người quen của bà bị các đối tượng xấu lừa đảo lao động. Ban đầu, họ yêu cầu người này đóng phí để được làm việc ở một siêu thị lớn tại TP.HCM, nếu không làm được việc họ sẽ trả lại 50% chi phí. Tuy nhiên, sau khi đóng phí, người này đợi mãi vẫn chưa được hẹn đi làm. Khi điện thoại hỏi, họ “hẹn tới hẹn lui”, cuối cùng khóa luôn điện thoại, người xin việc mất một số tiền.
Bà Thảo cho hay, thời gian qua, bên cạnh những sàn giao dịch chính thống hỗ trợ người lao động tìm việc dịp cuối năm, có không ít kẻ lợi dụng tâm lý “việc nhẹ, lương cao” để lừa đảo người lao động khiến họ “tiền mất tật mang”. Do đó, khi có người giới thiệu việc làm, người lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin. Nếu được, người lao động nên đến tận công ty, doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, mức lương cũng như yêu cầu hồ sơ tuyển dụng. Người lao động không nên chỉ nghe những lời nói phiến diện để rồi dính bẫy lừa đảo. “Đối với những công ty, doanh nghiệp có giấy phép hoạt động, họ tuyển dụng lao động công khai minh bạch. Cụ thể, họ đăng thông tin tuyển dụng ngay trên website đơn vị, có số điện thoại liên hệ. Khi người lao động có nhu cầu, họ hẹn đến trụ sở để phỏng vấn, không thu bất cứ chi phí nào. Trường hợp lừa đảo thường yêu cầu người lao động đóng một khoản tiền trước, hẹn đến làm việc nhưng người lao động đợi mãi vẫn không được đi làm”, bà Thảo cho biết.
Theo thống kê, tại Việt Nam, số vụ lừa đảo lao động trực tuyến trong năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có hơn 1 triệu website lừa đảo mới. Những chiêu trò này không hề mới nhưng với thủ đoạn tinh vi vẫn khiến không ít người lao động sập bẫy. |
Không chỉ lừa đảo lao động trong nước, các đối tượng xấu còn lừa lao động đi nước ngoài. Bà Lê Thị Ngọc Loan (Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Công ty quốc tế Knet) cho biết, thời gian qua lợi dụng nhu cầu sinh viên sau khi tốt nghiệp có mong muốn làm việc và định cư ở nước ngoài nên những kẻ lừa đảo đã giả mạo công ty để dẫn dụ các em đi với tư cách là thực tập sinh. Đối tượng dùng lời lẽ ngon ngọt như: thực tập được hưởng lương; sau thực tập được nhận làm việc chính thức; về lâu dài, các bạn được định cư và làm việc như người bản xứ… Để có được những điều này, đối tượng buộc sinh viên phải nộp tiền, từ vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng. Khi sang nước ngoài, các em mới ngã ngửa vì mọi thứ không đúng như lời giới thiệu. Nhiều em không có chỗ ở phải liên hệ về Việt Nam cầu cứu gia đình. “Muốn đi du học hay thực tập ở nước ngoài, các bạn trẻ phải hết sức tỉnh táo, tìm hiểu rõ thông tin để tránh mắc bẫy lừa đảo. Tốt nhất, muốn đi thực tập ở nước ngoài, các em nên nhờ nhà trường hỗ trợ để không dính bẫy lừa đảo”, bà Loan lưu ý.
Phải kiểm chứng thông tin chính xác
Bà Trần Lê Thanh Trúc (Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, thời điểm cuối năm, nhu cầu tìm kiếm việc làm gia tăng. Người lao động thường có tâm lý tìm “việc nhẹ, lương cao”, không yêu cầu cao về chuyên môn. Khi có người giới thiệu công việc này, người lao động không có sự kiểm chứng, không tìm hiểu rõ công ty, doanh nghiệp ở đâu, hoạt động như thế nào. Nhiều trường hợp còn bị “sập bẫy” lao động nước ngoài thu nhập cao. Tuy nhiên, qua đó tốn nhiều tiền nhưng năng lực không đáp ứng nhu cầu công việc hoặc làm công việc không đúng như lời “có cánh” mà người môi giới nói. “Thời gian qua có những lao động từ tỉnh lên thành phố, xuống bến xe có nhiều người tới gặp gỡ giới thiệu việc làm. Do cần việc làm lại không biết phải xin ở đâu nên người lao động đã dính bẫy. Ban đầu, số tiền bỏ ra khá ít, tầm vài trăm ngàn đồng nhưng sau đó là bao nhiêu thứ tiền với lý do mua đồng phục, dụng cụ làm việc… dẫn đến số tiền tăng dần; tuy nhiên người lao động lại không có được công việc mong muốn”, bà Trúc thông tin.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin việc làm để tránh “sập bẫy” lừa đảo (ảnh minh họa)
Bà Trúc khuyên, trước khi tìm việc người lao động cần kiểm chứng thông tin. Theo đó, người lao động có thể lên trang website của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hoặc Bộ LĐ-TB&XH để tìm hiểu những công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động. Ngoài ra, người lao động cũng có thể liên hệ với các trung tâm dịch vụ việc làm công lập của Nhà nước để được hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Tại TP.HCM có 2 trung tâm đó là Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM cùng hơn 100 doanh nghiệp hoạt động có giấy phép. Điều đặc biệt, khi đi xin việc người lao động không nên đưa giấy tờ tùy thân bản gốc hoặc khoản tiền quá lớn khi chưa xác minh rõ thông tin người tuyển dụng. “Theo quy định tuyển dụng, nhà tuyển dụng không được lấy giấy tờ tùy thân bản gốc mà chỉ lấy bản sao để kiểm chứng thông tin. Khi bắt đầu vào công việc họ mới yêu cầu người lao động cung cấp bản gốc để đối chiếu với giấy tờ đã nộp”, bà Trúc cho biết.
Đối với sinh viên mới ra trường, bà Trúc lưu ý, những em muốn tìm việc làm có thể liên hệ nhà trường để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, các em có thể liên hệ với cơ quan Nhà nước ngay tại địa phương mình sinh sống để tìm việc làm. “Nhiều sinh viên ra trường tự cho mình có học vấn nên phải tìm công việc lương cao, xứng với năng lực. Tuy nhiên, việc gì các em cũng cần những thử thách ban đầu. Do đó, các em phải làm những công việc từ đơn giản đến phức tạp. Như vậy cơ hội việc làm của các em mới bền vững, không có việc gì thuận lợi, suôn sẻ, lương cao ngay từ đầu”, bà Trúc nói.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Bình luận (0)