Những ngày gần tết, tại TP.HCM, liên tiếp xảy ra những vụ trộm cướp táo tợn.
Trộm bẻ khóa lấy 20 triệu đồng của một người bán hủ tíu dành dụm cả năm trời, trộm đột nhập nhà nữ đại gia ở khu biệt thự cao cấp, lấy cắp bộ nữ trang trị giá 2,5 tỷ đồng. Trên đường, các băng cướp dàn cảnh va quệt xe hoặc dùng hung khí tấn công, cướp tài sản.
Sơ sẩy ra là mất của
Anh Vũ Duy Phương – làm nghề đánh bắt cá và vớt trùn chỉ, sống trên nhà ghe ở chân cầu Bến Phân, đường Thống Nhất, P.15, Q.Gò Vấp – rầu rĩ: “Tôi mới dựng chiếc xe trên bờ kênh, bước lên ghe vài phút, quay ra thì không thấy chiếc xe đâu. Lúc đó, tôi chết lặng, chẳng biết phản ứng sao”. Anh Phương cho biết, tài sản bị mất là chiếc xe máy anh mượn của người thân để đi công chuyện, giờ không biết xoay đâu ra tiền để đền. Anh đã lên công an phường trình báo nhưng không mấy hy vọng.
Đối tượng mặc đồng phục GrabBike bẻ khóa, lấy chiếc xe máy ở xóm nhà ghe gần cầu Bến Phân, Q.Gò Vấp vào dịp gần tết dương lịch 2019 – Ảnh cắt từ camera |
Theo hình ảnh từ camera an ninh, kẻ lấy trộm xe máy của anh Phương là một thanh niên cao khoảng 1,7m, mặc đồng phục của hãng Grab. Chiếc xe đậu cách đường Thống Nhất chừng 40m. Vụ trộm diễn ra trong tích tắc, cách thức bẻ khóa cho thấy kẻ trộm rất “thạo nghề”.
Một nạn nhân khác cũng khốn khổ không kém là anh N.V.Đ. – quê ở tỉnh Quảng Ngãi, sống bằng nghề bán hủ tíu gõ, ở trọ gần chợ Phú Định, P.16, Q.8. Tối 12/12, sau khi dọn hàng, anh Đ. nằm ngay cửa chính phòng trọ để ngủ. Đến sáng, ngủ dậy, anh Đ. phát hiện mình bị mất chiếc túi xách trong đó có số tiền hơn 20 triệu đồng và một chiếc nhẫn vàng. “Tôi nghĩ mình nằm ngủ ngay sát cửa thì không ai dám vào phòng trộm đồ. Không ngờ, chỉ một vài phút sơ sẩy mà số tiền tôi dành dụm cả năm qua mất trắng. Tôi định đi báo công an nhưng bà chủ trọ sợ phiền phức, nên thôi” – anh Đ. buồn bã.
Anh Lê Văn Đức – nhà ở đường Dương Bá Trạc, Q.8 – đã cất công sưu tầm nhiều hình ảnh từ camera ghi lại cảnh trộm đột nhập ở gần nơi mình sinh sống để tìm biện pháp đối phó. Một trong những vụ mà anh Đức thu thập được là vụ trộm cùng lúc 3 xe máy xảy ra tại căn nhà số 216 Dương Bá Trạc, P.2, Q.8 cách đây chưa lâu. Hình ảnh camera ghi lại cho thấy, có ba đối tượng bẻ khóa cổng vào căn nhà nói trên rồi một tên vào dắt trộm xe máy đi ra, hai tên cảnh giới bên ngoài. Một lát sau, ba tên quay lại tiếp tục dắt thêm hai chiếc xe máy đắt tiền khác.
Dùng đủ chiêu trò, ra tay táo tợn
Không chỉ ở các khu nhà trọ mà ở những khu biệt thự sang trọng, cao cấp, có hệ thống an ninh chặt chẽ, vẫn xảy ra nạn mất trộm. Cụ thể, chiều 23/12, bà T.T.S.H. – chủ một căn biệt thự trong khu Sài Gòn Pearl, Q.Bình Thạnh đi làm về thì phát hiện nhà bị trộm đột nhập, lấy đi nhiều tài sản quý trong két sắt, gồm một sợi dây chuyền vàng, mặt dây chuyền, vòng tay bằng vàng có đính kim cương, nhẫn kim cương, tổng trị giá gần 2,5 tỷ đồng.
Một đối tượng cướp xe máy của người chạy xe ôm ở Q.11 |
Theo tường trình của ông Lê Thanh Dũng – ngụ tại Q.Bình Tân – trưa 18/12, ông chạy xe ôm trên Tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân thì có một thanh niên gọi ông chở đến Q.11. Khi hai người đến hẻm 147 Thái Phiên, Q.11, thanh niên này gí vật nhọn vào lưng, yêu cầu ông Dũng giao xe, nếu không, hắn sẽ đâm chết. Sau khi bị cướp xe, ông Dũng giằng co với tên cướp và bị ngã xuống đất. Rất may, người dân trong hẻm đã kịp hỗ trợ, tóm gọn tên cướp. “Thông thường bọn cướp hay nhắm vào cánh xe ôm chạy đêm nhưng nay, chúng ra tay ngay giữa ban ngày. Thật táo tợn” – ông Dũng bàng hoàng.
Một cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Bến Thành cho biết, thông thường, vào dịp cuối năm, khi người dân chộn rộn chuẩn bị đón tết, nạn cướp giật cũng vào mùa: “Bọn trộm cướp hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi. Chúng có rất nhiều cách đối phó với lực lượng chức năng. Nhiều trường hợp cảnh sát giao thông truy bắt được đối tượng nhưng chúng đã kịp tẩu tán tang vật nên không xử lý được”.
Công an TP.HCM mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm Lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết, đợt cao điểm trấn áp tội phạm trước, trong và sau tết Kỷ Hợi 2019, kéo dài từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/2/2019. Các đơn vị của Công an TP.HCM tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm, nơi các đối tượng thường lợi dụng để lừa đảo, trộm cắp, móc túi, cưỡng đoạt tài sản. Công an nhiều quận, huyện của TP.HCM cũng phát động người dân tố giác tội phạm, bắt giữ đối tượng phạm pháp quả tang, tham gia cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, giúp đỡ phạm nhân được đặc xá, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. |
Ở vùng ven, ngoại thành, gần đây, các băng cướp liên tiếp ra tay. Mới nhất, theo Công an H.Bình Chánh, vào khoảng 2g30 ngày 29/12, xảy ra vụ cướp trên đường Nguyễn Cửu Phú, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh. Khi đó, ông N.H.C. – ngụ tại Q.Bình Tân – chạy xe máy qua ấp 1, xã Tân Kiên thì bị một nhóm đi trên 6 chiếc xe máy ép lại, dùng hung khí đe dọa, cướp hết tài sản.
Khoảng 30 phút sau, ông T.Q.B. – ngụ tại Q.8 – chạy xe máy ngang qua chợ Hưng Long, ấp 4, xã Hưng Long, H.Bình Chánh, cũng bị một nhóm người đi 6 xe máy áp sát, dùng mã tấu tấn công, cướp hết tài sản. Qua khám nghiệm hiện trường và trích xuất camera, cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh xác định, nhóm cướp liều lĩnh nói trên có khoảng 13 tên.
Phải dùng hung khí để… phòng thân
Trong bối cảnh trộm cướp manh động, sẵn sàng dùng hung khí gây sát thương nếu nạn nhân chống trả, trên nhiều diễn đàn, người dân bày nhau mua công cụ hỗ trợ để phòng thân. Hiện roi điện, bình xịt hơi cay được bày bán tràn lan trên mạng, trên lề đường, gọi là “dụng cụ hỗ trợ tự vệ”.
Một buổi tối đầu tháng 12, tổ tuần tra giao thông đang làm nhiệm vụ trên đường Võ Văn Kiệt thấy anh N.D.K. – ngụ tại Q.Bình Tân – điều khiển xe máy với biểu hiện lạ nên ra lệnh dừng xe, phát hiện trong ba-lô anh K. có một cây gậy ba trắc nhưng anh K. không có giấy phép sử dụng công cụ này. Anh K. khai nhận, do mỗi ngày đều đi làm về khuya trên đoạn đường từ khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) về Q.Bình Tân, sợ bị cướp giật nên lên mạng mua cây gậy này để phòng thân.
Tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ là hành vi trái pháp luật. Thế nhưng, ở nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều đối tượng lại ngang nhiên khuyến khích người dân mua công cụ hỗ trợ để tự vệ. Trên một diễn đàn, một đối tượng rao bán “móc khóa tự vệ”, có đèn pin, điện áp cao, có thể gây tê trong 5 giây mà không gây chết người. Bên dưới bài viết, có khá đông người comment (bình luận), đặt mua. Trong vai người mua, chúng tôi liên hệ với người bán tên S. thì được tư vấn: “Phụ nữ đi làm về khuya nên mang theo móc khóa này để phòng thân. Nếu đặt hàng ở TP.HCM, sẽ có giá 300.000 đồng/chiếc, nhận hàng mới giao tiền, nếu hàng hỏng, sẽ được đổi trả”.
Trên lề đường Ba Tháng Hai, Q.11, khi chúng tôi hỏi mua đèn pin thì một phụ nữ tên Hương giới thiệu: “Em mua đèn pin tự vệ phải không? Chỗ chị có hàng độc nè”. Nói xong, bà Hương rút trong giỏ ra một chiếc đèn dài khoảng 30cm, chiếu sáng rất yếu. Bằng một thao tác vặn, bà Hương có thể kéo chiếc đèn pin dài ra hơn 60cm, tạo thành chiếc gậy, bên trên có gai cứng, có thể làm vũ khí sát thương. “Cái này, mỗi ngày chị bán cả chục chiếc, người ta mua mang theo đi đường ban đêm, khi gặp chuyện, có thể rút ra làm dụng cụ tự vệ ngay” – bà Hương nói. Sau đó, bà Hương còn giới thiệu cho chúng tôi các công cụ như dao bấm, lựu đạn giả, bật lửa hình súng…
Những công cụ hỗ trợ được rao bán trên mạng hoặc bày bán công khai ở lề đường |
Những quy định về công cụ hỗ trợ Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định hiện hành, công cụ hỗ trợ bao gồm các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laser, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, còng số 8, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn. Cá nhân, tổ chức mua hay sử dụng công cụ hỗ trợ phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép. Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả, sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. |
Sơn Vinh – Hoàng Nhiên/Phunuonline
Bình luận (0)