“Một mình làm giữa đồng ma như vậy đôi khi cũng thấy buồn”, ông Tư Thép nói |
Những ngày gần tết, công việc của người làm nghề giữ mộ trở nên bận rộn hơn. Họ cặm cụi quét dọn, sửa sang từng ngôi mộ với tâm niệm xưa nay của người trong nghề: “Dù sống không biết mặt nhưng khuất rồi thì vẫn có thể gửi cho nhau chút tình”.
Tình người giữ mộ
Giữa cái nắng chang chang, ông Tư Thép vẫn khom lưng lau chùi từng ngôi mộ. Đây là công việc quen thuộc mà ông đã làm từ hơn 10 năm nay tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM). “Người làm nghề giữ mộ như tui ở khu này có trên 50 người. Bình thường ít việc phải làm thêm nghề khác kiếm sống, chứ vào dịp Tết Nguyên đán và ngày Tiết Thanh Minh thì làm không hết việc”, ông Tư nói. Ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, từng khu mộ được chia ra cho nhiều người giữ, chăm sóc. Sau khi nhận tiền công từ các chủ mộ (gia chủ người đã khuất) thì các người trông giữ khoán công việc chăm sóc mộ lại cho các thợ. Công việc của các thợ này là giữ cho mộ không bị bọn trẻ tinh nghịch đập phá, sửa sang quét dọn vào mỗi dịp Tiết Thanh Minh, Tết Nguyên đán và nhất là vào ngày giỗ hàng năm.
Ông Tư Thép từ Tiền Giang lên Sài Gòn kiếm sống được hơn 10 năm. Ban đầu ông làm thợ hồ trong các công trình xây dựng lớn. Sau đó ông được bạn bè giới thiệu đi làm nghề sửa mộ. Thấy “môi trường làm việc” ở nghĩa trang yên tĩnh hợp với mình nên ông quyết định gắn bó luôn. Từ 7 giờ sáng, ông Tư Thép bắt đầu công việc trong ngày với chiếc xe đẩy chở một thùng nước lớn. Ông cọ rửa, quét dọn lại từng ngóc ngách của phần mộ, xong rồi lại quét lên một lớp vôi để làm mới. “Làm công việc này ớn nhất là bị đạp trúng kim tiêm do mấy con nghiện vứt lại. Mỗi lần bị là chúng tôi trở về nhà lo ngay ngáy không biết có bị gì không. Sau vài tháng thấy không có biểu hiện bệnh thì mới dần dần quên đi. Hầu như ai làm công việc giữ mộ cũng đều một lần đạp phải”. Ông Tư Thép nói về những nguy hiểm luôn rình rập dưới chân người giữ mộ. Đối với ông, những ngôi mộ được chủ gửi gắm hay không gửi gắm đều như nhau. Những phần mộ quanh năm không có ai đến nhang khói hay sửa sang gì đều được ông làm mới lại. Bởi theo ông, làm nghề gì cũng có cái đạo của nghề ấy. Và đạo của nghề giữ mộ là cái tình với người đã khuất nằm sâu dưới những nấm mồ.
Đang làm việc bỗng có cơn mưa rào kéo đến, ông Tư Thép vẫn chậm rãi làm nốt công việc dở dang rồi đẩy xe vào khu nhà thờ lớn tránh mưa. Những câu chuyện quá khứ, hiện tại về nghề giữ mộ cứ ẩn hiện trong tâm trí của ông theo những giọt mưa rả rích. “Một mình làm giữa đồng ma như thế này nhiều khi cũng cảm thấy buồn. Có người hỏi tôi có sợ không, có bị ám ảnh và đêm về ngủ ngon không khi suốt ngày ở bên những ngôi mộ như vậy, tôi chỉ biết cười trừ”. Nói đoạn, ông hướng mắt nhìn xa xăm về những ngôi mộ mới quét vôi đã bị nhòe màu sau cơn mưa bất chợt. Rồi ông chợt buột miệng: “Mình chưa nằm xuống, nhưng nếu biết sau này có người trông coi mộ mình thì cũng ấm lòng”.
Tiểu đội nữ giữ mộ
Nhìn chiếc cổng lớn khu nghĩa trang vừa được sơn mới, bà Dền tấm tắc: “Ba năm mới sơn mới một lần đó. Năm nay mấy “bác” được ăn tết hoành tráng rồi”. Mấy “bác” mà bà Dền nói là những phận đời đã yên nghỉ bên trong nghĩa trang, được bà chăm sóc hơn chục năm nay. Bà tâm sự: “Cứ mỗi lần có đám ma đưa đến khu này, chúng tôi liền liên hệ với gia chủ để được chăm sóc mộ. Gia chủ đồng ý thì cho trước tiền công một năm, còn mình làm tốt thì vào những dịp như Tiết Thanh Minh, Tết Nguyên đán người ta còn thưởng thêm tùy lòng hảo tâm”. Bà Dền năm nay trên 50 tuổi, ít ai biết được rằng nhiều phụ nữ sống lang thang không nhà cửa, không việc làm đã được bà “thu nạp” về để làm nghề giữ mộ. Từ mấy năm nay, “tiểu đội nữ giữ mộ” 5 người do bà Dền làm… “tiểu đội trưởng” thuê một căn phòng nhỏ gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa nương tựa vào nhau để sống qua ngày. Chị Thanh, một thành viên trong đội cho biết: “Tôi vào làm với cô Dền được hơn ba năm nay. Trước tôi lang thang bán vé số, sau này chân đau quá không đi đâu được. May mà còn cái nghề này để mình sống qua ngày chứ cũng không biết bấu víu vào đâu”. Hằng ngày sau bữa cơm sáng, họ tranh thủ bơm nước cọ rửa, quét vôi lại từng ngôi mộ. Công việc cứ ngỡ như chỉ có cánh đàn ông mới làm được này khi vào tay họ lại được vận hành khá trơn tru. Mỗi người một việc, người xách nước, người cọ, người xối nước, người lau khô, người quét vôi… Cứ thế công việc đều đặn trôi qua, hết phần mộ này đến phần mộ khác. Những lúc rỗi việc, các thành viên trong “tiểu đội” làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, từ bán báo dạo đến bán hoa vỉa hè cho khách viếng mộ, thậm chí có người còn đi làm phụ hồ.
Chiều tà đứng giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa mênh mông nhìn những dáng người cặm cụi sửa sang từng ngôi mộ, mới hiểu hết được nỗi nhọc nhằn của người giữ mộ. Câu nói của người trong nghề vọng lại: “Sống làm người giữ mộ nhưng thác không biết mình có mộ không, hay có ai chăm sóc mộ mình không?”.
HỮU TRÍ
Bình luận (0)