Trong thời điểm cuối năm, người lao động khó tìm việc. Trong ảnh: Lao động tìm kiếm việc làm tại Ngày hội Việc làm Hoa ngữ 2008. Ảnh: H.NGA |
Người tìm việc ít có cơ hội việc làm khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhà tuyển dụng đòi hỏi khắt khe hơn…
Tốt nghiệp trung cấp ngành kế toán, ứng viên Nguyễn Hồng Hoa tìm đến Chương trình Việc làm Báo Người Lao Động đăng báo tìm việc. Nhưng gần 2 tuần trôi qua, Hồng Hoa không nhận được lời mời nào từ các nhà tuyển dụng. Không nản chí, Hồng Hoa tiếp tục đăng báo lần 2. Lần này, chị cũng chỉ nhận được vài lời mời từ các doanh nghiệp (DN) nhỏ.
Có chuyên môn giỏi vẫn khó tìm việc
“Tìm việc khó quá”- Hồng Hoa than thở. Hoa kể, cách đây hơn một năm, chị đến đăng báo, ngay sau đó đã tìm được việc làm. Lúc ấy có vài chục lời mời gởi đến và chị nhận vào làm việc tại một công ty sản xuất ở quận 4. Nay công ty gặp khó khăn, thu nhập giảm nên chị quyết định thay đổi môi trường làm việc. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình đã thay đổi. Chị chấp nhận làm thời vụ nhưng cũng không dễ có việc làm.
Là một kế toán giỏi, nhiều năm kinh nghiệm với mức lương lên đến 1.000 USD/tháng, chị Văn Thị Thiên Hương đủ tự tin quyết định thay đổi môi trường làm việc vào dịp cuối năm. Nhưng hai tháng sau khi nộp hồ sơ, chị cũng chưa tìm được việc làm mới. Chị cho biết: “Những năm trước, các DN luôn gởi lời mời đến tôi để giúp họ kết toán sổ sách, giải quyết những rắc rối về thủ tục tài chính. Nhưng lần này không thấy ai tuyển dụng”. Còn với ứng viên Trần Thị Ái, quê Bình Định, gần 2 tháng qua vẫn chưa tìm được việc làm dù chỉ là bán hàng ở các cửa hàng nhỏ tại TPHCM. Ái cho biết: “Lần trước tôi tìm được chân bán hàng ở quận 10 nhưng chỉ được 3 ngày phải nghỉ vì chủ chê không có kinh nghiệm. Tìm việc trong thời gian này sao khó quá!”.
Số lượng nhà tuyển dụng giảm 27%
Do tình hình kinh tế khó khăn, hàng loạt DN không thể mở rộng sản xuất khiến thị trường lao động càng im ắng hơn. Thậm chí, nhiều DN còn có xu hướng sàng lọc lại nguồn nhân lực khiến cho ứng viên càng mất cơ hội có việc làm. Điều này thể hiện khá rõ qua số liệu ghi nhận từ Chương trình Việc làm của Báo Người Lao Động. So với 2 tháng trước, số lượng nhà tuyển dụng giảm 27% so với năm trước.
Bà Trần Ánh Tuyết, Giám đốc nhân sự Công ty CP Quang Minh, từng tuyển dụng nhân sự tại chương trình việc làm của báo, cho biết: “Những năm trước, công ty luôn có kế hoạch về nguồn nhân lực cho năm sau. Nhưng năm nay, chúng tôi chưa nghĩ đến. Sắp tới, công ty còn cấu trúc lại bộ phận các phòng, ban, sàng lọc lại nhân sự, nhiều nhân viên không đạt yêu cầu sẽ phải ra đi”.
Ngành “nóng” đang… nguội dần
Sự “đóng băng” của thị trường lao động đã khiến nhiều ngành nghề thay đổi trong xu hướng tuyển dụng. Các ngành “nóng” như kinh doanh, tiếp thị… dịp cuối năm cũng trở nên im ắng. Nếu năm ngoái các ngành kinh doanh, marketing, ngoại thương, kế toán luôn ở tốp đầu trong việc săn lùng của nhà tuyển dụng thì năm nay đang mất dần vị trí.
Riêng với các ngành chuyên về kỹ thuật như xây dựng, điện, cơ khí trước đây vốn luôn thiếu hụt nhân lực thì hiện nay nhiều ứng viên cũng không tìm được việc làm. Ứng viên Nguyễn Văn Thành, từng là nhân viên tiếp thị cho một công ty liên doanh sản xuất hàng tiêu dùng tại quận 7, nhận xét: “Năm ngoái, chúng tôi được mời chào, săn đón vì DN thực hiện các chiến dịch đưa sản phẩm ra thị trường. Còn năm nay, những chiến dịch ấy ít dần, chúng tôi cũng… thất nghiệp”.
Số ứng viên tìm được việc làm giảm 17% Ghi nhận từ Chương trình Việc làm của Báo Người Lao Động trong tháng 11-2008, cho thấy số lượng ứng viên giảm 25%. Có 93% ứng viên nhận được lời mời các nhà tuyển dụng; trong đó có 48% tìm được việc làm (giảm 17% so với tháng trước). Phân tích theo ngành nghề cho thấy ứng viên các ngành xây dựng, điện, cơ khí… rất ít DN tuyển dụng. Ứng viên kế toán, kinh doanh cũng rất khó tìm được việc làm. |
Bình luận (0)