Bộ GD-ĐT vừa ra quyết định xử phạt hàng chục triệu đồng đối với các cơ sở chỉ được cấp giấy phép đào tạo nghề ngắn hạn nhưng lại liên kết với các ĐH nước ngoài để quảng cáo, tuyển sinh từ cao đẳng đến tiến sĩ. Kết quả được thông báo sáng 30/12.
Một buổi hội thảo giới thiệu về chương trình Global Diploma In Commerce của ILA tại TP.HCM – Ảnh: Facebook ILA Business school/ GDVN |
Chánh Thanh tra Giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Huy Bằng ngày 29/12 đã ký quyết định thông báo các sai phạm của 4 cơ sở nêu trên, đồng thời có kiến nghị các biện pháp xử lý.
Theo ông Bằng, RAFFLES Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề với các nghề được cấp phép gồm: Thiết kế nội thất (ADID), Thiết kế tương tác Media (ADMD), Thiết kế đồ họa (ADVC), Thiết kế thời trang (ADFD) theo chương trình đã đăng ký và được Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM chấp thuận với quy mô đào tạo 100 học viên.
RAFFLES Việt Nam không được phép tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ hoặc tuyển sinh đào tạo ở cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.
Ông Bằng cũng cho biết, việc RAFFLES Việt Nam tuyển 396 học viên để đào tạo cấp độ 1,2 và 3 (cấp độ 1 với 218 học viên, cấp độ 2 là 119 học viên và cấp độ 3 là 59 học viên) là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Do đó Bộ GD-ĐT yêu cầu RAFFLES Việt Nam chấm dứt các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép để cấp chứng chỉ cấp độ 1, 2 và 3 theo chương trình CĐ của Raffles Design Institute Singapore nay là Raffles College of Higher Education Singapore (RCHE) và cử nhân của Raffles College of Design & Commerce, Sydney, Úc (RCDC) trên lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, giao Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục xem xét không công nhận các văn bằng của RCHE và RCDC đã cấp cho các học vên theo các chương trình trái phép do RAFFLES Việt Nam tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam.
Tương tự, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu ILA Việt Nam chấm dứt hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép trình độ CĐ với Martin College Úc. Đồng thời, yêu cầu Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục xem xét không công nhận các văn bằng của Trường Martin College đã cấp cho học viên theo các chương trình đào tạo trái phép do ILA Việt Nam tổ chức tại Việt Nam.
Kết luận của Bộ GD-ĐT nêu rõ, ILA Việt Nam không được phép tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ hoặc tuyển sinh đào tạo ở cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.
Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam) cũng bị chấm dứt các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép các trình độ đã ký với đối tác nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
ERC Việt Nam là Công ty TNHH một thành viên hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề, không được phép tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ hoặc tuyển sinh đào tạo ở cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.
Ông Bằng cho biết, việc xử lý quyền lợi cho các học viên tại 3 cơ sở nêu trên do RAFFLES Việt Nam, ILA Việt Nam và ERC Việt Nam hoàn toàn chịu trách nhiệm và báo cáo các cơ quan chức năng. Tổng cộng các khoản phạt với ERC Việt Nam là 80 triệu đồng. RAFFLES Việt Nam đã bị phạt tổng cộng 75 triệu đồng. Công ty TNHH ILA Việt Nam phạt 65 triệu đồng.
Riêng Viện Kế toán Quản trị doanh nghiệp (IABM) – Bộ GD-ĐT yêu cầu chấm dứt thỏa thuận với Công ty NSSDC Education Services Sdn Bdh, Malaysia và các đối tác IAU, AIU; đồng thời khắc phục hậu quả (nếu có).
IABM đã vi phạm quy định khi ký thỏa thuận liên kết với với Công ty NSSDC Education Services Sdn Bdh, Malaysia để đào tạo cử nhân, tahcj sĩ, tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Việt Nam…Trong khi chỉ được phép tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT ngành Tài chính – Kế toán, Quản trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các lớp học đã kết thúc từ tháng 11/2010 quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Vẫn theo ông Bằng, tất cả những sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo của 4 đơn vị nêu trên – Bộ sẽ gửi văn bản thông báo tới các bộ phận chức năng để theo dõi, quản lý.
Theo Kiều Oanh
(Vietnamnet)
Bình luận (0)