Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cuối tháng 12 sẽ công bố thành lập TP.Thủ Đức

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 19-12, UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM đồng chủ trì phiên họp.


Ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngày 16-11-2020, Quốc hội đã biểu quyết thống nhất cao thông qua Nghị quyết số 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

“Đây là sự ghi nhận, tin tưởng và động viên rất lớn của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội dành cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Như vậy, trong nhiệm kỳ này của UBND TP, Quốc hội đã ưu ái dành cho TP.HCM 3 nghị quyết, đó là Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM. Để Nghị quyết kịp thời đi vào cuộc sống, Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Theo Chủ tịch UBND TP, để đảm bảo Nghị định khi ban hành có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù mô hình chính quyền đô thị của TP, TP đã chủ động tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các quận trên địa bàn, từ đó tổng hợp đề xuất Ban Soạn thảo đưa vào một số nội dung trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ.

Đồng thời, để có thể lắng nghe những ý kiến, tiếp tục góp ý sâu hơn các nội dung liên quan đến thực tiễn quản lý Nhà nước ở địa phương, TP cũng mời thêm đại diện lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo UBND 19 quận (nơi sẽ thực hiện chính quyền đô thị) để thảo luận, hoàn thiện dự thảo.

Trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ chuẩn bị, TP nhận thấy cần thiết đề xuất bổ sung 1 Chương trong dự thảo Nghị định, nhằm quy định cụ thể các vấn đề là cơ sở, nền tảng cho việc thành lập TP.Thủ Đức như: Cơ cấu tổ chức bộ máy; vấn đề ngân sách của TP này để phù hợp với Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Thủ Đức. Đây cũng là cơ sở để TP chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sắp tới.

“Hiện TP đang chuẩn bị các điều kiện, chương trình cần thiết và dự kiến ngày 31-12 sẽ làm lễ công bố thành lập TP.Thủ Đức”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, đối với TP.Thủ Đức, được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức, TP đề xuất cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét thêm về số lượng phó chủ tịch UBND TP thuộc TP, có không quá 4 phó chủ tịch; các cơ quan chuyên môn thuộc TP không quá 13 phòng; số lượng phó trưởng phòng bình quân mỗi phòng là 3 người. Trên cơ sở đó, TP Thủ Đức có thể trình HĐND cùng cấp thành lập cơ quan khác phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đặc biệt TP Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học ứng dụng công nghệ cao nên cần thiết phải thành lập Phòng Khoa học – Công nghệ.

TP cũng kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung thêm các kiến nghị phân cấp quản lý một số lĩnh vực vào dự thảo Nghị định lần này, để TP có cơ sở tốt nhất cho việc tổ chức chính quyền đô thị, nhằm đảm bảo đủ năng lực, chủ động, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của TP.

Phát biểu tại phiên họp, ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin, hiện nay dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Tuy nhiên, dự thảo vẫn tiếp tục hoàn thiện để trong thời gian ngắn nhất trình Chính phủ ban hành Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ 1-1-2021 và triển khai thực hiện từ 1-7-2021.

Hiện dự thảo Nghị định có 7 chương và 44 điều, trong đó liên quan đến các vấn đề chủ yếu: tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường; tổ chức bộ máy với UBND quận, phường; chế độ công chức, viên chức khi triển khai thực hiện chính quyền đô thị, đặc biệt là các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn quận và phường; dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước khi mà quận, phường không còn tổ chức HĐND.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)