Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Cuối tuần ở Manila

Tạp Chí Giáo Dục

Thánh đường Manila

Chuyến bay TP.HCM – Manila hạ cánh xuống phi trường khi Manila đã bước vào một buổi tối cuối tuần nhộn nhịp. Cô em họ sau một hồi đắn đo đã quyết định: “Anh chị tự đi taxi về nhà em, vợ chồng em không ra đón được vì không biết anh chị sẽ xuống cửa nào”. Chúng tôi băn khoăn lắm, đến khi hạ cánh mới hiểu vấn đề, Manila luôn đặt mình trong tình trạng “chờ” khủng bố, nên chuyến bay hạ cánh mấy giờ, cổng nào… sẽ không được thông báo. Sảnh đến nơi đón chúng tôi cũng là sân ga nội địa, sơ sài còn hơn Tân Sơn Nhất nội địa, không cửa hàng miễn thuế, không máy lạnh, nhân viên cửa khẩu và hải quan mang khuôn mặt hình sự đón tiếp khách nhập cảnh

Tối thứ sáu, đường phố Manila tấp nập, những con lộ từ sân bay dẫn về 17 thành phố nhỏ thuộc tỉnh Manila đầy ắp xe cộ. Phát hiện này quả thật làm chúng tôi ngạc nhiên vì ở Hà Nội, TP.HCM chúng ta phân chia địa giới hành chính theo quận, huyện, còn ở đây, Manila lớn (Metro Manila) bao gồm Manila nhỏ (Manila cổ) và 16 thành phố khác.  

Jeepney, một trong những phương tiện công cộng ở Manila

Nơi vợ chồng em tôi ở là thành phố trung tâm về kinh tế – thương mại của Manila mang tên Makati city, cách sân bay gần nửa tiếng trên taxi. Chỉ ở Makati này, nhà cao tầng san sát, tất cả văn phòng của các hãng lớn, các ngân hàng, tổ chức phi chính phủ… đều tâp trung ở đây, tất nhiên cũng không ít những toà nhà cao tầng bỏ hoang sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997.

Chín giờ đêm, vợ chồng đứa em mời chúng tôi đi ăn tối. Khu tổ hợp thương mại và giải trí Greenbelt dường như là địa chỉ không thể bỏ qua đối với bất cứ ai lần đầu đến Manila cũng như là điểm hẹn quen thuộc của người dân địa phương. Vô số nhà hàng, quán bar, pub san sát tại khu Greenbelt 2 và 3 và cùng hướng ra khoảng sân rộng. Thực chất đó là một khu vườn nhân tạo với hồ nước uốn lượn, bởi vậy từng nhóm thanh niên không cần thiết phải chen chúc trong những nhà hàng, quán bar chật chội kia có thể mang đồ ăn, thức uống ra những khoảng trống trong khu vườn và túm tụm chuyện trò. Chúng tôi thật vất vả để “chiến đấu” hết bữa tối beefsteak khổng lồ dù đã được vợ chồng người em cảnh cáo: “Kêu ít thôi, dân Phi ăn nhiều như dân Mỹ ấy, nhìn coi, ai vòng 3 cũng to oành”.

Một trong những nét văn hoá ảnh hưởng từ phương Tây mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra là dường như khả năng hát và nhảy của họ là bất tận. Dù đi trên đường, hay trong siêu thị, quán ăn, những cô gái, chàng trai đều có thể hát vang vui vẻ, và giọng hát của họ thì thật tuyệt, tôi luôn cảm giác như cả thành phố này là một sân khấu khổng lồ. 

Một góc trong khu chợ trời ở Makati city

Sáng sớm thứ bảy, chúng tôi bị dựng dậy để đi bộ trên những con phố vắng tanh đến một khu chợ trời nằm lọt thỏm giữa những toà nhà cao tầng của Makati.

Mô hình chung của các khu chợ trời là một nửa dành cho người dân mang các sản vật địa phương từ nón lá, đồ bếp, hoa giả… đến những nghệ sĩ vẽ tranh, khắc gỗ… chọn những góc riêng để trưng bày những tác phẩm mới của mình; và một nửa dành cho khu ăn uống với nhưng con bê quay thơm nức hay từng giỏ cherry tím thẫm mời mọc. Mọi người tới chợ một phần để mua sắm những đồ gia dụng cần thiết, nhưng phần đông tới để gặp gỡ bạn bè, cùng nhau uống vại bia hay dùng bữa sáng muộn.

Rời khu chợ trời khi đã quá trưa, chúng tôi rủ nhau đón chiếc jeepney sặc sỡ để đi đến Manila cổ. Jeepney là phương tiện di chuyển rất thông dụng tại Manila, bên cạnh taxi, tàu điện ngầm, xe buýt. Đầu xe được đóng giống như chiếc xe Jeep nổi tiếng với phần đuôi dài, tưởng chừng như xe lam ở Hà Nội ngày xưa nhưng rộng và to hơn, có thể chứa hơn 15 người.

Trưa nắng chói chang, xe jeepney thả chúng tôi phía trước công viên Rizal, một công viên mở rộng hơn 60 hecta với bồn nước ở chính giữa chạy thẳng tới chân bức tượng bác sĩ Jose Rizal, người đã đứng đầu phong trào lật đổ chính quyền Tây Ban Nha từ những năm cuối thế kỷ 17.  

Một góc trong khu chợ trời ở Makati city

Băng qua khu vườn Nhật Bản (Japanese garden) yên ắng, chúng tôi tiến đến Intramuros, khu thành cổ của Manila. Con đường General Luna chạy dọc bên trong thành, có nhiều đoạn đường vẫn còn lát đá vuông vắn, giữ lại vẻ đẹp nguyên sơ của thành cổ từ xa xưa.

Đường vắng, những bức tường đá cao có giàn hoa vàng rũ bóng làm chúng tôi tưởng như mình đang lạc vào một khu thành cổ giữa lòng châu Âu. Trong thành, nhà dân chen lẫn những công trình nhà thờ, tu viện cổ, trên pháo đài, những khẩu thần công gỉ sét nằm giữa những quả bóng golf của khu sân golf được xây dựng ngay trên pháo đài.

Để kết thúc cho chuyến viếng thăm Manila ngắn ngủi, tối thứ bảy, chúng tôi được những người bạn Tây Ban Nha mới quen đưa đi xem biểu diễn những vũ điệu Flamenco nóng bỏng. Đêm Manila chưa khép lại dù chúng tôi về nhà vào lúc gần 4 giờ sáng để chuẩn bị cho chuyến bay trở về Sài Gòn vào sáng ngày hôm sau.

Linh Vũ 

Lời khuyên 

Nhà dân trong khu Intramuros

– Khu mua sắm Megamall được mệnh danh là lớn nhất Philippines và xếp hàng thứ ba trên thế giới, muốn đi hết tổ hợp shopping mall gồm hai toà nhà này bạn sẽ phải mất ít nhất là hai ngày. Bạn cũng có thể đến khu Ayala ở ngay trung tâm của Makati city. Đây là một khu tập trung đa dạng nhất các cửa hiệu tại Manila, từ cao cấp như Greenbelt đến trung bình như Glorietta hay Landmark, tuỳ thuộc vào sở thích và túi tiền của bạn.

– Các món ăn nhanh như McDonald, KFC… được đặc biệt ưa chuộng. Nếu bạn không quen với món ăn Âu, phải rất chịu khó tìm trong các khu tổ hợp shopping hoặc phải vào China town để được ăn những món phương Đông thuần tuý.

– Đừng ngạc nhiên hay lúng túng khi bạn luôn được gọi là Ma’am (nếu là phụ nữ) và Sir (nếu là đàn ông), dù bạn rất trẻ, bởi đơn giản đó là cách người dân địa phương (bất kể là người bán hàng, bác lái taxi, anh chàng mở cửa khách sạn, cô lễ tân ở văn phòng bạn đến giao dịch…) bày tỏ sự kính trọng với người đối diện.

– Và cũng đừng khó chịu khi bạn đi tới bất cứ đâu cũng sẽ bị kiểm tra túi xách, như đã nói Manila luôn đặt mình trong tình trạng báo động về khủng bố, nên dù vào ngày cuối tuần các khu mua bán nhộn nhịp đông đúc thì mỗi người đi vào đều sẽ bị (được) các anh bảo vệ kiểm tra túi xách một cách kỹ càng. Điều này sẽ gây khó chịu nếu bạn trót shopping quá nhiều phải không? Nhưng nên nhớ, tất cả đều vì tình hình an ninh chung và bạn sẽ nhận được câu hỏi rất nhã nhặn của các anh bảo vệ (dù mỗi ngày họ phải kiểm tra hàng ngàn túi xách): “Ma’am, may I check your handbag?” (Thưa cô, cho phép tôi kiểm tra túi xách)

– Khi đến Manila, ngoài việc nhập cảnh kỳ lạ, khi xuất cảnh bạn cũng nên lưu ý ra sân bay trước ít nhất là ba tiếng vì bất cứ ngày nào trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật trên đường phố cũng xảy ra kẹt xe; ngoài ra việc check-in ở sân bay cũng khá phiền phức, phải qua ba cửa kiểm tra an ninh rồi mới tới quầy check-in, sau đó là xếp hàng rất dài làm thủ tục xuất cảnh (và đừng quên mang theo 550 peso để trả phí sân bay vì phí này không bao gồm trong giá vé như Việt Nam và các quốc gia khác).

Theo SGTT

Bình luận (0)