Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Cường” không phải là “mạnh”!

Tạp Chí Giáo Dục

Đông y quy chứng cường dương là bệnh lý, hoàn toàn không phải là biểu hiện của sự mạnh mẽ về mặt tình dục hay sức mạnh của giới mày râu.
Nguyên nhân
Theo lương y Vũ Quốc Trung, trong điều kiện không có hứng thú quan hệ tình dục mà dương vật (DV) vẫn cương cứng, cương lâu, hoặc sau khi giao hợp vẫn không trở lại bình thường, Đông y gọi là cường dương. Đây là một tình trạng bệnh lý, cần được chẩn đoán, chữa trị. Trong những trường hợp này người bệnh còn có thêm các triệu chứng: DV thâm đỏ, đau buốt, tiểu tiện khó khăn, nước tiểu vàng, tiểu không ra hết, váng đầu, hoa mắt, lưng đau, chân mỏi, họng khô, mặt đỏ, sốt ruột, mất ngủ, di tinh, xuất tinh sớm, nóng ruột, dễ cáu gắt, hoặc u uất ít nói, miệng đắng họng khô…
Theo nguyên lý, thể xốp của DV bị xung huyết thì nó sẽ cương cứng lên. Những tác động thường gặp gây nên hiện tượng xung huyết chính là các bệnh như: tổn thương tủy sống, DV bị tổn thương, nhiễm trùng khối u khoang chậu, hoặc bệnh máu trắng. Bên cạnh đó, tình trạng cường dương còn có thể xảy ra do tác hại của việc sinh hoạt tình dục không điều độ, dẫn đến hao tổn thận âm, tâm can hỏa vượng; hoặc do dùng thuốc bổ thận tráng dương không đúng bài, đúng bệnh . Một nguyên nhân khác là "nhiệt ẩm hạ chú" (nóng ẩm dồn xuống dưới), ví dụ, sau khi uống rượu, hưng phấn tình dục lên cao, nếu kéo dài thời gian giao hợp, hãm tinh không xuất đến nỗi hoại tinh dồn ứ bên trong, DV không thể trở về trạng thái bình thường kèm theo triệu chứng đau rát.
Điều trị
Việc chữa trị tình trạng nói trên, theo lương y Quốc Trung, có thể áp dụng một số biện pháp như: không dùng thuốc – cần tránh thủ dâm; tránh cố nhịn (không xuất tinh) khi giao hợp; không nên dùng nhiều những thứ nóng, kích dục (như rượu, ớt, DV bò, dê, thận hải cẩu, trứng cá mực, thịt chó, thịt dê); nếu là thanh niên trai tráng không nên tùy tiện uống thuốc bổ thận tráng dương (nhân sâm, lộc nhung…); nên dùng nhiều rau xanh, ăn nhiều thứ mát như mướp đắng, dưa chuột, bí đao, mộc nhĩ đen, thịt thỏ.
Mộc thông, Chi tử và Hoàng bá – Ảnh: K.Vy
Nếu dùng thuốc, thì tùy trường hợp. Nếu do kém thận âm hoặc tâm can hỏa vượng gây ra thì có thể dùng bài thuốc gồm các vị: sinh địa 12g, hoài sơn dược 12g, sơn thù du 12g, phục linh 12g, đan bì 8g, trạch tả 10g, tri mẫu 8g, hoàng bá 8g hoặc có thêm vị: nhân trần 10g, tử thảo 8g, tử hoa 8g, thục địa 12g, địa hoàng 12g, hoàng liên 6g. Trường hợp do nguyên nhân "ẩm nhiệt hạ chú" thì dùng bài thuốc gồm các vị: long đởm thảo 12g, chi tử sao 8g, hoàng cầm 12g, sài hồ 12g, sinh địa 12g, xa tiền 10g, trạch tả 10g, mộc thông 12g, đương quy 12g, cam thảo 6g.
Nếu cường dương có kèm theo hiện tượng ứ dồn máu thì có thể dùng các vị như: đào nhân 6g, hồng hoa 6g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, thược dược 12g, địa hoàng 12g.
Nếu cường dương mà quá đau đớn, có thể dùng trầm hương 6g, ngưu tất 12g, hổ phách 6g, nhũ hương 6g, một dược 6g, xuyên sơn giáp 6g, thổ miết trùng 6g cũng có hiệu quả tốt.
(Các bài thuốc trên nấu uống ngày 1 thang chia 3 lần).
Ngoài ra, theo lương y Quốc Trung, còn có những bài thuốc kinh nghiệm khác như:
* Đậu đen 30g, cam thảo 30g, nga truật (nghệ đen) 15g, ngày một thang, sắc làm 2 lần.
* Trạch tả 30g, đan sâm 30g, mỗi ngày 1 thang, sắc làm hai lần.
* Nguyên sâm 10g, mạch đông 12g, quế 2g (cho vào sau) mỗi ngày 1 thang, sắc làm hai lần. Dùng cho người âm suy hỏa vượng.
* Cỏ mật rồng 10g, hoàng cầm 10g, hoàng bá 10g, hạt dành dành 15g, trạch tả 15g, sinh địa 12g, mộc thông 5g, cam thảo tiêu 10g, sài bồ 6g, mỗi ngày 1 thang, sắc làm hai lần. Dùng cho người can uất hóa hỏa.
Có thể dùng nấm mèo đen, đường đỏ, nấu chè ăn, hoặc dùng một ít quất diệp, rửa sạch nấu canh, cho thêm giấm vào ăn.
Thanh Tùng (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)