Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Cuồng yêu”: Kỳ cuối: Cần tăng cường giáo dục ý thức cho giới trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Luật sư Võ Đan Mạch

Đó là ý kiến của luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) khi nói về tình trạng “cuồng yêu” rồi có những ý nghĩ xấu dẫn đến hành vi tiêu cực, phạm tội.

PV: Luật sư có thể phân tích hành vi của hung thủ trong những vụ án giết người gần đây (tiêu biểu như vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)? Tâm lý tác động như thế nào đến quá trình gây án của hung thủ, thưa luật sư?

– Luật sư Võ Đan Mạch: Có những loại tội phạm vì hoàn cảnh phát sinh dẫn đến hành vi đột ngột tức là cảm xúc và diễn biến tâm lý xảy ra ngay lập tức và hành động không tính toán thiệt hơn, chưa nhận thức hậu quả pháp lý nhưng ý chí giết người thì có hiện hữu. Đây là một kiểu hành vi cũng thường thấy trong các vụ án giết người do ẩu đả, mâu thuẫn nhậu nhẹt, va quẹt giao thông… Cả bị cáo và bị hại đều không quen nhau và bị cáo cũng không dự liệu trước hành vi của mình. Có những hành vi giết người mà động cơ, mục đích đã có sẵn, được nung nấu  trong đầu và thực hiện cho tới cùng. Loại hành vi này rất nguy hiểm vì tội phạm diễn ra có tổ chức (tự bản thân hung thủ tổ chức hoặc có thêm đồng phạm). Tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện hành vi của đối tượng. Nếu tâm lý tốt, thần kinh vững vàng và hung thủ có nhận thức tích cực thì hành vi phạm tội có thể chấm dứt giữa chừng hoặc hậu quả gây ra không đặc biệt nghiêm trọng, tức là bị hạn chế hoặc tự động gián đoạn do tâm lý sợ hãi, ăn năn. Trong các vụ án nghiêm trọng gần đây, việc dùng hung khí nguy hiểm như dao, kéo… chiếm 70%, còn lại là dùng thuốc độc, siết cổ, hơi ngạt. Các vụ án xuất phát từ tình cảm đều dẫn đến cái chết nhanh chóng, bất ngờ và khó đoán.

Hung thủ trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước được nhận xét vốn là một thanh niên hiền lành, chưa có bất kỳ tiền án, tiền sự nào. Dưới góc nhìn của một luật sư, ông có thể lý giải hành động của hung thủ là do nguyên nhân nào, thưa luật sư?

Nguyên nhân chính trong vụ án này đó chính là sự ích kỉ. Điều này thể hiện thông qua diễn biến tâm lý của hung thủ. Hung thủ ý thức rõ hậu quả của việc giết 6 người là cũng sẽ bị tử hình nhưng vẫn ra tay rất lạnh lùng. Tâm lý của hung thủ khi thực hiện hành vi là đang bị tổn thương nội tâm nghiêm trọng và tột cùng đau khổ do chính sự ích kỉ, hẹp hòi trong suy nghĩ của mình.

Thưa luật sư, phải chăng quan niệm về tình yêu, hôn nhân của một bộ phận giới trẻ khá lệch lạc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gây án nghiêm trọng như thế?

– Bản thân những người trẻ thì thiếu kinh nghiệm sống nên cứ nghĩ khi chia tay là thế giới sụp đổ, sự sống ngừng lại và mọi thứ xung quanh tan biến. Đời sống trở nên vô vị từ đó nảy sinh tâm lý bất cần hoặc ghen tức rồi dẫn đến hành động nhỏ mọn, ích kỉ trả thù tàn bạo. Sở dĩ có điều này vì khi yêu nhau, lúc tình cảm hòa thuận bản thân con người tự cho mình những quyền sở hữu đối phương, muốn chiếm hữu độc quyền mà không nhận thức rõ về kiến thức pháp luật cũng như đời sống con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tâm lý hẹp hòi khi chia tay là nghĩ ngay đến chết chóc hay tự tử, giết hại đối phương rồi tự sát… Điều này chỉ xảy ra với những người suy nghĩ nông cạn, sống ích kỉ chỉ biết đến bản thân, kinh nghiệm sống thấp, lười học hỏi, thiếu sự quan tâm đến những người thân, bạn bè xung quanh, môi trường sống có phần khép kín. Họ không có những mối quan hệ xã hội mở rộng hoặc thiếu cơ hội xã giao, kết nối rộng rãi làm cho tầm nhìn bị hạn chế, tâm lý bị bó buộc dẫn đến những suy nghĩ cục bộ, tiêu cực và bất ngờ.

Thưa luật sư, để ngăn chặn và hạn chế tình trạng này có thể đưa ra những giải pháp nào căn bản nhất?

– Để hạn chế tình trạng này cần giáo dục cho lớp trẻ kiến thức về đời sống, nhất là những diễn biến tâm lý mà lứa tuổi hay gặp phải để họ chủ động nhận thức, tránh né và phòng ngừa. Tuyên truyền về kiến thức sống trong quan hệ tình cảm nam nữ là sự tự do bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Mục đích của hôn nhân không phải là trào lưu cũng không phải là vĩnh cửu không thể thay thế mà chủ yếu là sự hòa hợp của hai con người đến với nhau. Bên cạnh đó, việc giáo dục kỹ năng mềm, ý thức sống cộng đồng, biết quan tâm đến bạn bè, gia đình, xã hội, giáo dục cho lớp trẻ thấy cuộc sống rất đa dạng, có nhiều điều để cố gắng, phấn đấu, học hỏi, quan tâm cần phải đẩy mạnh. Tăng cường giáo dục ý thức cho giới trẻ để họ tự ý thức từ bỏ những ý nghĩ xấu dẫn đến hành vi tiêu cực, phạm tội. Định hướng và giáo dục cho lớp trẻ một phong cách sống lành mạnh, hạn chế tác dụng của game, phim ảnh, mạng xã hội. Hướng lớp trẻ vào các hoạt động thực hành thiết thực, gương người tốt việc tốt, các hoạt động thiện nguyện… để đưa giới trẻ hòa nhập, tránh tình trạng sống khép kín, sống tự kỉ và sống tách rời lỗi nhịp với môi trường xung quanh.

Xin cảm ơn luật sư!

Yên Hà (thực hiện)

Bình luận (0)