Không chỉ cướp giật điện thoại, những tên cướp này còn táo tợn hơn bằng thủ đoạn giả danh công an yêu cầu khổ chủ cung cấp password nhưng thực chất là để bẻ khóa và lấy cắp thông tin.
Đánh vào tâm lý của những người mất của, những kẻ cướp giật còn cả gan lừa chính nạn nhân thêm một lần nữa nhằm bẻ khóa điện thoại để bán được giá cao hơn.
‘Tức hơn cả lúc bị cướp’
Vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại cảnh bị cướp giật điện thoại iphone 6 plus trên tay một cách chóng vánh, anh T.Đ. (57 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể: “Khoảng 8 giờ tối tôi chở cả gia đình đến thăm người thân ở bệnh viện Từ Dũ nhưng đậu xe ở phía cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai để chờ”.
Sau một hồi người nhà vẫn chưa xuống nên anh Đ. cầm điện thoại đứng dựa vào xe hướng vỉa hè để đọc báo, xung quanh có nhiều bảo vệ của các cửa hàng và người qua lại.
“Đọc báo biết nhiều vụ cướp nên tôi rất cảnh giác, vậy mà trong một phút lơ là đã bị giật phăng cái điện thoại từ tay. Tôi tá hỏa chạy theo kêu cướp… cướpnhưng không ai giúp đỡ. Bất ngờ là, tên này chỉ đi một mình, lại còn chạy xe lên vỉa hè mà dám cướp khi đường có đông người đến vậy”, anh Đ. thuật lại.
Ngay sau đó, anh Đ. lấy điện thoại của người nhà gọi vào máy của mình liên tục để mong điện thoại hết pin sẽ khóa nguồn. Sáng hôm sau, khi khóa sim về thì người nhà báo lại rằng có nhận được cuộc gọi từ đầu số 08… tự xưng là công an quận 9.
Sau một hồi hỏi vòng vo thì họ hỏi điện thoại anh pass là bao nhiêu. Đến đây thì tôi nói xin lỗi cái này tôi không thể trả lời được, tôi sẽ lên phường khai báo rõ hơn, họ trách tôi là không hợp tác. Bực mình tôi nói điện thoại của tôi có định vị, các anh cứ chờ đó tôi đưa pass tới cho. Vậy là bên đó cúp máy và rút sim
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ quận Bình Thạnh)
Vì nghĩ rằng đầu số 08… là điện thoại bàn nên anh Đ. gọi lại: “Đầu dây bên đó tự xưng là công an quận 9, mới bắt được tên chuyên cướp giật điện thoại, hỏi có phải tôi vừa bị cướp không? Cướp ở đâu? Điện thoại loại gì? Mua bao nhiêu? Họ tên?… Tin tưởng là công an thật nên tôi khai hết. Xong bên đó hỏi để xác minh đây đúng là điện thoại của tôi thì tôi phải đọc mật khẩu máy, icloud, nếu đúng thì mời tôi đến nhận lại máy. Tôi đọc hết xong bên đó cúp máy tôi mới giật mình, bị lừa trắng trợn vậy mà không biết. Tức hơn cả lúc bị cướp!”.
'Kẻ cướp gặp… bà già'
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tuấn (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết anh cũng từng bị mất điện thoại và nhận được cuộc gọi tự xưng là công an để hỏi password sau đó.
Theo anh Tuấn, trong lúc đang xuống trạm dừng xe buýt ở khu vực gần cầu vượt Sóng Thần thì bị móc túi mất điện thoại iphone 6. Về nhà anh lấy điện thoại khác gọi vào số của mình sau nhiều lần thì bên kia nghe máy và tự xưng là công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức vừa bắt được một vụ móc túi trên xe buýt nhưng hẹn anh Tuấn gọi lại sau vì đang bận dẫn giải tội phạm về.
Anh Tuấn kể tiếp: “15 phút sau tôi gọi lại, vừa mới hỏi giờ tôi lên gặp các anh thế nào thì họ nói ngay là muốn hỏi sơ bộ, xong bắt đầu hỏi điện thoại của anh loại gì, mua ở đâu, bao nhiêu tiền, anh tên gì, ở đâu,… Lúc này tôi nghi nghi rồi vì làm gì có công an làm việc kiểu này nhưng tôi cứ trả lời.
Không nên cung cấp bất cứ thông tin cá nhân hay mật khẩu của mình cho người khác
Sau một hồi vòng vo thì họ hỏi điện thoại anh pass bao nhiêu. Đến đây thì tôi nói, xin lỗi cái này tôi không trả lời được, tôi sẽ lên phường khai báo rõ hơn rồi họ trách tôi là không hợp tác. Bực mình tôi nói điện thoại của tôi có định vị, các anh cứ chờ đó tôi đưa pass tới cho. Vậy là bên đó cúp máy và rút sim”.
Đừng tiết lộ password dưới mọi hình thức
Qua hai câu chuyện trên có thể thấy việc cướp được điện thoại dường như vẫn chưa thỏa lòng những “kẻ cơ hội” này. Bên cạnh đó, việc các nhà mạng tung ra đầu số di dộng 08… cũng khiến mọi người nhầm tưởng đây là số điện thoại bàn nên ít cảnh giác.
Bình luận (0)