Tòa soạnThư đi – tin lại

Cướp tràn lan, chúng ta phải khôn ngoan!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Vào thời điểm Tết, mọi người hay đi bộ, dạo phố hoặc lái xe đi chơi trên đường và mang theo giỏ xách, ba lô hoặc đeo các món đồ trang sức… Đó là món mồi ngon ưa thích của cướp giật. Đã có không ít người là nạn nhân. Chẳng ai muốn điều này, nhưng “không muốn” chưa đủ mà chúng ta còn phải biết cách đối phó.
Trường hợp đang đi bộ mà mang giỏ xách: Chúng ta nên đeo giỏ xách chéo vai, hướng vào phía trong đường, đồng thời đi sâu vào trong lề, tay giữ chặt giỏ, mắt thỉnh thoảng quan sát từ xa để phát hiện những kẻ tình nghi. Thường thì cướp giật đủ mọi loại đối tượng, nhưng đa số là nam thanh niên hoặc trung niên, hay nhìn dáo dác, hay bám đuôi theo dõi hoặc lượn lờ gần mình. Khi đó, cần tạt vào nhà dân, hàng quán bên đường ngay lập tức, đợi kẻ tình nghi đi khuất rồi tiếp tục ra đường. Trường hợp đi xe mang giỏ xách thì tốt nhất nên cất giỏ xách vào cốp xe, hoặc quấn chặt quai nhiều vòng vào cổ xe và lấy áo khoác đậy lại. Không nên đeo trên vai dù là đeo xéo vai vì rất dễ bị cắt, chưa kể nếu chẳng may bị cắt không thành, nạn nhân dễ bị kéo lê trên đường. Trường hợp đi xe mang ba lô, nhiều bạn hay để trước bửng xe chẳng khác nào mời gọi bọn cướp đến lấy. Thông thường muốn giật ba lô thì cướp sẽ phải nắm vào quai. Do đó ta tìm cách giấu quai đi bằng cách để lưng ba lô hướng về phía trước, đồng thời giấu quai mang vào khuất bên trong, còn quai phía trên nên đậy lại bằng một chiếc áo mưa đã xếp vuông vức. Hai chân chặn hai bên. Khi dừng đèn đỏ ở ngã tư đường, nên quan sát hai bên trước khi bỏ chân xuống. Nếu ba lô nhẹ nên đeo phía trước ngực nhưng cũng cần để đồ đạc quý giá vào trong cốp đề phòng trường hợp bị cắt quai. Còn trường hợp đeo dây chuyền, trang sức, phương án tốt nhất là ta nên cất nữ trang vào cốp xe. Nếu không, nên gài nút cổ, che kín vòng vàng nhẫn kim cương bằng bao tay và áo khoác. Khi không thấy tài sản, tên cướp ít chọn chúng ta làm đối tượng hơn. Lúc nghe điện thoại, tốt nhất không nên nghe ngoài đường. Nếu gặp chuyện khẩn cấp phải trả lời điện thoại thì nên ghé sát vào lề chỗ có cột điện hay gốc cây làm chướng ngại vật.
Khi bị cướp, nạn nhân thường mất bình tĩnh nên hay ú ớ không biết làm gì. Một số khác bình tĩnh hơn thì kịp tri hô. Tuy nhiên, đừng bao giờ tri hô những câu chung chung như “Bớ người ta!” vì người khác không biết mình tri hô chuyện gì. Cũng không nên tri hô đơn giản “Cướp! Cướp” vì đa số người nghe sẽ… né đường vì ai cũng sợ. Nên tri hô những câu mang tính hành động như: “Cướp! Chặn đường hắn lại!” hay “Cướp! Bắt hắn lại”. Khi đó, người đi đường sẽ có xu hướng phản ứng theo nội dung hành động bạn tri hô hơn. Đặc biệt, nếu tay lái vững, đường có nhiều người, nên vừa tri hô thật to vừa bóp còi inh ỏi làm náo loạn đường phố. Đó là cách “bắn tín hiệu cảnh báo từ xa”, may ra dân phòng tuần tra hay một số người nghĩa hiệp phía trước sẽ dùng chướng ngại vật cản xe tên cướp hoặc truy đuổi lấy lại tài sản giúp bạn.
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)