Chất lượng nguồn nước cải thiện rõ rệt, nhất là nước tại các tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tân Hóa – Lò Gốm; Tham Lương – Vàm Thuật. Dự án cải tạo kênh Tham Lương được triển khai nạo vét tuyến trục Vàm Thuật – Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên và xây dựng cống điều tiết, cải tạo cửa xả, hệ thống thoát nước mưa thì nguồn nước đã giảm ô nhiễm đáng kể. Đó là thông tin mà đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT TP.HCM) cung cấp. Tuy nhiên, để “cứu” chất lượng nước thì cần siết chặt quản lý nước thải trực tiếp ra sông rạch từ các cơ sở công nghiệp…
Kênh rạch ngập tràn rác, nước thải là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước (ảnh chụp tại kênh Thị Nghè, Q.1) |
Giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước
Hiện hệ thống thoát nước sinh hoạt của TP.HCM không còn ách tắc, tình trạng xả rác xuống kênh cũng đã giảm đáng kể. Qua kiểm tra, nhiều cơ sở sản xuất thủ công và tiểu thủ công nghiệp hầu hết đều có hệ thống xả thải đạt yêu cầu. Tuy nhiên, một số ngành nghề như chế biến gỗ, may mặc, dệt nhuộm, cao su… vẫn còn tồn tại hệ thống nước thải cũ, không đáp ứng theo quy mô mở rộng.
Cách đây chưa lâu, kênh Ba Bò xuất hiện bọt tuyết trắng phía trên mặt nước, bên dưới nước vàng đục đặc quánh kéo dài hơn 1km. Lúc bấy giờ chính quyền địa phương thừa nhận một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã lén xả thải ra kênh khi trời mưa nên đã gây hiện tượng bọt tuyết trắng. Được biết, kênh Ba Bò là một trong những kênh phải tiếp nhận hơn 10.000m3 nước thải công nghiệp/ ngày. Nay, người dân địa phương đã không còn cám cảnh vì mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và bệnh tật của con trẻ.
Dù đã được cải thiện về chất lượng, song nguy cơ ô nhiễm nặng nguồn nước đối với một TP năng động như TP.HCM là điều không thể tránh khỏi.
TS. Nguyễn Văn Hòa (Viện Môi trường và Tài nguyên quốc gia) đề xuất: TP.HCM cần có cơ chế quản lý nguồn nước khoa học, hiệu quả. Theo đó, công tác quản lý nguồn nước cần được công khai trực tuyến, công khai tên các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm. Ngoài ra cần có chế tài đối với các cơ sở sản xuất hoạt động trong khu dân cư, không có điều kiện để làm hệ thống thải mà xả tràn lan, gây ảnh hưởng nặng đến chất lượng nguồn nước và môi trường sống.
Bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên
Thực tế kiểm tra trong thời gian qua, nước thải sau khi thải ra kênh rạch có nồng độ pH, CDO, BOD cao vượt mức cho phép. TS. Nguyễn Đức Hùng (Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM) cho rằng: Hệ thống kênh rạch tại TP.HCM vừa là nơi thoát nước mưa vừa có chức năng tiêu thoát nước thải, trong đó có nước thải công nghiệp. Gần 200.000m3/ngày đổ xuống kênh rạch là nguyên nhân khiến nước mặt và tầng nước ngầm một số khu vực bị ô nhiễm nặng, tập trung nhiều ở các P.Linh Xuân (Thủ Đức), P.Phước Long (Q.9)…
Ở một số địa phương vùng ven TP.HCM, nhiều hộ dân khoan giếng lấy nước ngầm sử dụng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, nước ngầm ở những địa phương này đều không đạt quy chuẩn, nguy hiểm nhất là hàm lượng sắt trong nước rất cao.
Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cũng cảnh báo, nhiều vị trí quan trắc có dấu hiệu ô nhiễm vi sinh, là nguyên nhân gây bệnh dịch.
Tại Hội thảo Sản xuất và tiêu dùng bền vững tại TP.HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ (Phó Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM) đặt vấn đề: Làm thế nào để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng đời sống xã hội nhưng vừa bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ môi trường trong lành cho mai sau?”.
Theo đó, các nhà khoa học cho rằng, vấn đề này là thách thức của chính quyền TP và cả cộng đồng. Trong đó, chính quyền TP cần sớm có giải pháp quản lý chất lượng nguồn nước một cách khoa học, hiệu quả.
“Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các giải pháp gìn giữ môi trường trong lành cho mai sau, các doanh nghiệp tuyệt đối tuân thủ quy định, pháp lệnh về môi trường”, bà Mỹ yêu cầu.
Bài, ảnh: T.An
Bình luận (0)