PGS.TS Lương Ngọc Toản – Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (bìa phải) tặng bằng khen cho ông Trần Trung Thực
|
Tại Đại hội Gia đình – dòng họ hiếu học, cụm dân cư khuyến học lần thứ III tỉnh Lâm Đồng tổ chức đầu tháng 11 vừa qua, rất nhiều đại biểu xúc động khi trong số những gia đình hiếu học được tuyên dương, có một gia đình cựu chiến binh nghèo đã lặng lẽ nuôi 4 con học ĐH…
Để nuôi sống cả gia đình và cho các con ăn học thành danh như hôm nay, vợ chồng cựu chiến binh Trần Trung Thực đã phải vượt qua một “chặng đường dài” với bao khó khăn, thiếu thốn trong cuộc mưu sinh, lập nghiệp trên quê hương mới.
Vượt nghèo nuôi con ăn học
Suốt những tháng năm trai trẻ, ông Thực tham gia quân đội. Sau khi rời quân ngũ, ông trở lại quê cũ (Thanh Hóa) lấy vợ. Dù cả hai vợ chồng làm lụng vất vả nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng không đủ nuôi sống gia đình, không có điều kiện cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Sau nhiều năm suy tính, đắn đo, năm 1993 vợ chồng ông Thực đã quyết định bán toàn bộ gia tài lấy vài triệu đồng rồi dắt díu nhau vào lập nghiệp tại thôn 8, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ông Thực cho biết những năm đầu tạo dựng cơ nghiệp trên quê mới hết sức khó khăn, chỉ mua được vài sào đất sản xuất vừa trồng những loại cây giải quyết cái ăn trước mắt để “lấy ngắn nuôi dài”, vừa đầu tư trồng cà phê con (chưa cho thu hoạch). Ngoài sản xuất, chăn nuôi trên diện tích đất hạn hẹp của gia đình, vợ chồng ông Thực còn phải đi làm thuê, cuốc mướn cho các hộ khác trong vùng để nuôi con ăn học.
Với bản chất người lính, dù nghèo nhưng vợ chồng ông rất chú trọng việc học hành của các con, ông nhất quyết không để con cái thất học. Theo ông, con người phải có tri thức mới có cơ hội lập nghiệp và làm giàu trong thời buổi hiện nay. Vợ chồng ông thường khuyên các con phải cố gắng học tập thật giỏi và kể về những tấm gương vượt khó hiếu học, thành tài của các bậc tiền bối nổi tiếng như: Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thượng Hiền… để khích lệ các con.
Cuộc sống dù nghèo khó nhưng dung dị, thuận thảo của gia đình người cựu chiến binh này cứ lặng lẽ trôi qua. Dường như thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng, niềm kỳ vọng của cha mẹ, 4 đứa con ông rất ngoan, động viên nhau vượt khó học giỏi và lần lượt bước vào cánh cửa trường ĐH. Đến nay, người con gái đầu là Trần Thị Hiếu (sinh 1985) đã tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, hiện đang tiếp tục theo học thạc sĩ kinh tế. Con trai thứ hai Trần Danh Hiệu (sinh 1987) là sinh viên năm thứ 6 Học viện Quân y Hà Nội, nhiều năm liền đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Con trai thứ ba Trần Văn Hiểu (sinh 1989) cũng là sinh viên Học viện Quân y Hà Nội năm thứ 5, nhiều năm được tặng bằng khen về thành tích học tập. Điều đáng quý là cả ba chị em Hiếu, Hiệu, Hiểu đều được vinh dự kết nạp vào Đảng ngay trong thời gian đang học tại trường ĐH (nhờ thành tích học tập đạt kết quả cao và sự nỗ lực trong phấn đấu, rèn luyện).
Cõng con đi học
Là con trai út, Trần Công Huân (sinh năm 1993) dù thường xuyên đau yếu, bệnh tật, nhưng đã noi gương các anh chị trong gia đình, chăm chỉ học tập và suốt những năm học phổ thông, Huân luôn đạt học sinh giỏi xuất sắc của trường (nhất là môn toán). Trong năm học 2004-2005, Huân được chọn vào đội tuyển của trường luyện tập để tham dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh. Nhưng do sức khỏe quá yếu, đi lại khó khăn (trong khi từ nhà đến nơi luyện thi xa hơn 5km lại phải băng đèo dốc, lội suối…) nên sau vài lần sớm, tối đi về quá vất vả, Huân nản lòng tính không tham gia đội tuyển. Nhà không có xe máy nhưng vì thương con hiếu học, ông Thực bàn với vợ và quyết định: Sáng sớm cõng con đi, chiều tối cõng con về. Nhiều lần trên đoạn đường xa cõng con đi về, ông Thực thường kể cho cậu con trai út nghe về những tấm gương hiếu học thành tài như TS. Lê Bá Khánh Trình, GS. Ngô Bảo Châu… Chủ ý của ông là muốn “gieo” vào cậu con trai lòng say mê và quyết tâm vượt khó học tập để thành tài như bao thế hệ đi trước.
Tình yêu thương và công sức của người cha suốt những ngày tháng cõng con đến trường đã được đền đáp. Trong kỳ thi học sinh giỏi bậc THCS toàn tỉnh năm đó, Huân đã đoạt giải nhì môn toán. Và, liên tục các năm học sau đó, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH vừa qua, Huân đạt tổng số điểm 28 điểm, trở thành á khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Trước khi nhập học, em rất vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng gặp gỡ, động viên và tặng bằng khen vì đã có thành tích nỗ lực trong học tập và đạt điểm tuyển sinh khá cao (trong số các thí sinh của Lâm Đồng thi đậu điểm cao vào các trường ĐH vừa qua).
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG
Nhân dân thôn 8 rất khâm phục gia đình cựu chiến binh Trần Trung Thực không chỉ vì thành tích vượt khó, thoát nghèo trên quê mới, mà còn quý mến một gia đình có truyền thống hiếu học, biết dạy con cái lấy tri thức “làm giàu” cho bản thân, gia đình và xã hội… |
Bình luận (0)