Lập hệ thống bơm ô xy, quạt nước hay xây đảo nổi đa chức năng thì căn cơ giải quyết tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc vẫn phải là xử lý nguồn nước thải.
Nhằm kéo giảm tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM) xảy ra trong thời gian qua, nhiều giải pháp được tính đến, như lắp đặt hệ thống máy bơm ô xy, mô hình đảo nổi đa chức năng…
Tuy nhiên, giải pháp chính vẫn phải là tập trung xử lý nguồn nước thải.
Đặt bao nhiêu quạt nước, máy bơm cho đủ?
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mới đây đã đề xuất dự án nghiên cứu lắp đặt vòi bơm phun nước, máy quạt bề mặt…dọc trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Dự án này nếu được triển khai sẽ giúp tăng cường lượng ô xy hòa tan trong nước, tạo môi trường sống cho đàn cá và tạo cảnh quan ở khu vực kênh.
Đây chỉ là một trong nhiều đề xuất nhằm kéo giảm tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc thời gian qua.
PGS-TS Mai Tuấn Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết để việc lắp đặt vòi bơm phun nước, máy quạt bề mặt nước hiệu quả, cần phải có sự tính toán khoa học. Theo đó, việc lắp đặt số lượng bao nhiêu máy trải dọc suốt kênh, cần phải căn cứ vào chất lượng nước.
Để làm được điều này, cần phải có số liệu thống kê từ việc đo nồng độ ô xy hòa tan trong nước. Vì thông thường, nồng độ ô xy trong nước vào thời điểm ban ngày và ban đêm sẽ khác nhau. Thậm chí, nồng độ này còn khác nhau ở tùy từng khu vực trên kênh.
“Chẳng hạn, tại những khu vực có dòng chảy, nồng độ ô xy hòa tan trong nước đủ, thì chúng ta không cần phải lắp đặt thiết bị vòi bơm phun nước hay máy quạt bề mặt này. Nhưng còn những chỗ có dòng chảy yếu, lượng ô xy hòa tan trong nước thấp quá, nồng độ ô nhiễm cao… thì bắt buộc phải lắp đặt các thiết bị này. Chính vì thế, về căn bản chúng ta cần phải tính toán chính xác thời điểm nào có nồng độ ô xy xuống thấp để tiến hành lắp đặt máy. Có như thế, tính hiệu quả sẽ cao hơn và tiết kiệm được chi phí”, PGS-TS Mai Tuấn Anh nói.
Nguồn nước thải chưa được xử lý thì cá còn chết
Tuy nhiên, PGS-TS Mai Tuấn Anh nhận định, việc lắp đặt hệ thống vòi bơm phun nước, máy quạt bề mặt nước… dọc trên kênh chỉ là biện pháp mang tính chất phụ trợ, tính hiệu quả không cao và tốn kém chi phí.
“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong thời gian vừa qua là do nguồn nước bị ô nhiễm. Trong khi đó, giải pháp lắp đặt hệ thống máy bơm ô xy dọc theo kênh chưa giải quyết triệt để được tình trạng cá chết hiện nay. Về cơ bản, giải pháp ưu tiên hàng đầu vẫn là tập trung xử lý nguồn nước thải. Nước thải chưa xử lý còn xả ra kênh, cá còn chết”, PGS-TS Mai Tuấn Anh cho biết.
Theo ông Tuấn Anh, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng các trạm xử lý nguồn nước tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, một số giải pháp phụ trợ nhằm cải thiện nguồn nước ô nhiễm tại đây như trồng thủy trúc, cây chuối nước, chuối hoa… trên bè nổi rồi thả trên mặt nước dọc kênh cũng cần được triển khai đồng thời.
“Nếu các trạm xử lý nước ô nhiễm vẫn chưa được xử lý hết lượng ô nhiễm và thải ra môi trường nước trong kênh, thì những bộ rễ của các loại thực vật này không chỉ đóng vai trò bơm ô xy, mà còn là những giá thể giúp vi sinh vật bám vào, xử lý chất ô nhiễm hữu cơ. Mô hình kỹ thuật này được gọi là 'Đảo nổi đa chức năng', đã được triển khai trên sông Tô Lịch, Hà Nội", theo PGS-TS Mai Tuấn Anh.
"Ngoài ra, ngay dọc 2 bên bờ kênh chúng ta có thể triển khai mô hình 'Đất ngập nước kiến tạo'. Tức là chúng ta lấy nước dưới kênh để tưới cho những loại thực vật trồng ven bờ kênh. Chính những cây này sẽ vừa xử lý được nguồn nước ô nhiễm và vừa tiết kiệm được nguồn nước sạch tưới cho cây như hiện nay”, ông Tuấn Anh góp ý thêm.
Nguyễn Tiến (TNO)
Bình luận (0)