Tình trạng khai thác hải sản ven bờ tại tỉnh Khánh Hòa đang khiến nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái biển và ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch – vốn là thế mạnh của địa phương này.
Biện pháp mạnh
Tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 9.800 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có gần 1.150 tàu (chiếm 11,66%) đủ điều kiện khai thác xa bờ, còn hơn 8.660 tàu lâu nay khai thác hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng, dẫn đến nguồn lợi thủy sản tại những vùng này trở nên suy kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và thu nhập của cộng đồng ngư dân. Thời gian qua, trước tình trạng khai thác hải sản ồ ạt ven bờ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp siết chặt việc khai thác. Tuy nhiên đến nay, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao, nguồn lợi hải sản và môi trường sinh thái ven biển tiếp tục bị đe dọa. Trong các ngư trường, vịnh Nha Trang và các đầm trên địa bàn tỉnh là nơi giàu hải sản, đây chính là những ngư trường bị tàn phá nhiều nhất, dưới nhiều hình thức. Tại địa bàn Nha Trang, nơi có đội tàu thuyền và ngư dân làm nghề biển lớn, nên môi trường biển dễ bị tác động. Ngoài những tàu công suất nhỏ đang ngày đêm bám bờ khai thác với nhiều hình thức đánh bắt hải sản mang tính hủy diệt thì việc nuôi trồng hải sản không đúng quy định, nghề bẫy tôm hùm giống phát triển ồ ạt đang khiến vịnh Nha Trang đứng trước nhiều thách thức.
Những tàu thuyền công suất nhỏ bị nghiêm cấm hoạt động đánh bắt gần bờ.
Trước thực trạng trên, ngày 10-2 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh kể từ năm 2014 với nhiều quy định nghiêm ngặt về đánh bắt thủy hải sản ven bờ, nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, đảm bảo lợi ích lâu dài. Theo đó, ngư dân sẽ phải hạn chế tối đa việc khai thác hải sản trên hệ thống đầm, vịnh, vốn có giá trị lớn về mặt sinh thái, du lịch và các ngành kinh tế quan trọng khác, như các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh; các đầm Thủy Triều, Nha Phu… Bên cạnh quy định mang tính chất chung về việc tàu có tổng công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV không được khai thác hải sản ven bờ, tỉnh Khánh Hòa cấm tất cả các nghề lưới kéo (giã cào, cào sò) khai thác thủy sản tại các đầm, vịnh nói trên. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiêm cấm tất cả các nghề khai thác thuỷ sản hoạt động trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn biển Hòn Mun; cấm đặt bẫy, nhử khai thác tôm hùm giống trên vịnh Nha Trang; cấm các nghề đăng, đáy hoạt động trong đầm Thủy Triều, đầm Nha Phu. Bên cạnh đó, loại hình đánh bắt bằng “lờ dây” không được phép khai thác tại các đầm, vịnh kể trên và cả các vùng nước thuộc cửa sông, cửa lạch…
Cần giải pháp hỗ trợ cho dân
Khánh Hòa có thế mạnh về biển, trong đó phải kể đến những lợi thế của biển nằm trong quần thể vịnh Nha Trang để phát triển du lịch và điều đó đã được chứng minh qua tốc độ phát triển du lịch mấy năm qua của tỉnh. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là có hàng ngàn hộ dân đang dựa vào vịnh Nha Trang để mưu sinh, do đó, mọi quyết định của tỉnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Ngư dân Huỳnh Thanh Đạm, phường Xương Huân, cho biết việc hạn chế ngư dân khai thác hải sản ven bờ đã được nghe phổ biến khá lâu, tuy nhiên việc cấm tàu có công suất từ 20 đến dưới 90CV thì nay mới nghe. “Từ trước đến nay tôi bám biển Nha Trang để mưu sinh bằng chiếc ghe nhỏ, tương đương 20CV. Nay, việc cấm loại ghe công suất này hoạt động ven bờ thì không biết phải làm sao, trong khi gia đình không có điều kiện để sắm ghe lớn”, ông Đạm bày tỏ.
Nghề bẫy tôm hùm giống trên vịnh Nha Trang đang “rộ” lên từ 3 năm trở lại đây vì nghề này đang thu lợi nhuận khá cao. Nhiều ngư dân cho biết, do tôm hùm thương phẩm nuôi tại Khánh Hòa và Phú Yên mấy năm nay phát triển mạnh, nên nhu cầu tôm hùm giống cũng tăng. Nếu như một con tôm hùm giống cách đây 3 năm có giá khoảng 100.000 đồng nay đã tăng lên gấp 3 lần, đã vậy cung không đủ cầu. Chính vì điều này, nhiều người đã sắm thêm nhiều bẫy tôm hùm để hành nghề, khiến vịnh Nha Trang ngày càng bị vây kín. Anh Chiến, một ngư dân tại phường Vĩnh Trường cho biết, mùa biển năm ngoái anh đi biển cho một chủ ghe tại xã Phước Đồng, tuy nhiên thu nhập quá thấp nên anh ở nhà. Cách đây hơn tháng, thấy nhiều người kiếm hàng triệu đồng mỗi đêm từ nghề bẫy tôm hùm giống trên vịnh Nha Trang nên vợ chồng anh vay tiền sắm hàng trăm chiếc bẫy tôm. Theo anh Chiến, dù biết tỉnh đã cấm đặt bẫy tôm trong vịnh, nhưng đây là khu vực có nhiều tôm hùm giống sinh sống, vì miếng cơm manh áo trong thời buổi nghề biển ngoài khơi thất bát nên nhiều người vẫn cố đặt bẫy.
Việc tỉnh Khánh Hòa ban hành một số quyết định để cứu nguồn lợi hải sản và môi trường sinh thái ven bờ là chủ trương đúng. Tuy nhiên, khi những biện pháp mới được áp dụng, hàng ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Chủ trương của tỉnh là nghiêm cấm việc phát triển thêm lượng tàu có công suất nhỏ; đồng thời vận động người dân thực hiện chủ trương đã ban hành. Bên cạnh đó, chi cục đã và đang tiếp tục xây dựng các Đề án chuyển đổi nghề cho những ngư dân, nhất là những người có tàu nhỏ bị cấm và người hành nghề bẫy tôm hùm. “Trên thực tế, đã có khá nhiều hộ dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản tại những nơi đã quy hoạch, dần ổn định cuộc sống, thu nhập khá. Tỉnh kiên quyết cấm một số ngành nghề xâm phạm đến biển ven bờ, đó cũng là vì cái chung, lợi ích lâu dài… cho nền kinh tế tỉnh nhà, nhất là ngành du lịch”, ông Nguyễn Văn Đẩu nói.
VĂN NGỌC (SGGP)
Bình luận (0)