Kiểm tra trước khi cho diều cất cánh |
“Cứu hộ” diều, nghe có vẻ lạ lẫm nhưng ở những nơi thả diều vùng ngoại thành TP.HCM từ nhiều năm nay đã xuất hiện “dịch vụ” này. Biết lượng sức, không liều mình, với những kỹ thuật đơn giản người “cứu hộ” diều có thể đưa con diều gặp nạn xuống đất một cách an toàn.
“Cứu hộ” đây
Một chiều cuối tháng 4 nắng dịu, gió vờn mây, tôi mang con diều chợ (diều rẻ tiền) ra phố diều (đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7) thả. Vừa đến nơi, tôi thấycon diều cá mập đang vút cao trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem. Bỗng con diều đảo mạnh vì ngưng gió. Người điều khiển con diều thất vọng đứng nhìn diều rơi tự do và vướng vào một bụi rậm toàn cây mai dương cao quá đầu người. Từ xa, cách đó hai lô đất trống, một thanh niên chạy lại, hổn hển nói: “Cứu diều không?”. Bao nhiêu? Chủ nhân chiếc diều hỏi. “10.000 đồng”. Người thanh niên trả lời. Sau tiếng ok, người thanh niên xắn tay áo, vác theo cây sắt nhỏ đến nơi diều đáp dùng cây sắt gạt mạnh cho đám cây mai dương ngã sang hai bên. Chỉ sau hai phút, con diều trở về tay chủ của nó. Cầm tiền, người thanh niên liền quay đầu xe đi tìm diều bị nạn.
Theo người thanh niên ấy đến nơi tập trung đông người thả diều nhất. Ở đây là “đại bản doanh” của dân chơi diều chuyên nghiệp. Hỏi chuyện được biết, người thanh niên cứu diều lúc nãy là Hùng, tên thường gọi là Hùng Cồ, nhà ở quận 4. Hùng cho biết: “Trung bình mỗi chiều em cứu khoảng 5 con diều, chỉ cần cứu một con diều lớn gặp nạn là bỏ túi 50 ngàn đồng ngon ơ. Nói chung cũng tùy loại, tùy vào giá trị của con diều mà đưa ra giá cứu hộ khác nhau. Thường lũ trẻ con nhà nghèo thì mình “cứu hộ” giùm”. Hỏi chuyện cơ duyên đến với nghề, Hùng tâm sự: “Cha em cũng là tay chơi diều có số má trong thành phố. Từ nhỏ, mỗi chiều, em được cha chở đến nơi thả diều, thấy người lớn làm sao giờ làm vậy… Nói gì thì nói chứ diều mà vướng trên trụ điện, dù có trả bạc triệu cũng không ham. Nhắm cái nào mình làm được thì làm, liều mình chết thì oan mạng”.
Cách nơi chúng tôi ngồi không xa, hai thanh niên đang ngồi sửa lại con diều hình lục giác có đường kính gần 1,5m đủ màu sắc trông rất bắt mắt. Thấy tôi đến, một thành viên hỏi: “Diều của anh hả?”. Tôi chưa kịp trả lời, người này tiếp: “50 ngàn tiền chuộc”. Thì ra, con diều mà hai thanh niên này đang sở hữu là diều vừa cứu được nhưng không biết chủ nhân của nó là ai. Dũng, người đang cầm con diều nói: “Con này bị đứt dây đáp xuống bụi dừa nước bên kia con rạch, chắc người ta bỏ luôn rồi. Con này mà bán lại cũng được trăm ngàn”. Cao vậy sao? Tôi hỏi. “Nhìn cái sườn, vải và cách trang trí là biết diều của dân chuyên nghiệp tự thiết kế và may chứ có phải diều chợ đâu”.
Kỹ thuật “cứu hộ” diều
Dũng nói: “Không ít người thêu dệt, chuyện không nói có chứ chẳng có tay cứu diều nào dại dột mà leo trụ điện để cứu diều, có người cũng leo nhưng chỉ leo trụ đèn chiếu sáng thì cũng không có gì nguy hiểm lắm”. |
Đang ngồi trò chuyện, một cậu bé ước chừng 12 tuổi chân đất chạy đến thông báo: “Diều bị nạn, con này dữ lắm”. Nghe cấp báo của cậu bé, Dũng quăng điếu thuốc lá đang cầm trên tay chạy đến nơi diều bị nạn. Theo lời của chủ nhân, con diều đang cắm chốt (tức buộc vào một trụ bê tông dưới đất – PV) thì bị một con diều chợ mất thăng bằng ập vào vướng dây. Do sơ ý của người thả diều chợ, hai sợi dây diều quấn vào nhau, bị đứt và bay đi. Sau một hồi kỳ kèo, thương lượng tiền công cứu diều, Hùng ra hiệu cho Sáng (người đi chung) lấy đồ nghề từ trong túi quần ra. Đồ nghề cứu diều chỉ đơn giản là mấy con bù loong đủ kích cỡ và vài cuộn dây nhợ, dây cước và có cả dây bao… “Diều của anh bay bằng dây gì?”. Sáng hỏi chủ nhân con diều. “Dây nhợ”, “Lớn hay nhỏ, cỡ này không”. “Ừ đúng rồi, cỡ đó”. Dũng giãi bày: “Phải tìm hiểu dây diều thuộc loại nào để dùng dây cứu phù hợp, nếu dùng dây yếu, mỏng manh hơn thì sẽ bị đứt”. Dũng lấy cuộn dây nhợ cỡ vừa phải buộc chặt vào con bù loong. Sáng chạy sang hướng đối diện (tức bên kia sợi dây điện bắt ngang, nơi con diều bị nạn). Bên này, Dũng đứng từ xa lấy đà, tập trung sức lực để ném con bù loong qua sợi dây diều đang căng vì gió. “Qua rồi”. Bên kia, Sáng nói vọng lại và chạy đến cầm con bù loong. Mỗi người nắm một đầu dây, nhịp nhàng thu hai đầu dây lại. Khi dìu con diều xuống vừa tầm với, Dũng đưa tay nắm dây diều bị nạn và cắt bỏ phần dây bị vướng, chỉ lấy lại con diều.
Không chỉ làm và bán diều, anh Hoàng (khu Đồng Diều, quận 8) kiêm luôn nghề “cứu hộ” diều. Anh Hoàng nói: “Cứu diều là công việc không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Có khi nắm được sợi dây rồi nhưng đành phải buông ra vì gió mạnh, dây diều căng cắt đứt tay như chơi. Tư thế đứng cứu diều cũng rất quan trọng, gặp gió thốc mạnh, những con diều lớn nhấc mình lên như không. Tôi từng bị sự cố này nên có kinh nghiệm. Phải xác định địa điểm cứu diều xong phải chú ý đến chân trụ của mình”.
Nhiều chủ nhân của diều khi nghe người cứu diều ngỏ ý liền chối phăng vì sợ liên lụy nếu không may tai nạn xảy ra. Thậm chí, có trường hợp đang cứu diều thì chủ nhân của nó đã “biến”, bỏ lại chiếc diều có giá trị lên đến bạc triệu.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)