Một trẻ TK (trái) học hòa nhập tại Trường MN Bến Thành, Q.1 |
Trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 tiếp nhận từ 1-1,4 ngàn lượt trẻ tự kỷ (TK) đến khám và điều trị/BV. Hầu hết các bé đều được đến trường mầm non, thậm chí cả tiểu học nhưng cũng chỉ học được một thời gian ngắn là bị “bật ra” vì không theo kịp chương trình, tệ hơn là bị bạn bè trêu chọc và đánh…
Chị Thoa – mẹ của một trẻ TK khẳng định: “Tỷ lệ trẻ TK có thể đi học tiểu học là 30%, nghĩa là cứ 100 trẻ TK thì có 70 trẻ không được học tiểu học.Cơ hội đi học ở cấp THCS, THPT và các bậc học cao hơn còn thấp hơn rất nhiều”. Đối với con của chị, dù đã học nhiều năm nhưng cũng không thể “tốt nghiệp” được trường mầm non để lên lớp 1.
Trường nào cho trẻ tự kỷ?
Chị Liên Hoan, mẹ của bé Nguyễn Đăng Khanh (SN 2001) tâm sự: “Năm 2003, con tôi được các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 chẩn đoán là TK không điển hình – chậm phát triển trí tuệ. Thế là tôi cho con đi học ở trường mầm non vào buổi sáng, còn buổi chiều và tối thì thuê gia sư về dạy. Khi được 6 tuổi, con tôi không còn thích hợp ở trường mầm non nên cô hiệu trưởng trả về với gia đình. Tôi đến các trường tiểu học gần nhà xin học cho con nhưng tất cả đều từ chối khi nghe tôi thú nhận: “Cháu hơi hiếu động hơn trẻ bình thường một chút”. Thế là tôi đành phải gửi con vào một nhóm trẻ gia đình. Hai năm gần đây, tôi xin cho con vào Trường chuyên biệt Q.10. Dù vậy, tôi vẫn băn khoăn về con đường tới trường của Khanh. Khi cháu lớn lên, khi cháu quá tuổi cho phép được học trong trường này có nơi nào thích hợp cho cháu không?…”.
Vào tháng 2-2008, chị Trâm Anh bắt đầu tìm trường cho đứa con TK của mình. Từ trường gần đến trường xa, tất cả đều không được. Sau đó chị xin cho con vào một trường chuyên biệt. “Học được 3 tháng thì bé bị các bạn trong lớp đạp gãy tay thế là tôi cho cháu nghỉ. Vài tháng sau, tôi xin cho con vào một trường mầm non chuyên biệt gần nhà. Hiện nay, do gia đình phải chuyển nhà và cũng theo lời khuyên của cô giáo tôi xin cho cháu vào trường mầm non bình thường để học hòa nhập. Và phải tới lần thứ 5, tôi mới tìm cho con được một chỗ học. Tuy vậy, chỉ còn một năm nữa là con tôi đến tuổi vào lớp 1 nhưng cháu lại chưa đủ khả năng đi học, lúc đó con tôi sẽ học ở đâu?”, chị Trâm Anh lo lắng.
Đừng bỏ rơi trẻ TK
ThS. Võ Thị Hoàng Yến – Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển cho biết: “Hơn 50 năm trước, TS. Leo Kanner – một chuyên gia tâm thần học tại ĐH Johns Hopkins đã sử dụng thuật ngữ “TK” trong một bài viết đề cập đến một nhóm trẻ miệt mài với chính bản thân hoặc có những vấn đề trầm trọng về hành vi giao tiếp và quan hệ với người khác. TK là một dạng rối loạn phát triển bắt đầu từ lúc mới sinh hoặc trong 2-3 năm đầu tiên. Hầu hết trẻ TK trông có vẻ hoàn toàn bình thường nhưng chúng dành toàn bộ thời gian của mình thực hiện những hành vi náo động hoặc gây hoang mang cho người khác. Những hành vi cho thấy sự khác biệt của chúng với những đứa trẻ khác. Lúc ban đầu, số liệu cho thấy chỉ có khoảng 5 trong số 10 ngàn trẻ gặp dạng rối loạn này. Tuy nhiên, từ đầu thập niên 90, tỷ lệ này là 60/10 ngàn. Và hiện nay, số người TK chiếm 0,25 đến 0,5% dân số thế giới. Người ta từng cho rằng TK là số phận mà bạn phải chấp nhận vì không thể làm được gì với nó. Nhưng hiện nay đang có nhiều phương cách trị liệu rất hữu ích”…
Và theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh – Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 thì gia đình là ngôi trường tốt nhất, người mẹ là cô giáo đầu tiên giúp trẻ TK hòa nhập cuộc sống. “5 năm đầu đời là thời gian vàng để can thiệp cho trẻ tốt nhất vì tính dễ uốn nắn của não trong thời gian đó. Vì vậy khi phát hiện con có những dấu hiệu bất thường như chậm nói, khó khăn trong giao tiếp, học tập… thì hãy đưa trẻ đến khám tại các đơn vị tâm lý. Khi đó, các bác sĩ sẽ can thiệp cho trẻ cũng như hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ tại gia đình”, bác sĩ Thanh nói.
Song, không thể cứ nhốt trẻ TK trong nhà và bệnh viện mãi được mà cần phải cho trẻ hòa nhập với cuộc sống bên ngoài. Theo đó, các phụ huynh có con là trẻ TK mong mỏi về một mái trường hay có thể là một trung tâm giáo dục dành cho trẻ TK ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi vị thành niên.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Hiện nay cả nước có khoảng 800 ngàn trẻ khuyết tật, trong đó có cả trẻ TK chưa được đến trường. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu. |
Bình luận (0)