Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cửu Long Giang ta ơi- Thấm đẫm hồn thơ Nam bộ!

Tạp Chí Giáo Dục

Với 50 năm lao động nghệ thuật bền bỉ, dẻo dai Nguyên Hồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Bỉ vỏ, Bảy Hựu, Những ngày thơ ấu, Địa ngục và lò lửa, Sóng gầm, Cơn bão đã đến…
Tập thơ Trời xanh (1960) đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn, trong đó bài thơ Cửu Long Giang ta ơi là một bài thơ hay.
Nói như nhà thơ Xuân Diệu, chỉ với một Cửu Long Giang ta ơi, Nguyên Hồng cũng đủ xứng đáng là một nhà văn có tên trong nền thơ Việt Nam hiện đại với một hồn thơ thấm đẫm tinh thần yêu nước, yêu cách mạng bằng một sắc thái riêng biệt.
Hồn thơ trong ông có từ tuổi ấu thơ. Nhưng phải đợi đến năm 1954, khi hòa bình lập lại, từ trong chiến khu Việt Bắc sắp trở về thủ đô, ông đã ghi lại lời tự tình bằng thơ về những ngày tháng đẹp như một giấc mơ: “Ngày xưa ta đi học/ Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu/ Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ/ Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ”.
Đó cũng là xúc cảm của một sáng đứng bên suối Việt Bắc nghe tiếng nước reo, của những ngày cùng đoàn quân “về lại thủ đô” men theo dòng sông Lô, băng qua những vùng đồi trung du: “Mê Kông chảy/ Cây lao đá đổ/ Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương/ Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn/ Ngẫm nghĩ voi đi/ Thác Khôn cười trắng xóa”.
Ngày vào Hà Nội, nhìn những đứa trẻ chăn trâu cởi áo tắm sông Hồng, nhà văn như đón nhận được một cảm xúc cháy bỏng và chân thành: “Ta cởi áo lội dòng sông ta hát”. Với cảm xúc ấy, Nguyên Hồng như được cùng bơi dài bơi dọc trong sông Hồng, hòa lẫn với chín nhánh sông Mê Kông của Nam bộ. Nguyên Hồng mở nhật ký ghi: “Sóng tỏa chân trời buồm trắng/ Nam bộ/ Nam bộ/ Chín nhánh Mê Kông phù sa nổi váng…/ Ruộng bãi Mê Kông trồng không hết lúa/ Bến nước Mê Kông tôm cá ngập thuyền”. Còn một tuần nữa, Hà Nội làm lễ ra mắt đón Bác về thủ đô, nhà văn về Hà Nội, đứng dưới cột cờ Ba Đình để nghĩ về những tên tuổi Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu… Và ngày mai trên lễ đài ấy sẽ là Bác Hồ và… Việt Nam. Đêm ấy tháng mười, chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa, nhà văn sẽ được gặp Bác… Mấy tiếng đồng hồ đó, nhà văn viết một mạch 60 câu thơ hừng hực cảm xúc. Bài thơ được hình thành như lời ru, từ một hồn thơ thấm đẫm về Nam bộ, về miền Nam, mơ về một ngày thống nhất: “Đêm nay/ Cửu Long Giang vẫn âm vang sóng cát/ Sao khuya lấp lánh/ Lửa chài thức sáng nhịp hát hò ơ/ Đồng Tháp xa đưa tiếng mẹ ru/ Hồ Chí Minh thành ca dao bát ngát…”.
Trúc Chi

Bình luận (0)