Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cứu nông dân bằng nông nghiệp thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 17-10 tại TP.Cần Thơ đã diễn ra hội thảo Liên kết ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ phục vụ phát triển ĐBSCL.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đi sâu phân tích nhiều vấn đề gây hạn chế cho sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản mà chủ lực là gạo, trong đó có tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bà Nguyễn Thanh Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh, nhấn mạnh: “Do lạm dụng những chất này đã gây ra nhiều bệnh dịch cho cây trồng. Cụ thể như bệnh vàng lá gân xanh tăng mạnh gây thối rễ các loại cây có múi (cam, quýt), nhiều chủ vườn phải nhổ bỏ hàng trăm diện tích vườn cây. Việc lạm dụng này cũng khiến Việt Nam có tỷ lệ bệnh ung thư cao nhất thế giới. Đồng thời ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản, 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu tăng”.

Để khắc phục và góp phần tăng thu nhập cho nông dân, các nhà khoa học đã tận dụng các phụ phẩm của lúa gạo, cây trồng và sản xuất ra những chế phẩm vi sinh dùng trong xử lý, phục hồi môi trường nước, môi trường đất phục vụ cho nuôi thủy sản, trồng trọt; sản xuất phân hữu cơ sinh học để chăm bón cây trồng, phát triển nông nghiệp; sử dụng năng lượng sạch như địa nhiệt, năng lượng mặt trời. Đối với lĩnh vực nông nghiệp thông minh là các công trình chiếu sáng nhân tạo, tưới tiêu tiết kiệm có điều khiển, phân bón nhả chậm, trừ sâu vi sinh, sử dụng năng lượng tái tạo.

TS. Đào Trọng Hiển, Viện Công nghệ môi trường, giới thiệu một số sản phẩm ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp như: sản phẩm nano xử lý nhanh vi tảo gây hiện tượng “nở hoa” làm hại môi trường; hoặc Tổ hợp nano vi lượng xử lý hạt giống… Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm chứng minh, sản phẩm nano có khả năng kích thích sinh trưởng và phát triển của cây trong giai đoạn nảy mầm, giúp tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu phân bón sử dụng, phòng trừ dịch bệnh…

Song, vấn đề là làm sao đưa những sản phẩm này đến nông dân. Ông Nguyễn Thế Tân, Phó Giám đốc Công ty Sản xuất và kinh doanh Trà thảo dược Tam Lang (Tây Ninh) bức xúc: “Chúng tôi rất muốn liên kết với các nhà khoa học để tăng năng suất cây trồng và sản xuất đa dạng sản phẩm nhưng không biết tìm sự hỗ trợ từ đâu?”.

TS. Phí Quyết Tiến, Viện Công nghệ sinh học VN, trăn trở: “Chúng tôi làm nghiên cứu, công trình được chuyển giao nhưng một sản phẩm không thể dừng lại ở chuyển giao mà phải phát triển, muốn vậy phải có sự kết nối với doanh nghiệp. Ngoài ra phải đẩy mạnh xã hội hóa, phải xây dựng niềm tin giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Nhà nước và các nhà quản lý cần có chính sách, biện pháp để xây dựng thành công mối liên kết này”.

Kết thúc buổi hội thảo, các đại biểu đều thống nhất ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ phục vụ phát triển bền vững là yêu cầu bức thiết không chỉ với ĐBSCL mà là cả nước, nếu muốn hàng nông sản VN đứng vững và phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Đan Phượng

Bình luận (0)